Như DĐDN đã thông tin, doanh nghiệp đang phải chịu áp lực hàng chục các loại phí đổ trên đầu các phương tiện vận tải, song, việc thu và chi phí bảo trì đường bộ lại đang bộc lộ nhiều điểm hạn chế, thiếu minh bạch trong phân bổ nguồn là khó có thể chấp nhận.
Như DĐDN đã thông tin, trước những bất cập về vấn đề thu – chi trong sử dụng nguồn thu từ phí bảo trì đường bộ, nhiều doanh nghiệp cho rằng, việc thu – chi cần phải minh bạch và công khai để doanh nghiệp và người dân cùng giám sát trên cơ sở hài hòa và vì lợi ích chung.
Cần minh bạch trong thu – chi
Ông Nguyễn Hữu Vinh – Giám đốc Công ty Vận tải Nhật Quang phân tích: Nếu như nhìn vào quy định tại Thông tư 60/2017TT-BTC hướng dẫn về phân chia nguồn thu phí sử dụng đường bộ nộp ngân sách Trung ương rồi cấp lại cho từng địa phương, đang bộ lộ những điểm hạn chế và thiếu minh bạch trong việc sử dụng quỹ này. Mục đích của việc thu này phải nhằm phục vụ cho bảo trì đường bộ, đồng nghĩa với quyền lợi và nghĩa vụ của doanh nghiệp có phương tiện khi đóng phí phải được đảm bảo, thế nhưng trên thực tế phí này đang được cắt xén để phục vụ cho một mục đích khác (chưa được xác định cụ thể, công khai…), và tỷ lệ trích lại cho địa phương để phục vụ cho mục bảo trì đường bộ chỉ xấp sỉ 1/3 từ nguồn thu là khó có thể châp nhận. Hay nói cách khác là quyền lợi của doanh nghiệp đang bị xâm phạm một cách nghiêm trọng.
Câu hỏi được ông Vinh đặt ra là “gần 2/3 nguồn thu này đang đi đâu về đâu, doanh nghiệp, chủ phương tiện có được biết không, kiểm tra bằng cách nào?".
Cũng theo ông Vinh, phí bảo trì đường bộ đã trở thành vấn đề nóng từ nhiều năm nay nhưng trên thực tế chưa có một cuộc hội thảo chính thức nào của của các cơ quan chức năng đề cập và giải thích một cách thỏa đáng cho doanh nghiệp, thì các trạm thu phí BOT lại tiếp tục mọc lên ngày càng dày đặc và đang trở thành một “hiện tượng” mà theo quan điểm và cách hiểu của doanh nghiệp thì đây là hiện tượng “phí chồng phí, phí triệt doanh nghiệp” – ông Vinh bức xúc.
Trách nhiệm - quyền lợi phải tỷ lệ thuận
Đồng quan điểm với ý kiến trên, ông Nguyễn Văn Tú – Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Nhất Tín, đặt câu hỏi: Việc phân bổ nguồn này đều nằm trong quy định của nhà nước và nơi tiếp nhận nó để thực hiện công tác bảo trì đường bộ thuộc về chính quyền địa phương, nhưng thực hiện như thế nào, bao nhiêu, phần còn lại sử dụng cho mục đích gì thì phải công khai, minh bạch cho doanh nghiệp và người dân được biết để giám sát. Nghĩa vụ bắt buộc của doanh nghiệp phải đóng các loại phí này thì quyền lợi của doanh nghiệp cũng phải được hưởng một cách tương xứng theo tỷ lệ thuận trên cơ sở vì lợi ích chung.
Ông Tạ Công Thuận – Tổng giám đốc Công ty vận tải Vinatrucsking, nhận định: Theo quan điểm của cá nhân tôi, việc điều chuyển, phân bổ nguồn thu từ phí bảo trì đường bộ cho địa phương để bảo trì đường bộ là quyền của nhà nước, tuy nhiên làm sao phải đảm bảo được quyền lợi của người đóng phí với mục đích cuối cùng là có đường tốt, đảm bảo chất lượng để lấy được sự đồng thuận trong dư luận.
Cũng theo ông Thuận, năm 2017 là một năm vô cùng khó khăn đối với các doanh nghiệp vận tải hàng hóa, tình trạng cung lớn hơn cầu dẫn đến giá cước vận chuyển thấp, chi phí đầu vào tăng là sự thay đổi rất lớn cả về lượng lẫn chất mà bắt buộc các doanh nghiệp phải hướng tới. Do đó các cơ quan ban ngành, các hiệp hội doanh nghiệp vận tải cần phải thường xuyên gặp gỡ, trao đổi để thị trường vận tải được cho là ngành có đóng góp rất lớn cho sự phát triển kinh tế của đất nước có cơ hội phát triển, đặc biệt là dự báo trong năm 2018, ngành vận tải vẫn tiếp tục chịu nhiều áp lực, khó khăn và thách thức.
Luật sư Thái Văn Chung – Đoàn Luật sư TP HCM phân tích: Mục đích thu phí bảo trì đường bộ là để phục vụ công tác bảo trì đường bộ. Do đó, theo Thông tư 60/2017/TT-BTC quy định về lập, giao dự toán chi phí Quỹ địa phương và căn cứ nguyên tắc phân chia kinh phí cho từng Quỹ địa phương quy định vào (chiều dài đường bộ của địa phương, số xe ô tô quy tiêu chuẩn theo đăng ký tại địa phương về nguồn thu ngân sách của từng địa phương), trên cơ sở đó, Hội đồng quản lý Quỹ Trung ương xây dựng phương án phân chia nguồn thu phí sử dụng đường bộ nộp ngân sách Trung ương rồi cấp lại cho từng địa phương, bộc lộ ở 2 vấn đề: Thứ nhất, phí bảo trì đường bộ thu được nhiều thường tập trung chủ yếu tại các thành phố lớn, nhưng khi phân bổ lại chỉ mang tính tương đối thì cũng là vấn đề bất cập. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng phải chia sẻ cùng với Nhà nước trong vấn đề đầu tư, vấn đề kết nối hạ tầng giao thông đường bộ. Ví dụ: phần lớn nguồn thu được từ phí bảo trì đường bộ chủ yếu từ các xe tải (xe có trọng tải lớn tập trung ở các tỉnh, thành phố lớn). Do đó, việc đầu tư hạ tầng, bảo trì đường bộ ở khu vực này cao là điều hiển nhiên. Và tỷ lệ 35% của một thành phố lớn thu được từ phí bảo trì đường bộ/đầu phương tiện, chắc chắn chênh lệch rất lớn sơ với các tỉnh nhỏ có số lượng phương tiện ít. Vì vậy, việc tái cấp lại nguồn kinh phí từ thu phí bảo trì đường bộ cho địa phương cần phải nhìn nhận và đánh giá từ thực tiễn, đảm bảo hiệu quả, trên cơ sở đó mới lấy được sự đồng thuận trong dư luận. Thứ 2, tỷ lệ % được phân bố như thế nào cũng cần phải xác định rõ ràng, cụ thể trên cơ sở đảm bảo được mức thu được để tái đầu tư theo đúng mục đích của việc thu. Vì vậy, nếu quy định chung là 35 % cấp lại cho địa phương để tái đầu tư nhưng thực tế không đủ thì các cơ quan quản lý cũng cần phải linh hoạt hơn để đảm bảo được quá trình bảo trì, duy tu theo đúng mục đích từ việc thu. |