Bạo lực học đường ngày càng gia tăng, vì sao?

SÔNG HÀN 01/04/2022 01:00

Đối với vấn nạn bạo lực học đường, nếu chờ nước tới chân mới nhảy thì e rằng sức cản của nước sẽ làm các em trôi ra dòng đời, không biết sẽ đi đâu về đâu.

>>Bạo lực gia đình làm mất đi 3,19% GDP mỗi năm

v

Một vụ bạo lực học đường trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế

Thời gian qua, trên địa bàn các tỉnh Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị… xuất hiện hàng loạt vụ học sinh đánh nhau. Những vụ việc này chủ yếu xuất hiện ngoài khuôn viên trường học – nơi thiếu sự giám sát của môi trường giáo dục. Nó đang để lại những lo lắng, bức xúc cho dư luận.

Thực tế, hiện tượng lực học đường không phải là hiện tượng mới, là câu chuyện không của riêng ai và không bao giờ cũ, càng không phân biệt môi trường, ở thành phố hay thôn quê, ở trường công lập hay dân lập, chỉ là nó xảy ra nhiều hay ít, hậu quả thế nào.

Song thời gian gần đây hiện tượng này xảy ra liên tục hơn, ngày càng gia tăng về tính chất nguy hiểm, mức độ nghiêm trọng hơn. Điều đáng nói, hầu hết những vụ việc học sinh đánh nhau đều xuất phát từ những mâu thuẫn nhỏ nhặt trong cuộc sống, nói xấu nhau trên mạng xã hội hay xuất phát từ sự kích động của bạn bè.

Và không chỉ đối giữa cá nhân với cá nhân mà còn là một nhóm đối với cá nhân, bạo lực học đường không chỉ diễn ra với học sinh nam mà còn diễn ra đối với các học sinh nữ. Đặc biệt, có trình trạng nhiều học sinh chứng kiến cảnh bạo lực học đường nhưng lại không can thiệp mà còn cổ xuý, hô hào, quay video và đưa lên mạng.

Bạo lực học đường ngày càng gia tăng

Bạo lực học đường ngày càng gia tăng

>>“Vùng tối” của bạo lực gia đình

Vậy căn nguyên nào để nạn bạo lực học đường này xảy ra một cách thường xuyên như vậy?

Một là: Xét từ góc độ nhà trường

Học sinh phải “gồng gánh” nội dung chương trình nhiều khi còn nặng trang bị kiến thức, thiếu các bài học trải nghiệm, thiếu các hoạt động chia sẻ, gắn kết, thiếu các câu lạc bộ phù hợp với sở thích và đặc thù.  

Điều này vi phạm nghiêm trong quy luật tâm - sinh lý học lứa tuổi, làm các em phát cuồng trong nhận thức và hành vi. Ngẫm lại câu nói dân gian: “Học không chơi giết mòn tuổi trẻ/Chơi không học phá vỡ tương lai” lại rất đúng, rất trúng.

Tuy nhiên cũng phải nhìn nhận khách quan rằng, chúng ta thực sự khó có thể quy trách nhiệm về cho bất kỳ cá nhân nào trong ngành giáo dục, bởi một cá nhân không thể nào làm thay đổi cả một hiện trạng vốn dĩ chịu ảnh hưởng, tác động của quá nhiều mặt trong xã hội.

Hai là: Xét từ góc độ gia đình

Các em ít nhận được sự quan tâm của bố mẹ, hoặc luôn chịu những áp lức đặt ra từ bố mẹ, hoặc các em thường bị tấn công bởi những lời nói và hành vi bạo lực từ người lớn trong gia đình, thường xuyên bị ông bà, bố mẹ, anh chị em la mắng, đánh đập hay chứng kiến những hành vi bạo lực của các thành viên trong gia đình.

