Bình luận

Bất cập thuế giá trị gia tăng đối với hàng nông lâm thuỷ sản chưa qua chế biến

Nguyễn Văn Phụng - Cao Thu Hương (*) 27/08/2024 03:50

Trong chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp sơ chế hiện đang áp dụng 3 loại thuế suất thuế GTGT khác nhau tại mỗi khâu (sản xuất, sơ chế và thương mại bán ra). Khi áp dụng các quy định này đã vô hình trung làm tăng giá thành của sản phẩm.

Tại kỳ họp thứ 7, dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT) sửa đổi được đưa ra xin ý kiến Đại biểu Quốc hội. Trong đó, các chính sách thuế GTGT hiện hành đối với chuỗi cung ứng sản phẩm cây trồng, rừng trồng, chăn nuôi, thủy sản nuôi trồng, đánh bắt chưa qua chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường (sau đây gọi là “Sản phẩm nông nghiệp sơ chế") đang tồn tại nhiều bất cập và cho đến nay vẫn chưa được tháo gỡ tại Dự thảo Luật thuế GTGT (sửa đổi) đang trình lên các cơ quan của Quốc hội.

diendandoanhnghiep.vn-media-uploaded-346-2022-04-26-_nongthuysan_1.jpg
Luật thuế GTGT sửa đổi cần tháo gỡ bất cập về quy định thuế đối với chuỗi cung ứng sản phẩm nông lâm thuỷ sản chưa qua chế biến để đảm bảo an sinh xã hội và tuân thủ nguyên tắc chung của thuế GTGT.

Theo định hướng chính sách dài hạn, sản phẩm nông nghiệp sơ chế là sản phẩm thiết yếu trong cuộc sống để bảo đảm an ninh lương thực, an sinh xã hội nên được hỗ trợ phát triển, cần bảo đảm nguyên tắc chung của thuế GTGT là áp dụng đối tượng không chịu thuế đối với sản phẩm nông nghiệp sơ chế tại tất cả các khâu.

Tuy nhiên, sau nhiều lần sửa đổi (2013, 2014 và 2016) thuế GTGT trong chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp sơ chế chưa thống nhất tại các khâu nên vô hình trung thực tế đang diễn ra 2 lần thuế GTGT được ghi nhận vào giá thành và tác động “đẩy tăng giá” sản phẩm nông nghiệp sơ chế, không đảm bảo mục tiêu an sinh xã hội. Cụ thể, quy định tại Luật thuế GTGT hiện hành với sản phẩm nông nghiệp sơ chế như sau:

Khoản 1 Điều 1 Luật số 106/2016/QH13 về đối tượng không chịu thuế đang có quy định: “Đối tượng không chịu thuế: Sản phẩm cây trồng, rừng trồng, chăn nuôi, thủy sản nuôi trồng, đánh bắt chưa qua chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường của tổ chức, cá nhân tự sản xuất, đánh bắt bán ra và ở khâu nhập khẩu. Doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã mua sản phẩm cây trồng, rừng trồng, chăn nuôi, thủy sản nuôi trồng, đánh bắt chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường khi bán cho doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã khác thì không phải tính, nộp thuế GTGT nhưng được khấu trừ thuế GTGT đầu vào”.

Khoản 2 Điều 8 Luật số 13/2008/QH12 quy định về thuế suất “Mức thuế suất 5% áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ sau đây: Sản phẩm cây trồng, rừng trồng, chăn nuôi, thủy sản nuôi trồng, đánh bắt chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường, trừ sản phẩm quy định tại khoản 1 Điều 5 của Luật này”.

Theo các quy định trên đây:

Tại khâu sản xuất: Tổ chức, cá nhân sản xuất sản phẩm nông nghiệp, chăn nuôi phải ghi nhận toàn bộ thuế GTGT đầu vào thành chi phí.

