Bất cập trong thực tiễn áp dụng pháp luật về hợp đồng và giải pháp của doanh nghiệp

Luật sư Bùi Văn Thành, Hòa giải viên Trung tâm Hòa giải Việt Nam 25/11/2018 06:30

Cùng với sự phát triển kinh tế, số lượng các hợp đồng được xác lập được tăng lên nhanh chóng từng giờ, từng ngày.

Các tranh chấp phát sinh từ hoặc liên quan đến hợp đồng kinh doanh thương mại cũng không ngừng tăng lên. Thực tiễn cho thấy phương thức giải quyết tranh chấp bằng hòa giải hoặc trọng tài rõ ràng là một lựa chọn tốt cho tất cả các bên, cho doanh nghiệp. Nhưng, thực tế, vẫn còn một số bất cập trong thực tiễn áp dụng pháp luật về hợp đồng. 

hhjbh

Sau một giai đoạn dài hoạt động, hòa giải thương mại đã chính thức được công nhận kết quả hòa giải ngoài Tòa án trong Luật.

Về chủ thể tham gia hợp đồng

Theo điểm a Khoản 1 Điều 117 Bộ Luật dân sự 2015, một trong các điều kiện để giao dịch có hiệu lực là chủ thể tham gia hợp đồng phải “có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập”. Điều 74 và Điều 75 của Bộ Luật dân sự 2015 quy định về pháp nhân và pháp nhân thương mại, như sau:

“Điều 74. Pháp nhân

Một tổ chức được công nhận là pháp nhân khi có đủ các điều kiện sau đây: a) Được thành lập theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan; b) Có cơ cấu tổ chức theo quy định tại Điều 83 của Bộ luật này; c) Có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình; d) Nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập.

Mọi cá nhân, pháp nhân đều có quyền thành lập pháp nhân, trừ trường hợp luật có quy định khác.

Điều 75. Pháp nhân thương mại: 1. Pháp nhân thương mại là pháp nhân có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận và lợi nhuận được chia cho các thành viên. 2. Pháp nhân thương mại bao gồm doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác. 3. Việc thành lập, hoạt động và chấm dứt pháp nhân thương mại được thực hiện theo quy định của Bộ luật này, Luật doanh nghiệp và quy định khác của pháp luật có liên quan”.

Như vậy, việc xác định một doanh nghiệp nước ngoài có phải là pháp nhân hay không, và pháp nhân đó có đủ điều kiện xác lập hợp đồng là không dễ dàng, nhất là pháp nhân đó là công ty offshore khi bản thân công ty offshore đó không có tài sản độc lập, không có báo cáo tài chính, không có kiểm toán, không có kê khai thuế theo pháp luật nước sở tại…

Trên thực tế, đây là rủi ro hiện hữu, sẽ ngày càng nhiều hơn khi có rất nhiều cá nhân và tổ chức nước ngoài ưa thích lựa chọn công ty offshore đến Việt Nam đầu tư và thực hiện các hoạt động kinh doanh thương mại với doanh nghiệp nước ta. Đây cũng là khó khăn trong khi giải quyết tranh chấp, cả trong và ngoài tòa án.

Có thể bạn quan tâm

  • Hòa giải thương mại: Nâng cao hiệu quả giải quyết tranh chấp

    Hòa giải thương mại: Nâng cao hiệu quả giải quyết tranh chấp

    11:00, 18/11/2018

  • Quy trình hòa giải thương mại tại Trung tâm Hòa giải Việt Nam

    Quy trình hòa giải thương mại tại Trung tâm Hòa giải Việt Nam

    11:09, 29/05/2018

  • Hòa giải thương mại Việt Nam đã tiệm cận thông lệ quốc tế?

    Hòa giải thương mại Việt Nam đã tiệm cận thông lệ quốc tế?

    12:29, 07/03/2018

  • Lợi thế của trọng tài và hòa giải thương mại

    Lợi thế của trọng tài và hòa giải thương mại

    11:19, 28/08/2018

Về hợp đồng trước thành lập doanh nghiệp:

Điều 19 Luật doanh nghiệp 2014 quy định: "Người thành lập doanh nghiệp được ký các loại hợp đồng phục vụ cho việc thành lập và hoạt động của doanh nghiệp trước và trong quá trình đăng ký doanh nghiệp; Trường hợp doanh nghiệp được thành lập thì doanh nghiệp phải tiếp tục thực hiện quyền và nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng đã ký kết quy định tại khoản 1 Điều này, trừ trường hợp các bên hợp đồng có thỏa thuận khác; 3. Trường hợp doanh nghiệp không được đăng ký thành lập thì người ký kết hợp đồng theo quy định tại khoản 1 Điều này chịu trách nhiệm hoặc người thành lập doanh nghiệp liên đới chịu trách nhiệm thực hiện hợp đồng đó”.

