Dự án cao tốc Vân Đồn – Móng Cái đi qua những tưởng sẽ mang đến sự thay đổi cho người dân nằm trong vùng quy hoạch, nhưng…
Việc đền bù ít ỏi so với vốn liếng mà nhiều gia đình bỏ ra để đầu tư trang trại, nuôi trồng thủy sản cùng với việc gây khó khăn của cán bộ địa phương đã đẩy người dân vào cảnh lao đao.
Công thần thành tội đồ
Hơn chục năm trở về trước, Nhà nước có chính sách khuyến khích người dân khai hoang, phục hóa, đẩy mạnh sản xuất, tạo nguồn sản phẩm cho xã hội. Với phong trào này, nhiều đầm nuôi, vườn đồi, rừng cây lấy gỗ, cây ăn quả đã được ra đời từ rất nhiều mồ hôi, công sức, tiền bạc của người dân.
Nhưng rồi, dự án phát triển đô thị, mở rộng đường xá “đụng” đến diện tích đang canh tác của bà con. Thế là đang từ tư thế được phép, những diện tích này bỗng chốc nằm trong diện “lấn chiếm trái phép”.
Gia đình ông Nguyễn Văn Đức đến xã Quảng Nghĩa, TP Móng Cái (Quảng Ninh) sinh sống từ những năm 90, khi vùng đất vẫn còn hoang hóa, khô cằn. Gia đình ông đã khai hoang, trồng rừng, đào ao, nuôi trồng thủy sản (NTTS) trong sự khuyến khích của chính quyền địa phương. Rồi gia đình ông đã có cả một vùng trang trại nuôi trồng rộng lớn với tổng vốn đầu tư hơn 7 tỷ đồng, mang lại nguồn thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm, giải quyết công ăn việc làm cho 50 lao động và có nhiều đóng góp cho địa phương như làm đường, xây nhà tình nghĩa…
Có thể nói gia đình ông Nguyễn Văn Đức là một “công thần” trong công cuộc khai hoang, cái cách ruộng đất để phát triển kinh tế địa phương.
Nhưng khi đồng vốn còn chưa thu hồi, dự án cao tốc Vân Đồn - Móng Cái đi qua và một quyết định giáng xuống khiến gia đình cũng như 11 hộ dân có đầm nuôi trong khu vực choáng váng. Quyết định thu hồi đất lấn chiếm trái phép không đền bù mà chỉ hỗ trợ với cái giá “bèo bọt”. Gia đình ông có 23.718,1m2, trong đó: hơn 9.076,6m2 đất rừng và 14.096,7m2 đất NTTS được bồi thường 28 triệu tiền đất còn tài sản, công trình trên đất NTTS chỉ được khoảng 300 triệu trong khi đó gia đình ông đầu tư khoảng 7 tỷ đồng.
“Gia đình sử dụng đất có nguồn gốc rõ ràng, được các các cấp chính quyền địa phương ủng hộ và cho phép, không có tranh chấp, không vi phạm pháp luật. Mô hình nuôi trồng thủy sản của gia đình tôi còn là mô hình lớn, điển hình được chính quyền địa phương khuyến khích, khen ngợi và nhân rộng, vậy có lý gì mà không được bồi thường?”, bà Vũ Thị Tình vợ ông Đức nói, vẻ mặt thẫn thờ như không thể tin cái kết luận trái phép kia là sự thật.
“Gia đình khiếu nại nhiều lần cùng sự phản ánh của báo chí, thì khoảng tháng 10/2020 cơ quan chức năng mới chi trả cho gia đình tôi một chút vốn liếng. Tuy nhiên, nó quá ít so với những gì mà gia đình đã bỏ công sức suốt bao năm qua. Và quan trọng là tại sao, nếu có chế độ bồi thường mà họ không làm ngay từ đâu mà đợi đến khi báo chí vào cuộc, gia đình khiếu kiện họ mới chịu chi?” bà Tình đặt câu hỏi và nghi vấn, phải chăng những người thực thi việc bồi thường GPMB cố tình giấu đi nhằm trục lợi cho bản thân, chỉ đến khi không thể họ mới chịu “nhả” ra?
Phó phòng TNMT bị tố nhiều sai phạm
Liên quan đến dự án Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, không chỉ bức xúc trong việc áp giá đền bù một cách “bèo bọt”, người dân tại xã Quảng nghĩa còn đồng loạt tố cáo cán bộ phòng Tài nguyên và Môi trường (TNMT) Móng Cái.
Trong đơn gửi cho DĐDN, người dân tại xã Quảng Nghĩa đã tố cáo những hành vi sai phạm của ông Đoàn Trung Kiên, Phó phòng TNMT Móng Cái. Theo đơn, ngày 19/8/2020, ông Kiên cùng chuyên viên phòng TNMT thành phố và 2 cán bộ kiểm lâm xuống tận thôn 5, xã Quảng Nghĩa, nơi người dân có đất bị thu hồi, để “yêu cầu” người dân ký vào 1 biên bản xác nhận mà người dân cũng không được đọc. “Ông Kiên nói với dân là cứ ký vào biên bản này thì thành phố sẽ bồi thường nhiều hơn. Có gì người dân cứ kéo lên thành phố mà đòi quyền lợi”.
Theo lời ông Kiên, ngày 20-23/8, các hộ dân cầm đơn, ồ ạt kéo lên trụ sở xã Quảng Nghĩa và thành phố Móng Cái để đòi quyền lợi. Tất nhiên, quyền lợi không có gì, bởi thực tế chưa có phương án bồi thương đất, thay vào đó chỉ một cuộc “cãi vã” căng thẳng giữa người dân với chính quyền.
Cũng trong đơn người dân cho rằng, việc ông Kiên tự xuống địa phương mà không thông báo để phối hợp, lại làm những việc gần như xúi giục người dân tập trung đông người để đòi quyền lợi là việc không đúng với quy định, không xứng đáng là một đảng viên.
Bên cạnh việc làm trên, đơn tố cáo còn chỉ ra một sai phạm nghiêm trọng khác của ông Kiên. Theo đó, hàng trăm hecta rừng phòng hộ tại thôn 5, xã Quảng Nghĩa đã được ông Kiên thời đó còn làm cán bộ phòng phụ trách quản lý đất đai tại xã Quảng Nghĩa, mặc dù biết là rừng phòng hộ những đã “cố tình” tham mưu sai cho cấp trên để cấp cho dân san gạt, đắp ao nuôi trồng thủy sản.
Việc làm sai phạm này sau đó đã bị cơ quan chức năng “tuýt còi”. Điều đáng nói là, ông Kiên không hề bị kỷ luật, thậm chí thăng chức một cách nhanh chóng lên Phó phòng TNMT thành phố?
Còn nhớ, tại Hoành Bồ năm 2016, nhiều cán bộ đã lợi dụng việc giải phóng mặt bằng dự án cao tốc Hạ Long - Vân Đồn để trục lợi hàng chục tỷ đồng. Sau đó, tỉnh Quảng Ninh đã xử lý nghiêm vụ việc, hàng loạt cán bộ bị kỷ luật, cách chức.
“Chúng tôi mong muốn cơ quan chức năng của tỉnh vào cuộc một cách quyết liệt như vụ việc tại Hoành Bồ trước đó. Cần xử lý đích đáng những cán bộ, đảng viên biết luật mà vẫn làm sai để xây dựng một bộ máy chính quyền trong sạch, vì dân” - ông Nguyễn Văn Đức, một trong những người dân viết đơn tố cáo sai phạm của vị Phó phòng TNMT nói.
Liên quan đến việc này, DĐDN sẽ tiếp tục làm việc với cơ quan chức năng để thông tin tới bạn đọc.
Có thể bạn quan tâm
Móng Cái – Quảng Ninh: Doanh nghiệp dở khóc... vì quy hoạch "bao trùm" nhà xưởng
04:30, 09/10/2020
Vụ cầu cứu của 11 hộ dân tại TP Móng Cái, Quảng Ninh: Trách nhiệm của cơ quan chức năng?
11:32, 16/05/2019
Móng Cái, Quảng Ninh: Chính quyền đẩy người dân vào cảnh trắng tay?
14:33, 01/04/2019
Vụ 11 hộ dân Móng Cái (Quảng Ninh) kêu cứu: Chính quyền “chây ì” giải quyết khiếu nại cho người dân?
17:40, 18/07/2019
Quảng Ninh: Dự án sân godf 1.500 tỷ đồng phải giữ nguyên diện tích rừng phòng hộ
00:00, 03/01/2020
Biển nuốt rừng phòng hộ: Ảnh hưởng sinh kế, phát triển du lịch
05:00, 26/03/2019