Báo chí trong tiến trình “tư duy số”

MINH ĐĂNG 21/06/2022 01:32

Báo chí Việt Nam không thể đứng yên mà cần nhanh chóng tiếp cận những cách làm báo hiện đại, phù hợp với nhiều nền tảng khác nhau.

Chia sẻ với DĐDN, Nhà báo Lê Quốc Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam cho rằng, báo chí thế giới đang có rất nhiều thay đổi từ công nghệ đến cách tiếp cận thông tin. Tuy vậy, chuyển đổi số phải là sự chuyển đổi tư duy từ lãnh đạo đứng đầu cơ quan báo chí cho đến từng phòng ban, từng phóng viên.

- Tuy nhiên, không nhiều tờ báo, tạp chí của Việt Nam có đủ nguồn lực cả về vật chất và con người để bắt kịp với yêu cầu chuyển đổi số, thưa ông?

Chuyển đổi số đang là vấn đề rất cấp bách với các cơ quan báo chí. Nếu các cơ quan báo chí lớn được đầu tư bài bản về công nghệ theo một chiến lược đồng bộ, lại chọn lựa được những công nghệ tương lai phù hợp thì thật tuyệt vời. Song từ kinh nghiệm của cá nhân tôi, quy mô lớn và có tiềm lực tài chính chưa chắc đã là thế mạnh trong việc áp dụng công nghệ làm báo hiện đại, bởi để áp dụng những sáng tạo mang tính đột phá tại các cơ quan lớn đòi hỏi cả một quy trình phức tạp.

Trong khi đó, các tờ báo nhỏ có thể triển khai công nghệ mới rất nhanh, và khi thấy công nghệ đó không hiệu quả thì họ cũng có thể chuyển nhanh sang công nghệ khác. Các cơ quan báo chí lớn cũng có một ưu thế là có thể xây dựng đội ngũ công nghệ nội bộ để phát triển cơ quan báo chí đó theo hướng truyền thông - công nghệ đang khá phổ biến trên thế giới. Trong khi, các cơ quan báo chí nhỏ hơn có thể xây dựng mối quan hệ hợp tác chiến lược với các đối tác công nghệ và hoàn toàn có thể tạo ra năng lực cạnh tranh riêng, những cách làm sáng tạo.

- Người làm báo thường nói “nội dung là vua, công nghệ là hoàng hậu”. Các cơ quan báo chí Việt Nam cần xử lý vấn đề này ra sao, thưa ông?

Đầu tiên phải có “vua” mạnh đã! Báo chí Việt Nam phát triển khá nhanh và xét ở góc độ loại hình báo chí thì chúng ta có đầy đủ những gì xuất hiện trong làng báo thế giới. Số lượng các cơ quan báo chí và người làm báo cũng tăng mạnh trong khoảng 15 năm trở lại đây. Xét về công nghệ làm báo cơ bản thì các cơ quan báo chí của Việt Nam cũng chẳng thua kém là bao. Tuy nhiên, xét về tính chuyên nghiệp thì báo chí Việt Nam còn rất nhiều điều phải học hỏi.

p/Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công chúc mừng Báo Nhân dân nhân dịp 97 năm ngày báo chí Cách mạng Việt Nam

Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công chúc mừng Báo Nhân dân nhân dịp 97 năm ngày báo chí Cách mạng Việt Nam

Chúng ta có nhiều nhà báo giỏi, nhưng nhìn vào lực lượng đông đảo các nhà báo hiện nay có thể thấy có một số nhà báo chưa thấm nhuần các giá trị cốt lõi của báo chí, viết tin bài rất cảm tính và thậm chí không tuân thủ nguyên tắc về thẩm định thông tin.

Đó là chưa kể tình trạng ngôn từ báo chí, đặc biệt là trên báo điện tử, ngày càng trở nên dễ dãi và mắc rất nhiều lỗi. Ngôn ngữ báo chí thường được coi là ngôn ngữ tiêu chuẩn của xã hội, nhưng đọc báo điện tử ngày nay có quá nhiều sạn, gây ức chế cho độc giả. Thực tế, nếu báo chí chỉ duy trì cách làm truyền thống thì sẽ rất khó cạnh tranh với hàng tỷ kênh thông tin trên mạng Internet.

Hiện nay có rất nhiều kênh thông tin khác ngoài báo chí, đây là xu hướng phát triển tất yếu trong thời kỳ mới. Bởi vậy, thách thức lớn nhất của báo chí là sự thu hút sự quan tâm của độc giả. Trong tương lai, thách thức này lại càng lớn hơn nữa khi chuyển sang xã hội số thậm chí đang nói đến thế giới ảo...

- Vậy sáng tạo để cạnh tranh là yêu cầu cấp bách của các cơ quan báo chí, thưa ông?

Đổi mới sáng tạo sẽ là nhu cầu vô cùng cấp bách trong thời gian tới, đây cũng là nhu cầu tự thân của từng cơ quan báo chí. Bên cạnh đó, các loại hình báo chí đều cần nâng cao năng lực số, đổi mới sáng tạo không ngừng nhằm kéo độc giả trở lại gần hơn với báo chí.

Để tạo điều kiện cho báo chí đổi mới, các cơ quan chức năng cũng cần có các cơ chế pháp lý hỗ trợ các cơ quan báo chí về thuế, công nghệ, chính sách định mức thông tin... Tuy nhiên, năng lực của từng báo, từng phóng viên vẫn là điều quan trọng nhất.

Hiện báo chí thế giới đang triển khai nhiều công nghệ như thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR), mixed reality hoặc extended reality (XR)... Mỗi cơ quan báo chí nên lựa chọn cái gì phù hợp với đơn vị của mình.

- Nguồn thu của báo chí ngày càng khó khăn, đây là một thách thức không nhỏ hiện nay, thưa ông?

Không có công thức chung duy nhất nào để đảm bảo thành công về kinh tế báo chí. Nguồn thu của các cơ quan báo chí đang ngày càng thu hẹp do số lượng phát hành báo in giảm, quảng cáo trực tuyến trên báo điện tử cũng ngày càng hạn chế. Mỗi cơ quan báo chí phải đa dạng hóa các mô hình kinh doanh, tìm ra thị trường ngách để phát huy thế mạnh của mình. Bên cạnh quảng cáo, một số cơ quan báo chí đã tạo nguồn thu mới từ tổ chức sự kiện, cung cấp dịch vụ truyền thông...

Thời gian qua, nhiều cơ quan báo chí đã tận dụng rất tốt sự phát triển của khoa học công nghệ, thay đổi mạnh mẽ các hình thức truyền thông, tạo được ấn tượng tốt với công chúng. Đây chính là “sức sống mới” của báo chí trong thời đại chuyển đổi số hiện nay.

Nhưng dù cách thức làm báo có thể khác so với trước đây thì đạo đức, lý tưởng làm nghề vẫn không bao giờ thay đổi.

Báo chí phải luôn khách quan, tôn trọng sự thật, bảo vệ công lý và lẽ phải, công bằng và cân bằng, báo chí phải vì lợi ích của cộng đồng, của đất nước và nhân dân. Đó mới là lý tưởng cao cả của người làm báo cách mạng.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Báo chí trong tiến trình “tư duy số”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO