Vàng đã đẩy Bầu Kiên đi hết sai lầm này đến sai lầm khác. Và khi sai lầm đó chất thành núi, vàng đã dẫn lối ông tới các hành vi phạm pháp.
Thông tin “ông bầu” bóng đá nổi danh Nguyễn Đức Kiên bị cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an bắt giữ từng xôn xao dư luận trong suốt thời gian dài. Theo đó, ông Kiên bị bắt bởi hành vi “cố ý làm trái”, “kinh doanh trái phép”, “trốn thuế”…
Thời điểm này, Nguyễn Đức Kiên 48 tuổi (sinh năm 1964), đang là phó chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF), chủ tịch Câu lạc bộ bóng đá Hà Nội, là cổ đông tại nhiều ngân hàng thương mại lớn như ACB, KienLongBank...
Có lẽ không nhiều người biết, việc điều hành các doanh nghiệp tư nhân trong nước và liên doanh không phải là mục tiêu của bầu Kiên. Nhìn vào xu hướng đầu tư cho thấy, “đại gia đầu bạc” này thích nắm cổ phần lớn trong ngân hàng và doanh nghiệp hơn là ngồi ghế lãnh đạo.
Nói chính xác, bầu Kiên là dạng nhà đầu tư thầm lặng phục vụ bản thân và một số cổ đông lớn có tiềm lực tài chính, có thể can thiệp vào các doanh nghiệp khi cần thiết để doanh nghiệp đó làm ăn tốt hơn. Tại các thị trường phát triển trên thế giới, đó là một nghề. Tuy vậy, nghề này đòi hỏi nhà đầu tư phải hội đủ nhiều yếu tố như tầm vóc và tầm nhìn, năng lực tài chính, kiến thức và uy tín…
Quay trở lại câu chuyện tại ACB, sau khi gọi vốn nước ngoài, những năm 2005-2006 ACB và một số ngân hàng cổ phần “lớn” rất nhanh. Một phần do cơ hội Việt Nam chuẩn bị gia nhập WTO mang lại, phần khác tăng trưởng kinh tế những năm đó thuận lợi. Khi ấy ACB đã dẫn đầu khối cổ phần và thể hiện tham vọng cạnh tranh với bốn ngân hàng quốc doanh. Bước cạnh tranh đầu tiên là về tổng tài sản và lợi nhuận.
Năm 2006 lợi nhuận trước thuế của ACB đạt 687 tỷ đồng. Năm sau con số lợi nhuận tăng gấp ba lần, nhảy lên 2.127 tỷ đồng. Cùng thời gian, tổng tài sản của ACB bắt đầu leo thang. Một trong những yếu tố tạo đà nhảy cho tổng tài sản của ACB là huy động vàng. Không có ngân hàng nào huy động được nhiều vàng trong dân như ACB. Vào lúc đỉnh điểm, ACB đã huy động được một lượng vàng khổng lồ, hơn 33 tấn.
Quy định cho phép huy động vốn bằng vàng và chuyển 30% vàng huy động thành tiền để cho vay là một chủ trương thức thời. Tuy nhiên việc điều hành, quản lý và kiểm soát phải bám sát thực tế, đơn giản vì vàng là ngoại tệ, là thứ tài sản tích lũy mang tính truyền thống của người Việt Nam. Tiếc thay quản lý vàng suốt nhiều năm đã bị buông lỏng, làm ảnh hưởng đến tỷ giá, tạo ra những “lỗ hổng” và những cơn sốt có thời điểm làm chao đảo nền kinh tế.
Bầu Kiên đã sảy chân với vàng, sa cơ lỡ vận vì vàng và với vàng, ông là “kẻ thua cuộc”. Vàng đã đẩy ông đi từ sai lầm này đến sai lầm khác. Và khi sai lầm tích lũy, nó đã tiếp tay, dẫn ông đến những hành động vi phạm pháp luật.
Giới ngân hàng cho biết bầu Kiên bắt đầu kinh doanh vàng tài khoản từ năm 2008. Ông sử dụng pháp nhân của sáu công ty không có chức năng kinh doanh vàng để tham gia vào thị trường vàng quốc tế. (Cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao kết luận ông phạm tội kinh doanh trái phép).
Ông bán vàng trong nước, mua vàng tài khoản nước ngoài để bù đắp trạng thái. Điều này chẳng khác nào nghiệp vụ bán khống, mà một trong những quy tắc của bán khống là cover (mua lại) càng nhanh càng tốt. Bầu Kiên đã không làm như vậy. Có những đợt phải mấy tháng sau ông mới mua lại vàng đã bán. Chưa kể người ta bán khống trong thị trường giá xuống, còn ông bán khống trong thị trường giá lên.
Liên quan tới câu chuyện “đánh” vàng của bầu Kiên, Tổng giám đốc một ngân hàng kể: “Năm 2009-2010 đi đâu cũng thấy ông Kiên kè kè một cái điện thoại và 5-10 phút lại nhìn vào đó để xem sự biến động giá vàng thế giới. Một lần tôi nói các tổ chức quốc tế đều dự báo giá vàng sẽ qua mốc 1.300 đô la Mỹ/ounce, ông gạt phắt làm gì có”.
Cuối năm 2009, đầu năm 2010 bầu Kiên đã có những quyết định “chết người” với vàng. Ông vay vàng trong nước (vàng huy động của các ngân hàng), và bán. Có ngày ông bán 20.000 lượng vàng ở mức giá 26 triệu đồng/lượng. Vay vàng lãi suất thấp, bán và lấy tiền đồng gửi lại ngân hàng hoặc cho vay lãi suất cao, tính ra chênh lệch tới ba lần/năm.
Tuy nhiên người tính không bằng trời tính. Không ai có thể ngờ giá vàng đã tăng với tốc độ chóng mặt. Khi giá tăng, ngân hàng yêu cầu người vay nộp thêm tài sản, hoặc tất toán trạng thái, chấp nhận lỗ. Vàng đã biến tài sản của bầu Kiên thành con số âm!
Cái “chết” vì vàng của bầu Kiên có thể sẽ không tạo ra nhiều hậu quả đến thế cho bản thân ông và ACB nếu ACB và một số ngân hàng kiên quyết ép buộc ông đóng trạng thái khi đến điểm phải cắt lỗ. Đằng này họ đã cho ông nợ trạng thái với hy vọng giá vàng thế giới quay đầu đi xuống. Trên thị trường đầu cơ, không có cái gì lên mãi và cái gì xuống mãi.
Đúng là giá vàng quốc tế đã giảm sau 12 năm thăng hoa, nhưng nó giảm ở thời điểm quá xa so với ngày bầu Kiên bán khống…