Trong thực tế, nhiều trường hợp giá trị của loại hợp đồng này rất lớn, như hợp đồng nguyên tắc hoặc thỏa thuận về việc thuê lại đất hoặc nhận chuyển nhượng tài sản gắn liền với đất khu công nghiệp để đăng ký thực hiện dự án đầu tư nước ngoài, hợp đồng thực hiện thủ tục xin thành lập dự án đầu tư phát triển bất động sản. Nhiều trường hợp chủ thể xác lập hợp đồng là pháp nhân nước ngoài chưa có sự hiện diện thương mại tại Việt Nam.

Do đó dòng tiền thanh toán thường không chính ngạch, không thể ghi nhận và hạch toán được thành chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp sau khi được thành lập, tiềm ẩn rủi ro và dễ làm phát sinh tranh chấp giữa các các nhân hoặc tổ chức thành lập doanh nghiệp, thậm chí doanh nghiệp chưa được thành lập nhưng đã xảy ra tranh chấp.

Vì vậy các bên tham gia thành lập doanh nghiệp trước khi xác lập loại hợp đồng này cần hiểu rõ về quy định, trình tự và thủ tục pháp luật liên quan việc đăng ký dự án đầu tư, đăng ký thành lập doanh nghiệp, những rủi ro về tiến độ, rủi ro về dòng tiền thanh toán, rủi ro về kế toán, rủi ro về quản trị doanh nghiệp …có thể gặp phải. Nếu không, khó có thể đạt được thỏa thuận thành khi giải quyết tranh chấp, doanh nghiệp khó có cơ hội phát triển, thậm chí “chết yểu”.

Về tài khoản vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài:

Luật Đầu tư 2014 không còn phạm trù đầu tư trực tiếp và đầu tư gián tiếp. Theo Luật, “Dự án đầu tư là tập hợp đề xuất bỏ vốn trung hạn hoặc dài hạn để tiến hành các hoạt động đầu tư kinh doanh trên địa bàn cụ thể, trong khoảng thời gian xác định”.

Nhà đầu tư nước ngoài đầu tư tại Việt Nam bằng ba hình thức gồm, đầu tư thành lập tổ chức kinh tế, đầu tư góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của tổ chức kinh tế; đầu tư theo hợp đồng BCC.

Tuy nhiên, theo Thông tư số 19/2014/TT-NHNN của Ngân hàng nhà nước, thì doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phải mở một tài khoản vốn đầu tư tại một ngân hàng. Trong nhiều trường hợp, hợp đồng mua cổ phần, vốn góp của doanh nghiệp của nhà đầu tư nước ngoài không thuộc diện phải thực hiện đăng ký đầu tư, nhưng nhà đầu tư nước ngoài không thể chuyển vốn đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam do ngân hàng yêu cầu phải có giấy chứng nhận đầu tư mới được mở tài khoản vốn đầu tư. Mặc dù khoản 3 Điều 68 Nghị định 118/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đầu tư đã quy định: “3. Trường hợp pháp luật quy định thành phần hồ sơ thực hiện thủ tục hành chính phải có Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư nhưng dự án đầu tư không thuộc trường hợp cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư thì nhà đầu tư không phải nộp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư”.

Vì vậy, cần thiết phải sửa đổi bổ sung Thông tư 05/2014/TT-NHNN hướng dẫn về mở và sử dụng tài khoản vốn đầu tư gián tiếp để thực hiện hoạt động đầu tư gián tiếp nước ngoài tại Việt Nam và Thông tư số 19/2014/TT-NHNN hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam. Doanh nghiệp khi xác lập hợp đồng về việc nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, vốn góp cần biết được vướng mắc về quy định pháp luật này, nhằm tránh tranh chấp về tiến độ và thủ tục thanh toán tiền đầu tư theo hợp đồng, bảo đảm cho doanh nghiệp có được sự mở đầu hợp tác tốt đẹp, hiệu quả.

Tựu chung lại, những bất cập về áp dụng pháp luật hợp đồng luôn xuất hiện, nhỏ có, lớn có, giải pháp tốt nhất của doanh nghiệp là trong toàn bộ quá trỉnh xác lập và ký kết hợp đồng nên luôn luôn đặt câu hỏi nhằm hiểu rõ về chủ thể ký kết hợp đồng, về nội dung điều khoản, về hiệu lực, về lợi ích cốt lõi của mình trong hợp đồng, về nghĩa vụ trách nhiệm, từng nội dung thỏa thuận liệu có xảy ra tranh chấp hay không, nếu có thì sẽ giải quyết như thế nào? Có câu trả lời tốt là cơ sở tốt của việc giao kết và thực hiện hợp đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Bất cập trong thực tiễn áp dụng pháp luật về hợp đồng và giải pháp của doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO