Bất lực quản lý xây dựng

Nguyễn Việt thực hiện 28/11/2019 11:30

"Tôi đã từng trực tiếp xây nhà và nhận thấy, thủ tục hành chính của chúng ta còn rất phiền hà. Phải “chạy ngược, chạy xuôi” vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước".

ĐBQH Trần Văn Lâm - Ủy viên Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội chia sẻ với DĐDN bên hành lang Quốc hội về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng.

- Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, vẫn còn rất nhiều sự phức tạp, rườm rà, thậm chí chồng chéo của các thủ tục hành chính (TTHC) trong lĩnh vực xây dựng. Ông bình luận thế nào về vấn đề này?

Là một công dân đi làm các thủ tục về xây dựng, tôi nhận thấy thủ tục còn rất phiền hà. Dù thủ tục rất chặt chẽ nhưng “đập vào mắt” tất cả mọi người hiện nay là hình ảnh lộn xộn, quy hoạch thì “nham nhở”, quy hoạch xong thường lại bị phá vỡ, điều chỉnh lại. Đặc biệt, việc tuân thủ pháp luật xây dựng vô cùng yếu kém, đặt ra quy định rất chi tiết nhưng việc kiểm soát việc xây dựng lại không nghiêm minh. Từ đó đã tạo ra nhiều bức xúc trong xã hội liên quan đến vấn đề xây dựng theo Luật Xây dựng.

Ở đây đặt ra hai vấn đề. Thứ nhất, những bất cập, hạn chế trong quy định của luật chưa kịp thời điều chỉnh cho phù hợp. Các cơ quan quản lý nhà nước cũng chưa mạnh dạn đổi mới. Thứ hai, năng lực quản lý và thực thi pháp luật trong lĩnh vực xây dựng vẫn còn rất yếu kém.

Do đó, cả hai vấn đề này trong thời gian tới đều cần phải có sự thay đổi mạnh mẽ. Việc Quốc hội rà soát, điều chỉnh một số nội dung trong Luật Xây dựng theo tôi là cần thiết.

- Theo phản ánh, mọi khâu trong quá trình đầu tư xây dựng dự án bất động sản hiện vẫn còn khá rườm rà. Đặc biệt, những TTHC ở giai đoạn đầu như khâu chuẩn bị dự án là phức tạp, rườm rà nhất?

Hiện nay, khi xin chấp thuận đầu tư dự án, ở khâu thẩm định dự án, chủ đầu tư phải trải qua “thiên la địa võng” thủ tục và phải làm việc với rất nhiều “cửa”.

Hiện nay, khi xin chấp thuận đầu tư dự án, ở khâu thẩm định dự án, chủ đầu tư phải trải qua “thiên la địa võng” thủ tục và phải làm việc với rất nhiều “cửa”. Đơn cử, để xin thẩm định 1 dự án đầu tư xây dựng tại địa phương, doanh nghiệp phải làm việc đồng thời với Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Quy hoạch – Kiến trúc, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố…

Như vậy, chủ đầu tư phải làm việc tổng cộng với 4, 5 cơ quan một cách độc lập mà không có một cửa thống nhất, một đầu mối giải quyết. Chính vì phải “chạy” lòng vòng qua nhiều cửa như hiện nay mà từ 1 thủ tục phải thành 5 – 6 thủ tục; thời gian thực hiện 1 thủ tục từ 15 ngày trên lý thuyết thành 5 – 6 tháng, thậm chí có thể lâu hơn. Một dự án của doanh nghiệp chỉ xin một thủ tục đóng bổ sung tiền sử dụng đất, đã làm việc với rất nhiều nơi như UBND thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường… mà đến 20 tháng vẫn chưa được các cơ quan chức năng giải quyết xong.

Không chỉ bị TTHC “hành”, mà trong quá trình đầu tư kinh doanh còn gặp vô vàn khó khăn do sự thiếu thống nhất, thiếu đồng bộ của những quy định pháp luật chuyên ngành. Đơn cử, chỉ vì 1 từ khác nhau “nhà đầu tư” và “chủ đầu tư” quy định trong luật mà nhiều doanh nghiệp bất động sản đã phải “khóc ròng” vì dự án ách tắc không thể triển khai được?

Không riêng gì trong Luật Xây dựng, mà một số luật khác cũng còn có sự chồng chéo về các nội dung quy định và có sự khác biệt. Nhưng vấn đề ở đây là khâu tổ chức thực thi. Vì Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã nêu rất cụ thể, khi có sự khác nhau giữa các hệ thống luật, điều luật thì luật nào ở mức cao hơn phải được tuân thủ ở mức cao hơn. Ví dụ, luật phải tuân thủ Hiến pháp. Hoặc luật ban hành sau mới hơn luật cũ thì thực hiện theo luật mới.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực thi luật, cũng có những cách diễn giải khác nhau từ các cơ quan quản lý nhà nước, nếu thực sự có trách nhiệm, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, doanh nghiệp thì đều có thể hướng đến đúng bản chất vấn đề để đưa ra các quyết định quản lý chất lượng và hiệu quả nhất. Còn một khi đã cố tình “bắt bẻ” câu chữ để gây khó khăn cho doanh nghiệp, các nhà đầu tư thì cũng rất khó phát hiện để xử lý. Việc này cần phải khắc phục trong thời gian tới.

- Ông có kiến nghị gì để tháo gỡ những bất cập này, vì với doanh nghiệp, thời gian đồng nghĩa với tiền bạc và cơ hội?

Tôi có hai kiến nghị. Một là, cơ chế chính sách khi đưa ra phải được triển khai và thực thi nghiêm túc. Chúng ta xây dựng rất nhiều các văn bản, quy định nhưng trong thực tiễn không mang lại hiệu quả thì có thể nhìn nhận như một sự thất bại trong quản lý.

Hai là, trách nhiệm cá nhân người đứng đầu, trách nhiệm các cơ quan quản lý nhà nước đối với những vấn đề trong thực tiễn phải được đề cao, phải thật sự công tâm, khách quan. Không “viện dẫn” các quy định, văn bản nhằm tạo thêm các khó khăn cho doanh nghiệp, cho người dân. Khi phát hiện thấy khó khăn, bất cập nếu trong phạm vi thẩm quyền có thể xem xét, xử lý thì phải kịp thời giải quyết.

Nếu vượt thẩm quyền, thì phải nhanh chóng báo cáo, đề xuất thậm chí lên đến Quốc hội để điều chỉnh, sửa đổi những quy định có liên quan. Điều này thể hiện trách nhiệm quản lý nhà nước trong từng lĩnh vực. Phản ánh cuối cùng chính là chất lượng và hiệu quả triển khai các dự án đầu tư xây dựng. Chỉ khi nào không còn các dự án bị trì trệ, bị đội vốn kéo dài, chất lượng kém thì khi đó mới có thể nói công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực xây dựng hiệu quả, Luật Xây dựng có chất lượng và đi vào thực tiễn.

- Xin cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Bất lực quản lý xây dựng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO