Cả nước có khoảng 5.400 làng nghề, trong đó có khoảng 2.000 làng nghề truyền thống đã được công nhận.
Khu vực làng nghề đóng vai trò quan trọng trong giải quyết việc làm khu vực nông thôn, lưu giữ các nét văn hóa truyền thống… Song do đang phát triển theo hình thức tự phát nên tình trạng ô nhiễm môi trường luôn hiện hữu.
Tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề hiện nay đang ở mức báo động, ảnh hưởng đến môi trường và đời sống con người. Theo Hiệp hội làng nghề Việt Nam, 46% số làng nghề trong diện điều tra có môi trường bị ô nhiễm nặng, 27% làng nghề ô nhiễm vừa. Trong đó, hàm lượng các chất ô nhiễm theo các chỉ số COD, BOD5 hay tổng số vi khuẩn coliform trong nước thải làng nghề đều vượt tiêu chuẩn cho phép hàng chục lần, một số nơi lên đến hàng nghìn lần. Ngoài ra, hầu hết các làng nghề đều có hàm lượng bụi vượt tiêu chuẩn cho phép, nồng độ khí SO2 tại các làng nghề cao hơn nhiều lần so với tiêu chuẩn. Tình trạng ô nhiễm môi trường tập trung vào các loại hình làng nghề đặc trưng như chế biến lương thực, thực phẩm, vật liệu xây dựng, dệt nhuộm, tái chế giấy, tái chế nhựa, tái chế kim loại, thủ công mỹ nghệ...
Theo GS.TS. Đặng Kim Chi, Phó Chủ tịch Hội thiên nhiên Việt Nam, nguyên nhân gây ô nhiễm tại các làng nghề là do hoạt động sản xuất tại nhiều làng nghề còn ở quy mô nhỏ, manh mún, gây khó khăn cho việc bố trí xử lý chất thải. Bên cạnh đó, người dân làm nghề cũng chưa tự giác thực hiện các quy định của pháp luật trong các khâu thu gom, xử lý, quản lý chất thải, bảo vệ môi trường tại các làng nghề... Phần lớn chỉ quan tâm đến lợi nhuận trước mắt, không lường hết tác hại lâu dài của ô nhiễm môi trường.
Nhiều làng nghề vẫn đang sở hữu quy trình sản xuất thô sơ, sử dụng nhiều lao động trình độ thấp. Một số địa phương vẫn coi trọng kinh tế, coi nhẹ môi trường, vai trò bảo vệ môi trường làng nghề còn khá mờ nhạt.
Hiện thực hóa những mục tiêu bảo vệ môi trường khu vực làng nghề, hiện Bộ Tài nguyên và Môi trường đang dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường. Trong đó, Bộ đề xuất quy định điều kiện về bảo vệ môi trường làng nghề.
Cụ thể, dự thảo nêu rõ, làng nghề được cơ quan có thẩm quyền quyết định công nhận phải có hạ tầng về bảo vệ môi trường đáp ứng các yêu cầu: Có hệ thống thu gom nước thải, nước mưa bảo đảm nhu cầu tiêu thoát nước của làng nghề; Hệ thống thu gom, thoát nước và xử lý nước thải tập trung (nếu có) bảo đảm nước thải sau xử lý đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường; Có điểm tập kết chất thải rắn đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường; khu xử lý chất thải rắn (nếu có) bảo đảm quy định về quản lý chất thải rắn hoặc có phương án vận chuyển chất thải rắn đến khu xử lý chất thải rắn nằm ngoài địa bàn.
Về phía trách nhiệm địa phương, dự thảo nêu rõ, UBND cấp xã có trách nhiệm tổ chức thực hiện việc rà soát cơ sở, hộ gia đình sản xuất thuộc ngành, nghề không khuyến khích phát triển tại làng có nghề để đề xuất kế hoạch di dời cơ sở, hộ gia đình sản xuất và chuyển đổi ngành, nghề không khuyến khích, báo cáo UBND cấp huyện để tổng hợp, hoàn thiện và trình UBND cấp tỉnh phê duyệt.
Dự thảo được kỳ vọng sẽ góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy việc bảo vệ môi trường khu vực làng nghề, góp phần đưa khu vực này phát triển bền vững.
Có thể bạn quan tâm
08:53, 16/08/2021
10:12, 18/07/2021
04:40, 23/04/2021