Hành vi xâm phạm nhãn hiệu ngày càng trở nên tinh vi và phổ biến, khiến cho người tiêu dùng khó có thể phát hiện hoặc bị nhầm lẫn thật - giả về hàng hoá, dịch vụ của các đơn vị cung cấp.
Vừa qua, Công ty TNHH GINKGO của chúng tôi đã bị một số đối tượng nhái bản quyền thương hiệu doanh nghiệp, khiến GINKGO bị ảnh hưởng không nhỏ tới hình ảnh, doanh thu mà tập thể công ty đã dày công xây dựng. Đối với ngành nghề kinh doanh dịch vụ du lịch thì thương hiệu là một giá trị rất lớn.
Vậy mà hiện nay chúng tôi đang rất bức xúc bởi tên thương hiệu đang bị nhiều công ty ngang nhiên "lấy cắp". Mặc dù GINKGO đã làm đơn kiến nghị gửi Cục sở hữu trí tuệ nhằm xác minh làm rõ về vấn đề này. Tuy nhiên, sau khi bị nhắc nhở về vi phạm hành chính, phía công ty giả mạo đã thêm thanh dấu gạch ngang, hoặc thêm, bớt, đi một chữ nhằm biện minh cho hành vi xâm phạm của mình, bởi luật định về bảo hộ thương hiệu hiện nay còn lỏng lẻo.
Trong khi đó, Nghị định 78/2015 của Chính phủ, có quy định xử lý đối với trường hợp xâm phạm về nhãn mác, thương hiệu. Tuy nhiên, thế nào là "vi phạm nhãn mác, thương hiệu" và “dịch vụ giả mạo về sở hữu trí tuệ” vẫn chưa quy định rõ? khiến các đối tượng ngang nhiên lợi dụng kẽ hở của luật để chiếm đoạt các thương hiệu uy tín.
PHƯƠNG THANH GHI