Một nhà kinh doanh giỏi không nhất thiết phải có kiến thức uyên thâm như một nhà giám định, quản lý trong lĩnh vực cổ vật.
Nghị định số 142/2018/NĐ-CP sửa đổi một số quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) vừa được ban hành.
Nghị định quy định, chứng chỉ hành nghề mua bán di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia chỉ được cấp cho người có trình độ đại học trở lên thuộc một trong các chuyên ngành đào tạo về di sản văn hóa, lịch sử (khảo cổ học, văn hóa học), mỹ thuật, Hán Nôm, dân tộc học, cổ nhân học, cổ sinh vật học (động vật, thực vật), địa chất; Hoặc là thành viên của tổ chức xã hội-nghề nghiệp liên quan đến các chuyên ngành đào tạo nêu trên và đã thực hiện hoạt động sưu tầm cổ vật.
Ảnh minh hoạ.
Quy định mới này đang nhận được sự chú ý của dư luận, trong đó có cả những phản hồi của các chuyên gia.
Thời gian qua, công luận nói chung và cộng đồng doanh nghiệp nói riêng ghi nhận nỗ lực cắt giảm hàng loạt điều kiện kinh doanh Chính phủ. Vấn đề ở chỗ, nhiều người nhận thấy giấy phép con này bị “chặt”, thì lại có giấy phép con khác được “đẻ” ra, không bằng hình thức này, cũng bằng hình thức khác.
Phải nói rằng, điều kiện kinh doanh mới này của Bộ VH-TT-DL có nét tương đồng với một dự thảo từng lấy ý kiến của Bộ Tài chính đó là “đối với việc kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài thì người quản lý, điều hành có trình độ đào tạo tối thiểu từ đại học trở lên”.
Liên quan đến vấn đề này, nguyên Cục phó Cục Văn hóa Cơ sở, Bộ VH-TT-DL thẳng thắn: “Trong cơ chế thị trường không nên đặt ra điều kiện về trình độ, người dân có quyền buôn bán những gì Nhà nước không cấm, miễn là không vi phạm pháp luật. Họ muốn mua bán cổ vật thì phải tự đúc kết kinh nghiệm, tự chịu trách nhiệm về việc mua bán của họ”.
Có lẽ vì thế mà khi phát sinh điều kiện kinh doanh mới này, đã có nhiều người tự hỏi: Không biết có trường đại học nào dạy nghề kinh doanh casino hay buôn bán cổ vật hay không?
Kỳ thực, nếu các nước trên thế giới cũng áp dụng quy định nghiêm ngặt kiểu này thì Bill Gates đã không thể làm Tổng giám đốc Microsoft, Steve Jobs không thể điều hành Apple, Mark Zuckerberg không thể sáng lập Facebook... Thật ra danh sách những người chưa lấy được bằng đại học mà làm CEO các doanh nghiệp lớn còn dài lắm như Evan Williams của Twitter, Richard Branson của hãng Virgin, Michael Dell của hãng Dell..v..v.
Còn ở Việt Nam thì sao? Chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai Đoàn Nguyên Đức, từng được Wall Street Journal đánh giá là một trong 30 doanh nhân quyền lực nhất Đông Nam Á năm 2011. Ông cũng nổi tiếng với phát biểu: “Tôi không có bằng đại học nhưng có khoảng 10 nghìn cử nhân đã làm việc cho tôi. Có những người học ở Mỹ tốt nghiệp đại học loại xuất sắc”.
Hoặc, mặc dù chỉ tốt nghiệp trung học phổ thông, nhưng ông Lê Phước Vũ tạo dựng thương hiệu Tôn Hoa Sen bền vững cho tới hiện nay. Thành công mà ông đạt được khiến nhiều người phải nể phục và ngưỡng mộ. Ông là người giàu thứ 11 trên sàn chứng khoán Việt năm 2015 với tổng tài sản 1.383 tỷ đồng..v..v.
Nói ra những điều đó để thấy, dù một chủ doanh nghiệp hay giám đốc của một công ty thì đây là một nghề cần nhiều kỹ năng, nhiều bí quyết, nhiều tâm huyết, còn tấm bằng đại học không hề là vật bảo chứng. Giám đốc chưa một ngày ngồi ở giảng đường đại học vẫn có thể thuê các tiến sĩ, thạc sĩ… làm việc cho mình chừng nào họ thuyết phục được những người có bằng cấp cao hơn họ đầu quân cho họ.
Đúng là, rất cần có những quy định chặt chẽ với người làm công tác giám định, thẩm định di vật, cổ vật, ngoài những kiến thức thu nạp từ chính kinh nghiệm tiếp xúc với cổ vật, họ còn cần phải có kiến thức nền tảng được đào tạo. Ngược lại, một nhà kinh doanh giỏi không nhất thiết phải có kiến thức uyên thâm như một nhà giám định, quản lý trong lĩnh vực cổ vật.
Thế mới nói, quy định trên không phải là khó, mà là quá khó! Điều này cũng có nghĩa, yêu cầu một nhà kinh doanh có đủ bằng cấp, chứng chỉ như một nhà nghiên cứu, một chuyên gia thẩm định là không hợp lý!