Trên phạm vi toàn cầu, tiến trình trở thành quốc gia phát triển cho thấy năng lực cạnh tranh của khu vực tư nhân sẽ quyết định thành bại của quốc gia.
Ngày chủ nhật 23/5/2021, cử tri cả nước sẽ tham gia ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp, nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Bất cập chính sách với doanh nghiệp tư nhân
Trên phạm vi toàn cầu, tiến trình trở thành quốc gia phát triển cho thấy năng lực cạnh tranh của khu vực tư nhân sẽ quyết định thành bại của quốc gia. Không khó để liệt kê ra sự đóng góp lớn lao của các doanh nghiệp quốc nội vào giấc mơ quốc gia hùng cường tại những nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, hay gần đây hơn là Trung Quốc.
Tuy nhiên, vị thế của các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam hiện vẫn còn rất khiêm tốn. Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến năm 2019, Việt Nam có khoảng 17.000 doanh nghiệp tư nhân quy mô lớn và 21.000 doanh nghiệp quy mô vừa. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm khoảng 97% tổng số doanh nghiệp tư nhân Việt Nam, năng suất lao động và hiệu quả vẫn còn rất hạn chế.
Một trong những nguyên nhân chính của tình trạng nêu trên được xác định là hệ thống cơ chế, chính sách về phát triển kinh tế tư nhân còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ, chưa sát thực tế.
Bối cảnh này khiến cho môi trường đầu tư kinh doanh dù được cải thiện nhưng vẫn còn nhiều rào cản, tiếp cận cơ hội kinh doanh, nguồn lực phát triển chưa thực sự bình đẳng, phát sinh nhiều chi phí trung gian, chi phí không chính thức.
Hệ quả là đa số doanh nghiệp tư nhân trong nước vẫn loay hoay ở quy mô nhỏ, lẻ, rất khó gia tăng sự đóng góp của mình vào sự nghiệp chung của đất nước.
Nâng cao vị thế của doanh nghiệp
Văn kiện đại hội XIII tiếp tục chủ trương: Phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân của người Việt Nam cả về số lượng, chất lượng, hiệu quả, bền vững, thực sự trở thành một động lực quan trọng trong phát triển kinh tế. Xóa bỏ mọi rào cản, định kiến, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế tư nhân…Khuyến khích hình thành, phát triển những tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh khu vực, quốc tế.
Những bất cập về chính sách phát triển kinh tế tư nhân trong nước có thể có mối liên hệ với vị thế còn mờ nhạt của lực lượng này tại các diễn đàn Quốc hội. Theo công bố chính thức của Hội đồng bầu cử quốc gia vào ngày 27/4/2021, trong số 09 người tự ứng cử thì chỉ có 02 người thuộc nhóm doanh nghiệp tư nhân. Không có số liệu chính thức về các đại biểu của lực lượng này trong tổng số 868 người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV.
Bài học thành công tại nhiều nước trong khu vực Đông Á cho thấy sự cần thiết phải huy động được sự tham gia của mọi lực lượng xã hội, đặc biệt là vai trò không thể thiếu của các doanh nhân dân tộc. Để có những doanh nghiệp tư nhân lớn mạnh, có thể đóng góp thiết thực vào khát vọng Việt Nam 2045 thì tất yếu cần nâng cao hơn nữa vị thế của lực lượng này trong cấu trúc quản trị quốc gia.
Xét tầm quan trọng của đội ngũ doanh nhân trong cơ cấu các lực lượng xã hội, một trong những giải pháp trước mắt là ưu tiên gia tăng số đại biểu quốc hội là người ngoài Đảng và đang hoạt động trong khối doanh nghiệp tư nhân. Sự hiện diện của các đại biểu thuộc lực lượng tư nhân chắc chắn sẽ hữu ích cho những thảo luận chính sách cũng như quá trình đổi mới nói chung, nhằm thúc đẩy sự trưởng thành hơn nữa của kinh tế tư nhân ở Việt Nam.
Trên cơ sở đó, các doanh nghiệp dân tộc mới có thể chung tay cùng các lãnh đạo chính quyền, hướng đến hiện thực hóa khát vọng Việt Nam: đưa đất nước trở thành quốc gia phát triển vào năm 2045.
Có thể bạn quan tâm
05:05, 07/05/2021
07:00, 09/05/2021
03:00, 05/05/2021