Bảo hiểm MIC tăng vốn trong bối cảnh lợi nhuận sụt giảm

ĐÌNH ĐẠI 20/08/2022 05:15

Tổng công ty CP Bảo hiểm Quân đội – MIC (HoSE: MIG) vừa công bố Nghị quyết HĐQT triển khai phương án tăng vốn điều lệ từ 1.644,5 tỷ đồng lên 1.930,5 tỷ đồng.

>>>6 tháng đầu năm 2022, tăng trưởng doanh thu của VNI trong TOP đầu thị trường bảo hiểm

Cụ thể, MIC sẽ chào bán 25,7 triệu cổ phiếu giá 10.000 đồng/cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tỷ lệ phân bổ quyền 115:18. Thời điểm thực hiện trong năm nay sau khi được Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận.

Bảo hiểm MIC phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ từ 1.644,5 tỷ đồng lên 1.930,5 tỷ đồng.

Bảo hiểm MIC phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ từ 1.644,5 tỷ đồng lên 1.930,5 tỷ đồng.

Đối với cổ phiếu không được cổ đông hiện hữu thực hiện quyền, MIC sẽ bán lại cho các nhà đầu tư khác bao gồm Ngân hàng TMCP Quân đội với giá 10.000 đồng/cổ phiếu để đảm bảo phát hành hết số cổ phần chào bán. Cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu lẫn nhà đầu tư khác trong trường hợp cổ đông bỏ quyền đều được tự do chuyển nhượng. Ngân hàng Quân đội là ngân hàng mẹ sở hữu hơn 68% vốn MIC.

Theo HĐQT MIC, việc tăng vốn điều lệ là cần thiết để nâng cao năng lực tài chính, năng lực cạnh tranh, năng lực hoạt động. Cụ thể, việc được bổ sung vốn giúp MIC tăng mức giữ lại với các hợp đồng, nghiệp vụ bảo hiểm có hiệu quả, giúp tăng lợi nhuận; tăng năng lực đấu thầu (MIC đứng top 5 về doanh thu thu phí nhưng quy mô vốn chủ đứng top 7); duy trì biên khả năng thanh toán trong ngưỡng an toàn và đầu tư nền tảng hạ tầng công nghệ thông tin.

Về hoạt động kinh doanh, trong quý II/2022, MIC ghi nhận doanh thu thuần hoạt động kinh doanh bảo hiểm đạt gần 835 tỷ đồng, tăng trưởng 24% so với cùng kỳ năm 2021. Trong kỳ, doanh thu hoạt động tài chính đạt 48 tỷ đồng, giảm mạnh 32% so với cùng kỳ. Trong khi đó, tổng chi phí cho hoạt động kinh doanh bảo hiểm đạt hơn 732 tỷ đồng tăng 36%. Chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng 22%, lên hơn 128 tỷ đồng.

Dù chi phí hoạt động tài chính đã giảm tới 86% so với cùng kỳ năm trước, chỉ còn hơn 581 triệu đồng, tuy nhiên, do chi phí này rất nhỏ nên không gây ảnh hưởng lớn tới kết quả lợi nhuận của công ty.

Vì vậy, do mức tăng của doanh thu không theo kịp sự gia tăng của các loại chi phí nên quý II, MIC ghi nhận mức lợi nhuận trước thuế đạt hơn 22 tỷ đồng, chỉ bằng khoảng 1/5 so với mức lợi nhuận 98 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2022, doanh thu hoạt động kinh doanh bảo hiểm của MIC đạt 1.656 tỷ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, chi phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm cũng tăng mạnh 33% lên 1.414 tỷ đồng.

>>>Thị trường bảo hiểm phải trở thành nguồn lực quan trọng

Bên cạnh đó, chi phí quản lý doanh nghiệp cũng đạt gần 242 tỷ đồng, tăng trưởng 19%. Do đó, lợi nhuận trước thuế nửa đầu năm của MIC chỉ đạt 107 tỷ đồng, giảm 27% so với nửa đầu năm 2021.

Lịch sử giao dịch cổ phiếu MIG.

Lịch sử giao dịch cổ phiếu MIG.

Năm 2022, MIC đặt kế hoạch doanh thu đạt 8.000 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 400 tỷ đồng. Như vậy, hết nửa đầu năm, MIC mới chỉ hoàn thành 21% kế hoạch về doanh thu và 27% về lợi nhuận.

