Mặc dù tính đến 30/9/2021, các hạng mục tại trạm bơm Thanh Điềm do Công ty Thủy lợi Mê Linh quản lý có giá trị còn lại hơn 18 tỷ đồng, nhưng đơn vị này vẫn “phá bỏ” để xin thay bằng dự án mới …
>>"Bất thường" tại Công ty Thủy lợi Hà Nội - Kỳ 1: Chuyện “lạ” trong quản lý, điều hành
Như Diễn đàn Doanh nghiệp đã thông tin trong những bài viết trước, những “bất thường” trong quản lý điều hành tại Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển Thủy lợi Hà Nội (Công ty Thủy lợi Hà Nội) đã khiến người lao động tại đây vô cùng bức xúc, gây bất ổn trong nội bộ tổ chức, phát sinh khiếu kiện kéo dài suốt những năm qua.
Đó là chuyện bà Kế toán trưởng Kiều Thị Hồng Thắm để chồng thành lập doanh nghiệp tư nhân rồi “ẵm” trọn toàn bộ các hợp đồng xây dựng, đó là chuyện người trong gia đình ông Chủ tịch Phan Tuy Hội (ông Hội nay đã nghỉ hưu – PV) nắm giữ toàn bộ các vị trí chủ chốt của công ty, “hô biến” thành công một doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước trở thành công ty “gia đình trị”, ngân sách Nhà nước có dấu hiệu bị “bòn rút” trong thời gian dài, công tác quản lý, sử dụng tài sản công có nhiều “bất minh”, gây lãng phí ngân sách Nhà nước hàng chục tỉ đồng.
Quay trở lại thông tin các hạng mục tại trạm bơm Thanh Điềm có giá trị còn lại hơn 18 tỉ đồng nhưng đã bị Công ty Thủy lợi Mê Linh thay thế, phá bỏ gây lãng phí ngân sách. Cụ thể, theo tài liệu phóng viên có được, nhà quản lý trạm bơm Thanh Điềm và nhà trạm bơm Thanh Điềm được đưa vào sử dụng năm 2006, thời gian trích khấu hao 25 năm, giá trị còn lại tính đến ngày 30/9/2021 còn hơn 7,75 tỉ đồng; máy móc, thiết bị nhập khẩu gồm 10 máy bơm 3.600m3/h được đưa vào sử dụng cùng năm 2006, tính khấu khao đến 30/9/2021 vẫn còn hơn 10,7 tỉ đồng.
Thao quan sát thực tế của phóng viên sáng ngày 1/4/2022, các máy móc, cùng những thiết bị đã bị “phá dỡ” được xếp ngổn ngang xung quanh trạm bơm Thanh Điềm phơi gió, phơi mưa. Khối tài sản được định giá còn giá trị đến hơn 18 tỉ đồng nay chỉ còn là một đống phế liệu không còn giá trị.
Cũng trong sáng ngày 1/4/2021, trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, Chủ tịch Công ty Thủy lợi Hà Nội Trần Thanh Toàn đã xác nhận thông tin và thẳng thắn cho rằng, đây là vướng mắc của công ty hiện nay. Liên quan đến việc thanh lý khối tài sản này, chủ tịch Công ty Thủy lợi cho biết, đơn vị sẽ thuê công ty tư vấn để thực hiện các thủ tục thanh lý, đấu giá theo quy định.
>>“Bất thường” tại Công ty Thủy lợi Hà Nội - Kỳ 2: Chuyện nhà thầu “ruột”
Theo tìm hiểu của phóng viên, dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp trạm bơm Thanh Điềm, kiên cố hóa bờ kênh trục chính Thanh Điềm kết hợp làm đường giao thông được UBND Thành phố Hà Nội phê duyệt theo Quyết định số: 6527/QĐ-UBND ngày 30/10/2013; Tổng vốn đầu tư của dự án tại Quyết định này là hơn 195 tỉ đồng được lấy từ ngân sách của Thành phố Hà Nội.
Tuy nhiên, điều khiến dư luận băn khoăn là, vì sao các hạng mục tại trạm bơm Thanh Điềm có giá trị đến gần 40 tỉ đồng chỉ mới đưa vào sử dụng năm 2006, đến năm 2013 đã được phê duyệt dự án “nâng cấp”? Cần phải nói thêm rằng, giá trị khấu hao của các hạng mục này là sử dụng trong 25 năm. Vậy, vì sao Công ty Thủy lợi Mê Linh mới sử dụng 8 năm đã “xếp xó” và “đòi” thay mới?Tài sản của Nhà nước đã bị thất thoát hàng chục tỉ đồng, ai là người chịu trách nhiệm?
Đáng nói, tại trạm bơm Thanh Điềm, giá trị còn lại tính đến cuối năm 2021 của khối tài sản này vẫn còn tới hơn 18 tỉ đồng. Dư luận băn khoăn cho rằng, vậy thời điểm năm 2013 khi dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp trạm bơm Thanh Điềm được phê duyệt thì còn giá trị bao nhiêu?
Theo tài liệu Diễn đàn Doanh nghiệp có được, để UBND TP Hà Nội phê duyệt dự án mới này, ngày 19/9/2013 Công ty Thủy lợi Mê Linh có tờ trình số 10/CTML-TTr cùng báo cáo thẩm định dự án số 1107/BC-KH&ĐT ngày 24/10/2013 của Sở Kế hoạch và Đầu tư. Vậy, trong tờ trình của Công ty Thủy lợi Mê Linh, đơn vị này đã báo cáo UBND TP. Hà Nội thế nào để được phê duyệt cho “phá bỏ” để thay dự án mới (?).
Quay trở lại thông tin hàng loạt sự việc “động trời” có dấu hiệu vi phạm pháp luật từng ngang nhiên diễn ra tại Công ty Thủy lợi Mê Linh mà không hề bị phát hiện. Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, một số cán bộ tại Công ty Thủy lợi Mê Linh (xin giấu tên) cho rằng, nguyên nhân là do công ty Thủy lợi Mê Linh đã trở thành “gia đình trị”!
“Ông Phan Tuy Hội là chủ tịch, tổng giám đốc, trong khi đó cháu ruột có tên Phan Đức Hải lại là Kiểm soát viên (kiềm soát sai phạm), vợ của ông phan Đức Hải là Nguyễn Thị Hồng Liên cũng là giám đốc một xí nghiệp trực thuộc, bà Kiều Thị Hồng Thắm – Kế toán trưởng là mẹ nuôi của Phan Đức Hải.,.với mối quan hệ gia đình chằng chịt như vậy, ai mà phát hiện ra sai phạm được”, vị cán bộ này ngán ngẩm nói.
Liên quan đến những sai phạm tại đơn vị này, cùng trách nhiệm cụ thể của từng cá nhân, Diễn đàn Doanh nghiệp sẽ tiếp tục thông tin trong các bài viết sau!
Có thể bạn quan tâm