TP HCM mới sẽ có những lợi thế vượt trội về hạ tầng và kinh tế. Sự sáp nhập được xem là “chất xúc tác” mạnh mẽ, củng cố niềm tin và thúc đẩy quyết định của các nhà đầu tư.
Sáng 12/7, Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam và Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam, dưới sự chỉ đạo của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đã tổ chức hội thảo với chủ đề “Bất động sản siêu đô thị TP.HCM: Thời cơ vàng cho nhà đầu tư Hà Nội”.
Phát biểu tại hội thảo, Nhà báo Phạm Nguyễn Toan, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam cho hay: “Kể từ ngày 1/7/2025, với việc vận hành mô hình chính quyền đô thị hai cấp và chính thức hợp nhất không gian phát triển giữa TP HCM, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, chúng ta đã chứng kiến sự ra đời của một thực thể đô thị hoàn toàn mới, đó là "TP HCM mới" - siêu đô thị đầu tiên của Việt Nam.
Không đơn thuần là một phép cộng địa lý, "TP HCM mới" là biểu tượng của một tầm nhìn hội tụ, một nỗ lực cải cách mạnh mẽ và một khát vọng định hình nên cực tăng trưởng chiến lược. Với quy mô hơn 6.700km2, hơn 14 triệu dân, GRDP gần 2,4 triệu tỷ đồng, đóng góp 1/4 ngân sách quốc gia, siêu đô thị TP HCM không chỉ là đầu tàu kinh tế quốc gia, mà còn là trung tâm kết nối với mạng lưới các đô thị hiện đại toàn cầu.
Trong dòng chuyển động lớn ấy, Đông Bắc TP HCM, khu vực từng là phần lõi phát triển của tỉnh Bình Dương cũ đang vươn lên trở thành một trong những "ngôi sao sáng" của thị trường bất động sản phía Nam. Đông Bắc TP HCM không chỉ mang dáng dấp của một Bình Dương cũ năng động, mà còn là phiên bản tích hợp hơn, mang đậm tính đô thị, dịch vụ, hiện đại và đáng sống”.
Trình bày tham luận tại Hội thảo, TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách của Thủ tướng Chính phủ, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV nhìn nhận, TP HCM hiện đang nắm giữ những lợi thế và cơ hội hiếm có để vươn mình trở thành một siêu đô thị hiện đại, đa trung tâm, mang tầm khu vực và quốc tế. Trước hết, thành phố sở hữu không gian phát triển rộng mở, với quy mô diện tích và dân số lớn nhất cả nước, chiếm khoảng 2% diện tích và 13,5% dân số toàn quốc. Đây cũng là địa phương có trình độ dân trí tương đối cao và phân bố khá đồng đều, tạo tiền đề cho sự phát triển đồng bộ và bền vững.
Với thế mạnh về dịch vụ tài chính, công nghiệp, logistics, công nghệ cao, du lịch và kinh tế biển, TP HCM được định vị là trung tâm tài chính - công nghiệp - công nghệ hàng đầu cả nước, hướng tới mục tiêu lọt Top 100 hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu.
Song song đó là quá trình đầu tư mạnh mẽ vào hệ thống kết cấu hạ tầng hiện đại và kết nối đa phương thức. Hàng loạt công trình trọng điểm như Metro, BRT, cao tốc và tuyến đường sắt tốc độ cao đang dần hình thành, tạo nên mạng lưới giao thông thông suốt, gắn kết nội vùng, liên vùng và quốc tế. Bên cạnh hạ tầng giao thông, TP HCM cũng đang đẩy mạnh xây dựng các khu đô thị mới, hướng đến phát triển mô hình đô thị đa trung tâm.
“Với tổng hòa các yếu tố về quy mô, chính sách, kinh tế, hạ tầng và công nghệ, TP HCM đang đứng trước thời cơ bứt phá mạnh mẽ để hiện thực hóa tầm nhìn trở thành một siêu đô thị hàng đầu, xứng đáng là hạt nhân phát triển năng động và đầu tàu tăng trưởng của cả nước”, TS. Cấn Văn Lực khẳng định.
Tọa độ hấp dẫn nhà đầu tư
Trong bối cảnh toàn thị trường bất động sản TP HCM hưởng lợi từ sự kiện sáp nhập, trục Đông Bắc được giới chuyên gia đánh giá có dư địa bứt phá mạnh mẽ nhất.
Theo TS. Nguyễn Sĩ Dũng, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách của Thủ tướng Chính phủ, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho hay: Trục Đông Bắc TP HCM là nơi hội tụ hạ tầng hiện đại gồm các tuyến cao tốc, Metro; dân số trẻ và lực lượng lao động rồi rào; các khu công nghiệp và đại học lớn; quỹ đất lớn để phát triển. Tại đây đang hình thành 1 cực tăng trưởng bất động sản tích hợp đa chức năng, gồm: bất động sản nhà ở cao cấp cho chuyên gia, khu công nghiệp công nghệ cao, bất động sản văn phòng thương mại, trung tâm đổi mới sáng tạo và đặc biệt là không gian phát triển các đô thị sáng tạo thông minh bền vững. Nếu được quy hoạch và điều phối bàn bản, nơi đây sẽ trở thành thung lũng silicon mới của Việt Nam và là điểm đến đầu tư hấp dẫn bậc nhất cho các quỹ phát triển bất động sản quốc tế”.
Lý giải sức hút riêng của khu vực, PGS.TS. Trần Đình Thiên, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách của Thủ tướng Chính phủ, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhấn mạnh rằng khái niệm “đi Bình Dương” từ lâu đã phản ánh một hiện tượng thực tế: sự dịch chuyển dân cư ồ ạt, một cuộc di dân đô thị mạnh mẽ. Ngày nay, mô hình này vẫn tiếp diễn, nhưng theo một chiều hướng mới. Do những thách thức lớn ở phía Tây, một làn sóng dịch chuyển dân cư đáng kể đang diễn ra, tập trung về khu vực phía Đông. Đây chính là một cơ hội vàng, tạo ra động lực mới cho sự phát triển cho khu vực Đông Bắc.
Trong khi đó, TS. Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam nhận thấy có 5 dự án hạ tầng trọng điểm đang tạo lực đẩy mạnh mẽ cho thị trường khu vực Đông Bắc TP HCM.
Thứ nhất, dự án mở rộng Quốc lộ 13 đoạn qua khu vực Đông Bắc được mở rộng lên 60m, dự kiến hoàn thành trong năm 2025.
Thứ hai, đến năm 2026, tuyến Vành đai 3 TP HCM đưa vào sử dụng sẽ rút ngắn thời gian di chuyển từ Đông Bắc TP HCM đến trung tâm thành phố, sân bay Long Thành và các khu công nghiệp trọng điểm.
Thứ ba, tuyến đường ven sông Sài Gòn dài 100km, trong đó đoạn qua Bình Hoà dài hơn 13km, sẽ mở rộng không gian phát triển đô thị ven sông, đồng thời tái thiết các khu vực này thành trung tâm thương mại – dịch vụ hiện đại. Các dự án có vị trí tiếp giáp sẽ được hưởng lợi trực tiếp.
Thứ tư, giai đoạn 2027–2028, đoạn Quốc lộ 13 qua TP Thủ Đức cũ (nay là 12 phường mới) được mở rộng lên 10 làn xe sẽ tạo cú hích lớn cho khu vực. Song song đó, TP HCM đang nghiên cứu xây dựng đường trên cao theo trục Đinh Bộ Lĩnh – Xô Viết Nghệ Tĩnh nhằm tăng tốc kết nối với quốc lộ 13, tạo lối vào nhanh đến trung tâm nội đô.
Thứ năm, tuyến đường sắt đô thị số 2 kết nối trung tâm TP HCM với Thủ Dầu Một, chạy dọc theo Quốc lộ 13, sẽ trở thành động lực phát triển mạnh mẽ cho các dự án hai bên trục.
Có thể thấy, các dự án tọa lạc tại phường Bình Hoà sẽ là khu vực được hưởng lợi trực tiếp từ những cột mốc hạ tầng này.
“Việc sáp nhập Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu vào TP HCM, mở rộng quy hoạch đô thị và tái cấu trúc vùng đã tạo nên sự dịch chuyển cư dân từ trung tâm TP HCM vốn chật chội về các dự án tọa lạc tại khu vực Đông Bắc TP HCM. Nơi đây sẽ trở thành tâm điểm mới nhờ được hưởng lợi trực tiếp từ quy hoạch đồng bộ và chính sách phát triển mới. Do đó, phân khúc căn hộ được dự báo sẽ là phân khúc lên ngôi trong giai đoạn tới”, ông Đính nhận định.
Minh chứng rõ nét nhất cho sức hấp dẫn của nhà ở chung cư Đông Bắc nằm ở giá trị thực và tiềm năng sinh lời. Tỷ suất lợi nhuận cho thuê tại đây có thể đạt tới 7,5%/năm - một con số kỷ lục trên thị trường.
Phân tích cụ thể hơn, TS. Nguyễn Văn Đính cho hay, khu vực Đông Bắc TP HCM đang chứng kiến xu hướng thay đổi rõ nét. Trong đó, bất động sản công nghiệp sẽ được tái cấu trúc đồng bộ, chất lượng, nhờ đó là điểm đến thu hút FDI và hình thành cộng đồng chuyên gia, kỹ sư, lao động tay nghề cao. Điều này kéo theo nhu cầu lớn về nhà ở chất lượng cao.
Với bất động sản nhà ở, nhờ quỹ đất rộng, khu vực này sẽ là nơi xuất hiện các dự án nhà ở được quy hoạch bài bản, pháp lý minh bạch, chú trọng yếu tố xanh, thông minh và tiện ích cao cấp. Phân khúc căn hộ trung và cao cấp dự báo sẽ đáp ứng tốt nhu cầu ở thực của nhóm cư dân tinh hoa, đặc biệt tại khu vực trung tâm tài chính, công nghệ cao.
“Dư địa và cơ hội tăng trưởng của thị trường phía Nam, đặc biệt là Đông Bắc TP HCM đang lớn dần và sóng bất động sản cũng đang bắt đầu hình thành, thu hút sự chú ý của giới đầu tư. Nam tiến đang trở thành xu hướng tất yếu của các nhà đầu tư có tầm nhìn dài hạn”, TS. Nguyễn Văn Đính khẳng định.