Tính đến cuối quý II, tổng tài sản của MIC đạt 8.096 tỷ đồng, tăng khoảng 23% so với lượng tài sản ghi nhận cuối năm ngoái. Trong đó, khoản đầu tư tài chính ngắn hạn của công ty ghi nhận giảm gần 30% so với con số hồi tháng 12 năm ngoái, trong đó, chủ yếu là phần giảm của khoản ủy thác ngắn hạn, giảm 900 tỷ đồng.

Tuy nhiên, đầu tư trong dài hạn của MIC lại ghi nhận mức tăng vọt gấp hơn 5 lần so với con số cuối tháng 12, lên 1.545 tỷ đồng. Trong đó, chủ yếu đến từ khoản ủy thác dài hạn, đạt 1.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, phần vốn chủ sở hữu cũng ghi nhận mức tăng nhẹ khoảng 4%, đạt 1.819 tỷ đồng, chủ yếu do mức tăng của khoản lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, tăng 25%, tương đương 68 tỷ đồng.

Trong báo cáo cập nhập thị trường bảo hiểm mới đây, Chứng khoán SSI dự báo kết quả lợi nhuận quý II/2022 của hầu hết doanh nghiệp bảo hiểm sẽ suy giảm. Theo SSI, mặc dù lãi suất tăng nhưng tỷ lệ bồi thường tại các công ty bảo hiểm sẽ quay lại mức bình thường và lợi nhuận từ đầu tư cổ phiếu sẽ không còn thuận lợi như 2021.

Với việc thị trường chứng khoán sụt giảm so với đầu năm, các doanh nghiệp bảo hiểm có thể sẽ phải trích lập dự phòng cho các khoản đầu tư cổ phiếu làm ảnh hưởng đến lợi nhuận ròng. Do đó, SSI dự báo kết quả lợi nhuận quý II/2022 có thể sẽ không mấy khả quan đối với hầu hết các doanh nghiệp bảo hiểm.

SSI cũng đánh giá Luật Kinh doanh Bảo hiểm mới sẽ có tác động tích cực đến sự phát triển lâu dài của thị trường bảo hiểm. Tuy nhiên, nhóm chuyên gia của SSI cho rằng, cần một giải pháp để cải thiện cấu trúc tổng thể của thị trường, do lợi nhuận hiện tại không được phân bổ hợp lý trong toàn bộ chuỗi giá trị của ngành.

“Trong khi các công ty môi giới bảo hiểm được hưởng biên lợi nhuận cao vào thời điểm hiện tại, các công ty kinh doanh bảo hiểm đang phải chịu gánh nặng với việc giải quyết bài toán quản lý chi phí (từ định phí bảo hiểm, cấp đơn, chi phí bán hàng, hoa hồng cho đến việc quản lý hợp đồng & quản lý bồi thường cũng như tránh trục lợi bảo hiểm) và khả năng sinh lời ở mức thấp”, các chuyên gia của SSI nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm

  • Manulife Việt Nam được vinh danh

    Manulife Việt Nam được vinh danh "Công ty Bảo hiểm của năm”

    15:16, 17/08/2022

  • Ứng dụng bảo hiểm bỏ túi IZIon24 chính thức ra mắt tại Việt Nam

    Ứng dụng bảo hiểm bỏ túi IZIon24 chính thức ra mắt tại Việt Nam

    08:00, 08/08/2022

  • Hoàn thiện quy trình giám định bảo hiểm y tế

    Hoàn thiện quy trình giám định bảo hiểm y tế

    21:08, 02/08/2022

  • "Lương duyên" bảo hiểm - ngân hàng: Cần phát triển Bancassurance ra sao?

    05:00, 28/07/2022

  • 6 tháng đầu năm 2022, tăng trưởng doanh thu của VNI trong TOP đầu thị trường bảo hiểm

    6 tháng đầu năm 2022, tăng trưởng doanh thu của VNI trong TOP đầu thị trường bảo hiểm

    12:42, 26/07/2022

  • Tasco “lấn sân” bảo hiểm

    Tasco “lấn sân” bảo hiểm

    00:00, 25/07/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Bảo hiểm MIC tăng vốn trong bối cảnh lợi nhuận sụt giảm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO