Theo các chuyên gia tới từ NASA và Cơ quan Khí tượng Mỹ (NOAA), tháng 12/2019 đánh dấu chu kỳ hoạt động mới của Mặt Trời.
Chu kỳ hoạt động của Măt Trời được nhà thiên văn học Thụy Sĩ Rudolf Wolf phát hiện vào năm 1843. Ông Wolf cho rằng chu kỳ này kéo dài 11 năm và bắt đầu từ năm 1749.
Các nhà thiên văn coi thời điểm này là năm bắt đầu chu kỳ 1. Theo các chuyên gia, chu kỳ thứ 25 bắt đầu từ tháng 12/2019.
"Trong 8 tháng qua, hoạt động của Mặt Trời ngày càng tăng dần, điều này cho thấy chúng ta đã bước vào chu kỳ thứ 25", theo thông tin trên website của NASA.
Giống như các chu kỳ trước, chu kỳ lần này được dự đoán sẽ kéo dài 11 năm và đạt cực đại (hoạt động của Mặt Trời mạnh nhất, tức là có nhiều vết đen nhất) vào tháng 7/2025. Lúc này có thể xảy ra hiện tượng chói sáng và xuất hiện các vụ phun trào của bão Mặt Trời.
Các chuyên gia ước tính, số vết đen được ghi nhận trong giai đoạn cực đại tại chu kỳ 25 này sẽ rơi vào khoảng 115, thấp hơn rất nhiều so với mức trung bình là 200.
Vết đen thường xuất hiện ở những khu vực có hoạt động từ mạnh trên Mặt Trời, từ đó làm bùng lên những vụ nổ và những trận bão bức xạ lớn. Các trận bão có thể phá hoại hệ thống dây điện, gây ra nguy cơ mất điện trên diện rộng tại một số khu vực.
Do đó việc nắm được chu kỳ của Mặt Trời giúp các nhà khoa học dự đoán các tác động của nó đối với hệ thống lưới điện, hàng không, GPS...