Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, số lượng doanh nghiệp tăng nhanh, Luật Quản lý thuế 2019 đã bộc lộ một số bất cập, cần được sửa đổi, bổ sung để đáp ứng yêu cầu tình hình mới.
Đây là chia sẻ của Luật sư Nguyễn Duy Nguyên - Tổng Giám đốc Công ty Luật Hoàng Giao và cộng sự với Diễn đàn Doanh nghiệp.
Được cho là cơ sở pháp lý thuế hiện đại, tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, Luật Quản lý thuế 2019 đã bộc lộ nhiều bất cập. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2020, Luật Quản lý thuế 2019 ngoài việc kế thừa các quy định đang thực hiện ổn định đã bổ sung những điểm mới, tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho những thay đổi trong công tác quản lý thuế như: Mở rộng quyền cho người nộp thuế; Quy định về phân loại hộ kinh doanh quy mô lớn; Luật hóa quy định bắt buộc sử dụng hóa đơn điện tử; Bổ sung quy định về quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử (TMĐT);… tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Luật này đã bộc lộ nhiều bất cập.
Điển hình như, khoản 4 Điều 42 quy định về nguyên tắc kê khai tính thuế, đối với hoạt động kinh doanh TMĐT, kinh doanh dựa trên nền tảng số và các dịch vụ khác được thực hiện bởi nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam - Nhà cung cấp ở nước ngoài có nghĩa vụ trực tiếp hoặc ủy quyền thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế tại Việt Nam theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Hiểu theo nội dung điều chỉnh đã nêu, nhà cung cấp ở nước ngoài có quyền chỉ thực hiện nghĩa vụ là đối tượng nộp thuế thu nhập doanh nghiệp trên phần lợi nhuận phân bổ cho cơ sở thường trú theo quy định của pháp luật thuế thu nhập doanh nghiệp và Hiệp định tránh đánh thuế 2 lần. Trong khi, theo quy định của pháp luật về thuế giá trị gia tăng và pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp, thì các nhà cung cấp nước ngoài khi thực hiện hoạt động kinh doanh TMĐT, kinh doanh dựa trên nền tảng số và các dịch vụ khác tại Việt Nam, thì nhà cung cấp ở nước ngoài thuộc đối tượng nộp thuế thu nhập doanh nghiệp và giá trị gia tăng. Từ đó dẫn tới khó thu thuế nhà cung cấp dịch vụ TMĐT ngoài nước.
Ngoài ra, đối với việc trực tiếp khai thuế của các hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có phát sinh hoạt động kinh doanh TMĐT, pháp luật hiện hành cũng chưa có quy định riêng mà áp dụng chung như đối với hộ, cá nhân kinh doanh truyền thống.
Bên cạnh vấn đề đã nêu, Luật Quản lý thuế 2019 còn hạn chế, bất cập nào đáng kể không, thưa ông?
Ngoài sự thiếu rõ ràng dẫn tới khó thu thuế nhà cung cấp dịch vụ TMĐT ngoài nước, Luật hiện hành cũng đang bỏ ngỏ chế tài trách nhiệm cơ quan thuế có lỗi trong việc chậm hoàn thuế.
Cụ thể, khoản 3 Điều 75 quy định, “Quá thời hạn quy định đối với hồ sơ thuộc diện hoàn thuế trước hoặc đối với trường hợp hồ sơ thuộc diện kiểm tra hoàn thuế, nếu việc chậm ban hành quyết định hoàn thuế do lỗi của cơ quan quản lý thuế thì ngoài số tiền thuế phải hoàn trả, cơ quan quản lý thuế còn phải trả tiền lãi với mức 0,03%/ngày tính trên số tiền phải hoàn trả và số ngày chậm hoàn trả. Nguồn tiền trả lãi được chi từ ngân sách trung ương theo quy định của pháp luật về ngân sách Nhà nước”.
Tuy nhiên, tại khoản 9 Điều 18 cũng quy định nhiệm vụ của cơ quan quản lý thuế, “Bồi thường thiệt hại cho người nộp thuế theo quy định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường Nhà nước”. Trong khi, theo quy định tại khoản 4 Điều 23 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017, khoản tiền lãi phải trả cho người nộp thuế được tính theo lãi suất phát sinh do chậm trả tiền trong trường hợp không có thỏa thuận theo quy định của Bộ luật Dân sự tại thời điểm thụ lý hồ sơ yêu cầu bồi thường.
Có thể thấy, giữa Luật Quản lý thuế và Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước đang có sự vênh nhau, thiếu thống nhất về điều kiện trả lãi và số tiền lãi phải trả. Cùng với đó, hiện chưa văn bản nào quy định cụ thể về thẩm quyền, trình tự, thủ tục hoàn trả tiền lãi cho người nộp thuế và kinh phí chi trả, cho nên tới nay, chưa có một tổ chức, cá nhân nào thuộc cơ quan quản lý có lỗi trong chậm hoàn thuế bị chế tài trách nhiệm.
Bất cập này là nguyên nhân dẫn tới tình trạng doanh nghiệp bị chậm hoàn thuế và rơi vào tình trạng vô cùng khó khăn về tài chính kéo dài, nhưng nhiều năm qua chưa có biện pháp hữu hiệu để khắc phục.
Trước các vấn đề đã nêu, để đảm bảo công bằng giữa các đối tượng nộp thuế cũng như trách nhiệm đối với cơ quan quản lý và doanh nghiệp, ông có đề xuất, khuyến nghị gì?
Theo tôi, để tạo công bằng giữa các đối tượng nộp thuế, và đảm bảo đầy đủ nguồn thu đối với hoạt động TMĐT, cần phải sửa đổi, bổ sung tại khoản 4 Điều 42 về nguyên tắc khai thuế, tính thuế theo hướng bỏ cụm từ “không có cơ sở thường trú tại Việt Nam”.
Bên cạnh đó, đối với việc trực tiếp khai thuế của các hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có phát sinh hoạt động kinh doanh TMĐT, cần bổ sung quy định về các trường hợp khai thuế thay, nộp thuế thay cho hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có phát sinh hoạt động kinh doanh TMĐT và việc trực tiếp khai thuế để cải cách thủ tục hành chính, tập trung đầu mối, đáp ứng việc kê khai, nộp thuế phù hợp với đặc thù của hoạt động kinh doanh TMĐT.
Đặc biệt, để đảm bảo công bằng về trách nhiệm đối với cơ quan quản lý và doanh nghiệp, cần sửa đổi, bổ sung thống nhất quy định tại khoản 3 Điều 75 theo hướng, nguồn tiền trả lãi do lỗi của cơ quan quản lý thuế được chi trả từ ngân sách nhà nước, phù hợp theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước.
Trân trọng cảm ơn ông!