Mặt khác, bất kỳ người làm cha, làm mẹ nào cũng đều “nóng mặt” khi con mình là nạn nhân của bạo lực, nhưng rõ ràng nếu dùng bạo lực để trị bạo lực thì bạo lực sẽ càng kéo dài. Nếu em học sinh gây ra bạo lực và bị vị phụ huynh đánh cảnh cáo mà thành tâm hối cải thì không sao.

Ngược lại, nếu em ấy ôm lòng hận thù rồi ngấm ngầm chuyển từ bạo lực tay chân sang bạo lực tinh thần, cô lập, tra tấn con của phụ huynh kia thì sao? Hoặc em ấy về nhà mách cha mẹ và ngày mai cha mẹ của em đến tìm vị phụ huynh kia để giải quyết thì sự việc rồi sẽ đi đến đâu?...

Thành thử, câu chuyện của những đứa trẻ sẽ thành của người lớn. Bạo lực học đường sẽ thành bạo lực xã hội. Một cái tát không biết chừng có nguy cơ trở thành một án mạng.  

Ba là: Xét từ góc độ xã hội

Ngoài đời, chuyện kẻ ỷ mạnh hiếp yếu vẫn là chuyện quá phổ biến, đặc biệt nhất là những vụ đánh ghen cậy đông lột đồ làm nhục đối thủ giữa đường giữa chợ. Cái lối đánh ghen làm nhục ấy, nói thì cay đắng, nhưng thực tế đã thành “bản sắc tệ hại” của văn hoá người Việt.

Và một khi trẻ em lớn lên trong một môi trường dạy chúng quen với việc cậy đông hiếp yếu như vậy, chúng sẽ sao chép lại hành xử đó để áp dụng tại trường học, lớp học của mình.

Hệ quả không mong muốn là những đứa trẻ sẽ lớn lên thành người lớn và cái người lớn tương lai ấy là kết quả của đứa trẻ từ hiện tại. Song song đó, đứa trẻ ở hiện tại cũng là phóng chiếu của những người lớn hiện tại xung quanh nó. Và cái nạn bắt nạt ở học đường của trẻ em cũng không thể nào nằm ngoài qũy đạo của việc nó chính là phóng chiếu của vấn nạn bắt nạt ở công sở, bắt nạt ngoài xã hội mà trẻ em phải chứng kiến mỗi ngày.

Có thể nói, nếp sống, văn hóa gia đình là yếu tố ảnh hưởng đầu tiên trong việc hình thành nên tính cách các em. Sau này, tuy môi trường bạn bè, xã hội có ảnh hưởng đôi phần, nhưng không thể thay đổi hoàn toàn tính cách đã được hình thành từ trước. Khi gặp một mâu thuẫn đối với bạn bè, nếu gia đình làm chỗ dựa tâm lý vững chắc cho các con, hướng dẫn giải quyết kịp thời thì sẽ không dẫn đến những hậu quả nặng nề.

Điều này cũng có nghĩa, để trẻ em không bị rơi vào vòng xoáy bạo lực học đường, cha mẹ, người thân cần dạy cho các em các kỹ năng sống như: kỹ năng giao tiếp, quản lý cảm xúc, giải quyết vấn đề…

Đồng thời, các em cũng nên học thêm các bộ môn võ thuật để tăng sự tự tin, biết bảo vệ bản thân và hiểu được giá trị của sức mạnh thật sự đến từ một tinh thần thượng võ chứ không phải nắm đấm.

Có thể bạn quan tâm

  • Những hành động được xem là hành vi bạo lực gia đình

    12:27, 19/10/2021

  • Bạo lực sân cỏ: Lỗi tại ai?

    06:30, 25/03/2021

  • Cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ: Không ngăn chặn được các hành vi bạo lực, tội phạm

    11:05, 21/10/2019

  • Khi nền tảng mạng xã hội “bất lực” trước các vụ bạo lực

    07:10, 11/10/2019

  • “Vùng tối” của bạo lực gia đình

    12:01, 28/06/2018

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Bạo lực học đường ngày càng gia tăng, vì sao?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO