Việc các ngân hàng Mỹ rút lui khỏi Liên minh Ngân hàng NetZero (NZBA) đe doạ nguồn tài chính khí hậu vốn đã hạn chế của Đông Nam Á.
Việc các ngân hàng lớn trên Phố Wall bao gồm Goldman Sachs, Wells Fargo, Morgan Stanley, Citigroup, Bank of America và JPMorgan Chase rút khỏi NZBA đánh dấu một bước lùi đáng lo ngại đối với tài chính khí hậu toàn cầu.
Mặc dù quyết định này dường như dự đoán sự thay đổi trong cục diện chính trị và bối cảnh pháp lý dưới chính quyền Trump sắp tới, nhưng tác động lan tỏa của nó vượt xa biên giới Hoa Kỳ và ảnh hưởng đến khu vực Đông Nam Á.
Đông Nam Á là một trong những khu vực dễ bị tổn thương nhất do biến đổi khí hậu. Với các thành phố ven biển thấp, phụ thuộc vào nông nghiệp và dân số đáng kể có nguy cơ di dời do biến đổi khí hậu. Khu vực này phụ thuộc rất nhiều vào nguồn tài chính quốc tế để đạt được các mục tiêu thích ứng và giảm thiểu khí hậu.
Do đó, việc các ngân hàng Hoa Kỳ rút khỏi NZBA có thể ảnh hưởng đến tiến độ của các quốc gia Đông Nam Á trong việc đạt được Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) do ít ngân hàng lớn thể hiện ý định công khai tài trợ cho các nỗ lực phi carbon hóa.
Tính đến quý II/2024, tổng tài sản của 145 thành viên NZBA là 71,58 nghìn tỷ USD, trong đó các ngân hàng Hoa Kỳ rời khỏi liên minh chiếm gần 20%, tương đương 14,29 nghìn tỷ USD. Nếu không có sự tham gia của các ngân hàng Mỹ vào liên minh NZBA, nguồn tài chính khí hậu vốn đã hạn chế có thể sẽ tiếp tục thu hẹp, có khả năng làm tăng chi phí đi vay.
Điều này chủ yếu liên quan đến các nền kinh tế như Việt Nam, Indonesia, Philippines, Thái Lan và Malaysia - những nền kinh tế đang tìm kiếm các khoản đầu tư và khoản vay để xây dựng cơ sở hạ tầng chống chịu với khí hậu. Chi phí cao hơn có thể ngăn cản các khoản đầu tư xanh quan trọng, kéo dài sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và khiến các quốc gia này dễ bị ảnh hưởng hơn trước các rủi ro về khí hậu.
Các chuyên gia cũng cảnh báo, việc các ngân hàng Mỹ rút lui khỏi NZBA có thể ảnh hưởng đến cam kết đối với một số dự án tài chính liên quan đến khí hậu, chẳng hạn như Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) giữa các quốc gia Đông Nam Á là Indonesia và Việt Nam và Nhóm đối tác quốc tế (IPG), trong đó Mỹ là một bên tham gia.
Cả Indonesia và Việt Nam đã lần lượt nhận được cam kết ban đầu là 20 tỷ USD và 15,5 tỷ USD từ nguồn tài trợ của IPG và Liên minh tài chính Glasgow vì mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (GFANZ), một liên minh được thành lập từ hội nghị về khí hậu COP26 tại Glasgow.
Theo Ardhi Rasy Wardhana, nhà nghiên cứu tại Khoa Kinh tế, CSIS Indonesia, Mỹ đã cung cấp một phần lớn tiền cho cả hai quốc gia thụ hưởng. Đối với Indonesia, Hoa Kỳ có kế hoạch cung cấp 2,07 tỷ USD cho JETP, một nửa trong số đó đến từ các khoản vay thương mại. Đối với Việt Nam, quốc gia này có kế hoạch cung cấp 1,05 tỷ USD, hơn 90% trong số đó đến từ các khoản vay thương mại.
Do đó, chuyên gia này cho biết, việc các ngân hàng Hoa Kỳ rời khỏi NZBA rõ ràng ảnh hưởng đến những khoản tài chính khí hậu lớn dẫn đến sự không chắc chắn về tương lai của JETP, đồng thời có thể ảnh hưởng đến các sáng kiến khác, như Quỹ đổi mới và phát triển khí hậu (CIDF) của Goldman Sachs tại Việt Nam.
Mặc dù hiệu quả của NZBA trong việc giảm phát thải khí nhà kính hiệu quả vẫn còn gây tranh cãi, nhưng theo kinh nghiệm, liên minh này đã giảm 20% cho vay đối với các lĩnh vực như dầu khí, phát điện, sản xuất ô tô và vận tải biển mà các thành viên của NZBA đã nhắm tới.
Bằng cách cắt giảm tài trợ cho các dự án có phát thải carbon cao, liên minh đã tạo ra các động lực phù hợp và tạo điều kiện cho đầu tư xanh phát triển mạnh ở các nước đang phát triển tại Đông Nam Á.
Tuy nhiên, ông Wardhana nhận định, khi các ngân hàng lớn của Mỹ không tham gia có nghĩa là các quốc gia Đông Nam Á không có khuôn khổ chung để buộc họ phải chịu trách nhiệm, làm tăng nhu cầu vay vốn đối với các dự án sử dụng nhiên liệu hóa thạch hoặc có cường độ carbon cao. Do đó, rủi ro khí hậu ở khu vực này vẫn ở mức cao.
Chuyên gia này cũng chỉ ra, việc rút lui của các ngân hàng Mỹ có khả năng khuyến khích các tổ chức tài chính khác hạ thấp mức độ ưu tiên đối với các mục tiêu về khí hậu ở các nền kinh tế mới nổi có rủi ro tương đối cao hơn so với các nền kinh tế phát triển.
Chỉ một tháng trước khi các ngân hàng Mỹ rút lui, tại Hội nghị Thượng đỉnh về khí hậu lần thứ 29 (COP29) tại Azerbaijan, các quốc gia đã nhất trí tăng gấp ba dòng tài chính khí hậu từ các nước phát triển sang các nước đang phát triển ở mức 300 tỷ USD mỗi năm vào năm 2035. Mặc dù con số này thấp hơn nhiều so với nhu cầu thực tế, nhưng vẫn là thách thức nếu không có các ngân hàng của Mỹ cam kết tham gia.