Gần đây mấy vụ công trình giao thông kém chất lượng cứ xảy ra dồn dập. Dân thì bức xúc, báo chí sôi sục.
Vụ đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi vừa khai thác đã hư hỏng vