Thay đổi cách tiếp cận đầu tư theo hình thức đối tác công tư từ quản lý sang hợp tác, chia sẻ rủi ro mới có thể thu hút nguồn lực đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài cho phát triện hệ thống hạ tầng.
Đây là chia sẻ của Đại biểu Đỗ Văn Sinh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội với DĐDN.
Theo ĐBQH Đỗ Văn Sinh, hiện nay, nhà đầu tư chưa đủ lòng tin vào cơ sở pháp lý khi triển khai PPP. Dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (Luật về PPP) sẽ được thảo luận tại Quốc hội vào ngày 11/11 tới, được kỳ vọng, rộng mở cánh cửa thu hút đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài đối với các dự án PPP.
- Thưa Đại biểu, dự án đầu tư theo PPP hiện vẫn được xem là kém hấp dẫn?
Đúng vậy, thực tiễn ghi nhận, tại Việt Nam các dự án được thực hiện theo PPP vẫn mang tính đơn lẻ, chưa có chính sách và tầm nhìn chiến lược để tạo dựng thị trường cho hình thức đầu tư này. Bên cạnh đó, sự thiếu chuẩn bị của khu vực nhà nước trong việc hợp tác với khu vực tư nhân và lợi ích xung đột giữa các bên trong nhiều dự án cũng trở thành một rào cản.
Mặc dù Việt Nam đã rất thành công trong việc thu hút FDI trong thời gian qua, nhưng đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực hạ tầng rất hạn chế và chỉ tập trung trong một vài dự án điện và cấp nước.
Việt Nam đã xác định hạ tầng là một trong 3 nút thắt trong việc phát triển đất nước, đồng thời PPP được xem là công cụ quan trọng để thúc đẩy phát triển kết cấu hạ tầng.
Ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội: Ban soạn thảo cần luật hóa tối đa các quy định tại các văn bản dưới luật đã được áp dụng ổn định thời gian qua vào dự án Luật, giảm thiểu các quy định chờ hướng dẫn nhằm đảm bảo tính đồng bộ, công khai, minh bạch của Luật. Việc thành lập Hội đồng thẩm định dự án PPP là cần thiết vì cho dù dự án đầu tư từ nguồn lực công hay tư hay kết hợp công tư thì việc xem xét tính khả thi, chú trọng hiệu quả đầu tư của dự án đóng vai trò rất quan trọng, đảm bảo dự án được phân tích một cách thấu đáo, khách quan, độc lập trước khi trình cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư và phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, tránh lãng phí trong đầu tư, cũng như bảo đảm lợi ích, trách nhiệm của các bên. Đại biểu Lê Công Nhường, ủy ban khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội: Nên tạo hành lang pháp lý minh bạch trước để thu hút nhà đầu tư. Trong 5 năm qua, chỉ có 200 triệu tỷ đồng, chiếm 25% vốn đầu tư vào phát triển hạ tầng là vốn tư nhân. Trong khi, đề xuất của các địa phương cho thấy cần đến 930 triệu tỷ đồng, do đó, phải xã hội hoá. Trong giai đoạn đầu, nhà nước cũng nên tạo cơ chế bảo lãnh nhà đầu tư với những điều kiện thông thoáng. Chúng ta hoàn toàn có thể tính toán được lưu lượng xe để cam kết bảo lãnh với nhà đầu tư. |
Theo logic này, PPP sẽ góp phần quan trọng trong việc phát triển quốc gia và vì vậy, PPP cần được xem xét ưu tiên trong việc bố trí nguồn lực, cũng như ủng hộ chính sách, pháp luật có liên quan và cam kết từ khu vực nhà nước để thực hiện các mục tiêu chiến lược của quốc gia.
Tuy nhiên, phải xây dựng được cơ chế mở thì nhà đầu tư mới sẵn sàng đổ vốn.
- Đại biểu có thể phân tích cụ thể vướng mắc lớn nhất về cơ chế liên quan PPP là gì?
Cơ chế bảo lãnh chính phủ và chia sẻ rủi ro về doanh thu là vấn đề vướng mắc lớn nhất khiến cho nhà đầu tư thiếu mặn mà với các dự án PPP. Xin nhấn mạnh rằng các hợp đồng này có giá trị như luật và Nhà nước là bên ký hợp đồng có thể bị kiện trước Toà án, bao gồm cả Toà án hay Trọng tài nước ngoài nếu vi phạm.
Không ai bắt buộc các nhà đầu tư tư nhân phải lựa chọn PPP cả và ngược lại với Nhà nước cũng vậy.
Hàn Quốc có chính sách chia sẻ rủi ro rất lớn với tên gọi Đảm bảo Doanh thu Tối thiểu (MRG), khi xảy ra rủi ro MRG, Chính phủ Hàn Quốc sẽ xem xét quyết định mức chia sẻ rủi ro với nhà đầu tư.
Ở các nước, khi quyết định triển khai PPP đối với một dự án cụ thể, người ta thường xây dựng một dự án đầu tư công khác để so sánh, phản biện và chỉ quyết định PPP khi đầu tư công kém hiệu quả hơn thôi. Chúng ta đang cần chính là PPP để vào đầu tư kết cấu hạ tầng. Trong khi đó, đầu tư lĩnh vực hạ tầng lại có tính đặc thù. Theo đó, kết cấu hạ tầng đòi hỏi thời gian đầu tư dài và rủi ro lớn mà đặc biệt là rủi ro doanh thu và rủi ro về tỷ giá. Cả hai vấn đề này nếu không được đảm bảo sẽ rất khó thu hút nhà đầu tư.
Do vậy, những vướng mắc này cần được cụ thể hóa trong dự thảo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (Luật PPP).
- Vậy giải pháp nào tháo gỡ những điểm nghẽn này, thưa Đại biểu?
Giải pháp mà Chính phủ đưa ra là có bảo lãnh doanh số nhưng phải có phương án rất cụ thể, có bảo lãnh chuyển đổi ngoại tệ nhưng cũng phải có phương án rất cụ thể, để trường hợp ví dụ doanh số tăng lên thì phải chia lại cho chúng tôi, nó là dự báo. Nếu doanh số giảm đi chúng tôi sẽ có hỗ trợ.
Theo đó, Luật về PPP phải quy định rõ ràng, minh bạch cơ chế bảo lãnh và chia sẻ rủi ro khi nhà đầu tư vay tín dụng ngân hàng. Ví dụ chủ đầu tư phải bố trí đủ vốn đối ứng, cơ quan nhà nước cam kết vốn hỗ trợ công trình, Bộ Giao thông - Vận tải và chính quyền địa phương phải bảo đảm hoạt động của các trạm thu phí và lộ trình tăng phí. Trong trường hợp nguồn thu phí của dự án không đạt được kết quả dự kiến, thì cơ quan nhà nước ký hợp đồng PPP phải có giải pháp hỗ trợ nhà đầu tư nhằm bảo đảm thu hồi vốn, trả nợ tín dụng và có lãi hợp lý.
Cùng với đó, với câu chuyện bảo lãnh ngoại tệ, ví dụ nhà đầu tư chuyển vào 1 tỷ USD đầu tư, cái gì tiêu bằng tiền Việt Nam trên đất Việt Nam thì không thể đảm bảo mà phải đảm bảo phần chuyển lãi là ngoại tệ về thôi.
Rõ ràng chúng ta phải hài hoà, cân đối lại giữa quyền lợi của nhà đầu tư và trách nhiệm của chúng ta với họ, may ra mới cần bằng được. Nếu chúng ta cứ khăng khăng không bảo lãnh doanh số, không bảo lãnh chuyển đổi ngoại tệ thì rõ ràng đó là câu chuyện khó, thời gian vừa qua chúng ta không kéo được nhà đầu tư nước ngoài vào PPP hạ tầng.
- Nhiều ý kiến vẫn cho rằng, bản chất mối quan hệ tại dự án PPP chưa thực sự rõ ràng?
Giải pháp PPP đã ra đời như một sáng tạo nhằm tranh thủ cả nguồn tài chính lẫn năng lực công nghệ và quản trị tiên tiến của tư nhân, nhằm phát triển nhanh kết cấu hạ tầng có chất lượng. Lợi ích đạt được đối với các chính phủ là vừa giảm được gánh nặng nợ công tăng cao lại giảm bớt trách nhiệm giải trình trực tiếp thông qua việc chuyển các rủi ro về tài chính và quản trị dự án sang khu vực tư nhân.
Song hiện nay, bất cập ở chỗ Việt Nam đang sử dụng quy trình đầu tư công không phù hợp với PPP, với nhiều cơ quan ban ngành liên quan. Ðiều này có thể hạn chế sự hấp dẫn của dự án đối với nhà đầu tư, gây khó khăn cho họ khi dự án phát sinh vấn đề.
- Đại biểu đánh giá như thế nào về vấn đề rủi ro trong “nhượng quyền” dự án PPP?
Đấy cũng là một vấn đề, trong dự thảo Luật về PPP đã quy định, kể cả trong trường hợp “nhượng quyền” vẫn phải đảm bảo mục tiêu đầu tư. Ví dụ trường hợp chuyển quyền, quy chiếu theo luật, các nhà đầu tư thứ cấp được nhận quyền vẫn phải đảm bảo các điều kiện như nhà đầu tư sơ cấp. Ví dụ trong một số lĩnh vực chúng ta kêu gọi đầu tư, nhưng nhà đầu tư chỉ được tham gia một số lĩnh vực hoặc một số thị phần.
Khi các nhà đầu tư sơ cấp nhượng quyền thì nhà đầu tư thứ cấp cũng phải theo điều kiện đó. Trường hợp này thường diễn ra đối với các dự án đảm bảo quốc phòng an ninh hay kinh tế trọng điểm, các nhà đầu tư chỉ được tham gia một phần.
- Xin cảm ơn Đại biểu!