Trong bối cảnh tình trạng chiếm đoạt dữ liệu cá nhân nhằm sử dụng với mục đích xấu ngày một gia tăng, theo chuyên gia, việc xây dựng, ban hành Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân là cần thiết…
>> Bảo vệ dữ liệu cá nhân: Chế tài xử lý liệu đã đủ… mạnh?
Theo đó Bộ Công an đang xây dựng Dự thảo (lần 2) Luật Dữ liệu để lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Trong đó khẳng định, việc xây dựng Luật này là hết sức quan trọng, cần thiết, cấp thiết để bảo đảm bao quát đầy đủ các nội dung, nhiệm vụ trong công tác chuyển đổi số; tăng cường sử dụng hiệu quả thông tin trong các cơ sở dữ liệu để phục vụ công tác quản lý Nhà nước, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin…
Dự thảo Luật (lần 2) gồm 7 Chương, 66 Điều, quy định về xây dựng, phát triển, xử lý, quản trị dữ liệu; ứng dụng khoa học công nghệ trong xử lý dữ liệu; Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia; Trung tâm dữ liệu quốc gia; sản phẩm, dịch vụ về dữ liệu; quản lý Nhà nước về dữ liệu; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động về dữ liệu áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến các hoạt động về dữ liệu tại Việt Nam.
Đáng nói, Dự thảo cũng nêu rõ các nguyên tắc chung bao gồm: Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật; bảo đảm quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; Bảo đảm tính toàn vẹn, an ninh, an toàn và bảo vệ dữ liệu; Đảm bảo công khai, minh bạch, bình đẳng trong tiếp cận, khai thác và sử dụng dữ liệu; Thu thập, cập nhật, điều chỉnh dữ liệu, tài liệu đầy đủ, chính xác, kịp thời; quản lý tập trung, thống nhất, chặt chẽ, duy trì, kết nối, chia sẻ, khai thác, sử dụng hiệu quả, lưu trữ lâu dài;…
Thực tế cho thấy, bảo vệ dữ liệu cá nhân không chỉ là trách nhiệm của cá nhân, mà còn là trách nhiệm của các cơ quan chức năng, của doanh nghiệp, Nhà nước và cả xã hội. Bảo vệ dữ liệu cá nhân cũng chính là bảo vệ tài sản, bảo vệ quyền riêng tư, quyền tự do, danh dự, uy tín của mỗi người và của cộng đồng. Nhất là khi các tổ chức tội phạm công nghệ cao đã sử dụng nhiều thủ đoạn công nghệ tinh vi, phức tạp để tấn công mạng, chiếm đoạt dữ liệu cá nhân nhằm sử dụng với mục đích xấu đang ngày một gia tăng trong thời gian qua.
>> Cấp thiết bảo vệ dữ liệu cá nhân – Bài cuối: Cần giải pháp quyết liệt hơn
Chưa kể vẫn tồn tại một số hạn chế như hành lang pháp lý về dữ liệu còn chưa đầy đủ, chưa có tiêu chuẩn về dữ liệu thống nhất dẫn đến có nhiều loại dữ liệu gồm các độ mật dữ liệu, dữ liệu nhạy cảm, dữ liệu mở... cơ chế kết nối, chia sẻ giữa các đơn vị không thống nhất và phù hợp, dẫn đến tình trạng lộ, lọt dữ liệu xảy ra ngày càng phổ biến, gây bức xúc, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân, doanh nghiệp và các cơ quan, tổ chức.
Báo cáo tổng kết tình hình an ninh mạng tại Việt Nam của Công ty Công nghệ an ninh mạng quốc gia Việt Nam NCS cho thấy, năm 2023 có tới 13.900 vụ tấn công mạng vào các tổ chức (tăng xấp xỉ 10% so với năm 2022).
Trước thực tế đã nêu, nhiều ý kiến cho rằng, việc xây dựng, ban hành Luật Dữ liệu là cần thiết trong bối cảnh hiện nay.
Theo Luật sư Nguyễn Tiến Lập - trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), xây dựng Luật để bảo vệ dữ liệu cá nhân lúc này rất cần thiết. Bởi, dữ liệu cá nhân là bí mật riêng tư, là tài sản trên không gian số, là quyền cơ bản của người dân. Theo Luật Ban hành văn bản pháp luật thì những gì liên quan tới quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân phải được quy định trong luật.
Vị chuyên gia này khẳng định, lĩnh vực bảo vệ dữ liệu cá nhân khá phức tạp, không chỉ có quan hệ giữa các chủ thể trong nước mà liên quan tới cả nước ngoài. Đó là bảo vệ dữ liệu cá nhân xuyên biên giới, cần sự tương tác giữa các nước thông qua thỏa thuận quốc tế nên phải có một đạo luật quy định riêng…
“Chỉ có ban hành luật mới tạo cơ chế tương thích, một luật không bao giờ tạo ra được cơ chế đầy đủ nên cần tương thích với các luật khác như Bộ luật Dân sự, Luật An toàn thông tin, Luật Công nghệ thông tin, Luật Giao dịch điện tử và các luật về thương mại để tạo cơ chế bảo vệ dữ liệu cá nhân hiệu quả”, vị chuyên gia này nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, một số ý kiến cũng cho hay, việc xây dựng, ban hành Luật Dữ liệu sẽ góp phần điều chỉnh các vấn đề nêu trên nhằm thực hiện thống nhất và đồng bộ, sử dụng hiệu quả thông tin trong các cơ sở dữ liệu, phục vụ công tác quản lý Nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó cung cấp hạ tầng phục vụ xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia và tích hợp đồng bộ, liên thông giữa các cơ sở dữ liệu quốc gia giúp phát triển Chính phủ số, thúc đẩy sự phát triển của công nghệ số... sự ra đời của luật này sẽ tạo cơ chế, chính sách thúc đẩy bảo đảm điều kiện cho Việt Nam phát triển và hội nhập với nền kinh tế số thế giới.
Được biết, trên thế giới đã có nhiều quốc gia quy định về dữ liệu, vận hành, khai thác, sử dụng dữ liệu (dữ liệu của cơ quan Nhà nước, của tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân) như: Luật Dữ liệu mở (Hàn Quốc); Luật Quản trị dữ liệu của Châu Âu áp dụng cho 27 nước thành viên Liên minh Châu Âu; Đạo luật dữ liệu Châu Âu áp dụng cho 27 nước thành viên Liên minh Châu âu… qua đó, tạo cơ chế, chính sách để ứng dụng dữ liệu vào hoạt động quản lý Nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội.
Có thể bạn quan tâm
Giải bài toán tuân thủ về bảo vệ dữ liệu cá nhân
00:06, 16/06/2024
Bảo vệ dữ liệu cá nhân: Chế tài xử lý liệu đã đủ… mạnh?
04:00, 05/03/2024
BHXH Việt Nam: Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ tài khoản nghiệp vụ, bảo vệ dữ liệu cá nhân
13:28, 27/12/2023
Cấp thiết bảo vệ dữ liệu cá nhân – Bài cuối: Cần giải pháp quyết liệt hơn
04:40, 05/09/2023
Cấp thiết bảo vệ dữ liệu cá nhân – Bài 4: Đừng để “nhờn luật”!
03:30, 04/09/2023