Tại khâu sơ chế thì tổ chức mua sản phẩm nông nghiệp để sơ chế và bán cho tổ chức khâu thương mại thì toàn bộ thuế GTGT đầu vào không thể khấu trừ, không thể hoàn và cũng không thể ghi chi phí nên liên tục tích lũy tăng thêm dẫn đến tồn đọng dòng tiền kéo dài (ghi Nợ vào tài khoản kế toán 133), làm gia tăng chi phí sử dụng vốn.

Tại khâu kinh doanh thương mại thì tổ chức kinh doanh thương mại chịu thuế GTGT 5% khi bán sản phẩm nông nghiệp sơ chế và cộng vào giá bán sản phẩm.

Hệ quả tất yếu là: Tại khâu sơ chế như kho lạnh bảo quản sau thu hoạch, giết mổ theo quy trình công nghiệp sạch, càng đầu tư mua sắm thiết bị hiện đại thì thực tế sẽ càng bị kẹt vốn, mất vốn nên không ai muốn đầu tư.

Do đó, trong chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp sơ chế đang áp dụng 3 loại thuế suất thuế GTGT khác nhau tại mỗi khâu, bao gồm loại không chịu thuế tại khâu sản xuất, loại không phải tính, nộp thuế tại khâu sơ chế và loại thuế suất 5% ở khâu thương mại bán ra.

Như vậy, quy định tại Luật số 106/2016 đã phá vỡ nguyên tắc chung của thuế GTGT (tức là xác định một loại thuế GTGT áp dụng cho sản phẩm nông nghiệp sơ chế thống nhất ở tất cả các khâu nhập khẩu, sản xuất, sơ chế hay kinh doanh thương mại). Khi áp dụng các quy định nêu trên như thực tiễn 8 năm qua thì vô hình trung 2 lần thuế GTGT trở thành chi phí, làm tăng giá thành của sản phẩm nông nghiệp sơ chế dù đây là sản phẩm thiết yếu cần được ưu tiên để đảm bảo an sinh xã hội.

Do sản phẩm nông nghiệp sơ chế là sản phẩm thiết yếu trong cuộc sống để bảo đảm an ninh lương thực, an sinh xã hội, cần được hỗ trợ và khuyến khích phát triển nên đề xuất được áp dụng thống nhất theo đối tượng không chịu thuế tại tất cả các khâu nhập khẩu, sản xuất, sơ chế hay kinh doanh thương mại. Như vậy, chỉ có thuế GTGT đầu vào thực tế phát sinh tại khâu sản xuất, sơ chế được ghi nhận vào giá thành sản phẩm nông nghiệp sơ chế, thuế GTGT 5% ở khâu thương mại không còn phát sinh nên không làm tăng giá thành sản phẩm nông nghiệp sơ chế.

Có một số ý kiến đề xuất áp dụng 5% đối với sản phẩm nông nghiệp sơ chế tại tất cả các khâu, tuy nhiên ý kiến này chưa thuyết phục, do làm tăng giá bán sản phẩm nông nghiệp sơ chế so với phương án không chịu thuế.

Theo phương án không chịu thuế thì chỉ ghi nhận vào giá thành sản phẩm nông nghiệp sơ chế số tiền thuế GTGT đầu vào theo thực tế phát sinh. Tuy nhiên tại phương án thuế GTGT 5% thì toàn bộ giá trị đầu vào (con giống, cây giống, thức ăn chăn nuôi, tiền thuê đất, lương nhân công...) và phần lợi nhuận sẽ được cơ cấu vào trong giá bán và tính chịu thuế GTGT 5% khi bán ra sản phẩm nông nghiệp sơ chế.

Như vậy, qua so sánh giữa 2 phương án thì phương án không chịu thuế sẽ giúp giảm giá thành, bình ổn giá bán sản phẩm nông nghiệp sơ chế, đảm bảo định hướng an sinh xã hội cho sản phẩm thiết yếu, cho nên có thể sẽ nhận được sự đồng thuận cao hơn.

(*) Nguyễn Văn Phụng - Chuyên gia cấp cao về thuế; Cao Thu Hương - Chuyên gia kinh tế và pháp luật

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Bất cập thuế giá trị gia tăng đối với hàng nông lâm thuỷ sản chưa qua chế biến
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO