Bất công xã hội nhìn từ chuyện bằng thật, bằng giả

THANH BÌNH 03/12/2020 05:00

Chưa bao giờ vấn nạn bằng giả lại được đẩy lên đến cao trào, đỉnh điểm như bây giờ. Và chính nó đang tô đậm thêm lằn ranh của sự bất công xã hội.

Nói như vậy bởi vì, sẽ ra sao nếu những người hy sinh gian khổ để có được tấm bằng cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ,… lại được xếp chung với những người “ngồi mát”, dùng tiền để mua bằng. Thậm chí, có những tình huống mà đồng tiền, quyền lực hay sự quen biết lên ngôi, người học thật, bằng thật, trình độ thật đến cuối lại “thua cuộc” trước những người học giả, bằng giả, trình độ giả.

Có những tình huống mà đồng tiền, quyền lực hay sự quen biết lên ngôi, người học thật, bằng thật, trình độ thật lại “thua cuộc” trước những người học giả, bằng giả, trình độ giả.

Cho đến giờ, dư luận vẫn đang chưa thôi “nóng” chuyện Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) hoàn tất bản kết luận điều tra vụ án “giả mạo trong công tác” xảy ra tại Trường đại học Đông Đô.

Theo đó, An ninh điều tra xác định Trường đại học Đông Đô đã cấp 193 bằng cử nhân ngành ngôn ngữ tiếng Anh hệ văn bằng 2 chính quy giả cho các cá nhân, không qua tuyển sinh, đào tạo hoặc chưa đủ điều kiện cấp bằng.

Cụ thể, đối với 193 người được các bị can cấp bằng cử nhân giả, có đến 55 người dùng bằng giả để xét tuyển nghiên cứu sinh hoặc bảo vệ luận án tiến sĩ, 01 người làm điều kiện bảo vệ thạc sĩ, một trường hợp thi nâng ngạch thanh tra viên, một thi tuyển công chức và 2 người kê khai hồ sơ cán bộ.

Trước đó, tại tỉnh Đắk Lắk, một nữ trưởng phòng dù chưa tốt nghiệp THPT nhưng dùng bằng giả để học lên cao và được thăng tiến bổ nhiệm suốt 20 năm trước khi bị phát hiện. Tại tỉnh Lai Châu, một trưởng phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an tỉnh Lai Châu cũng bị tố dùng bằng THPT giả..v..v.

Đã có những quy định rất cụ thể trong việc gian lận bằng cấp, làm giả con dấu như: Điều 341 Bộ luật Hình sự: “Người nào sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”.

Còn theo theo Luật cán bộ, công chức thì công chức có hành vi sử dụng bằng cấp giả, chứng chỉ giả có thể bị xử lý kỷ luật theo một trong các hình thức như không được dự thi nâng ngạch công chức, không được bổ nhiệm chức vụ, buộc thôi việc…

Thế nhưng, quy định pháp luật dường như chẳng nhăm nhò gì khi sức mạnh quyền lực, sức hút làm việc ở cơ quan nhà nước vẫn có một cái gì đó rất “ma mị” và nó khiến cho người ta bất chấp để làm những việc trái đạo đức nói trên.

Nói thật, ở đời, chả ai bỏ tiền ra mua vật gì về rồi để đấy cả. Thế nên những người sử dụng bằng cấp giả thường là những người đang có hoặc có thể có vị thế xã hội. Mấy bác nông dân, mấy cô, mấy cậu lao động phổ thông thì xin lỗi, cho họ cũng chả lấy.

Liên quan đến vấn đề này, còn nhớ GS. Phạm Vũ Luận khi còn đương nhiệm Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã nói thẳng: “Việc học giả, bằng giả, học thật nhưng chất lượng giả chỉ có thể “chui” vào hệ thống công chức nhà nước, không chui vào được tư nhân, doanh nghiệp nước ngoài”.

Dưới góc nhìn của người làm công tác an ninh, Bộ trưởng Tô Lâm cho hay: “Có hai nhóm đối tượng sử dụng bằng giả. Một là làm giấy tờ giả để hoạt động lừa đảo. Hai là, để phục vụ cho tuyển dụng cán bộ, đánh giá cán bộ, năng lực cán bộ… Như vậy, ngay trong đội ngũ cán bộ cũng có nhiều người đã sử dụng những giấy tờ giả này”.

Có thể nói, vấn nạn bằng giả đã xuất hiện từ lâu, nhưng với sự “biến chuyển” của hình thái làm giả nêu trên thì tác động của nó đối với xã hội càng trở nên nghiêm trọng. Bằng giả khiến ranh giới giữa người có tài và người bất tài mờ nhạt đi, nhưng lại tô đậm thêm lằn ranh của sự bất công xã hội.

Nói như vậy bởi vì, sẽ ra sao nếu những người hy sinh gian khổ để có được tấm bằng cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ,… lại được xếp chung với những người “ngồi mát”, dùng tiền để mua bằng. Thậm chí, có những tình huống mà đồng tiền, quyền lực hay sự quen biết lên ngôi, người học thật, bằng thật, trình độ thật đến cuối lại “thua cuộc” trước những người học giả, bằng giả, trình độ giả.

Rõ ràng, những tấm bằng giả vừa cho thấy người dùng không có năng lực, vừa mất đi đạo đức bởi sự giả dối. Nhưng đã giúp họ chen chân vào đội ngũ trí thức theo cái cách mà xúc phạm nghiêm trọng đến những trí thức có trình độ khác.

Chẳng ai lạ gì chân lý “tốt gỗ hơn tốt nước sơn”. Tiếc thay, nếu không phải là những con người sử dụng “bằng giả” ấy, có lẽ biết bao người thực tài, có đạo đức ngoài kia đã được cống hiến hết mình cho sự phát triển của nước nhà.

Chính vì vậy, một vấn đề đặt ra cần phải nghiêm túc nhìn nhận đó là: Đây có phải là mầm mống của tham nhũng và suy thoái? Có phải là thứ đã, đang và sẽ đẩy lùi sự sự phát triển của nền giáo dục quốc gia, làm rạn nứt công bằng, văn minh trong xã hội?

Có thể bạn quan tâm

  • “Nhức nhối" vấn nạn "bằng giả”

    11:00, 29/11/2020

  • Hiện tượng bằng giả cho thấy bản chất gì?

    05:31, 27/11/2020

  • Chuyện mua bằng giả để làm tiến sĩ

    12:00, 26/11/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Bất công xã hội nhìn từ chuyện bằng thật, bằng giả
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO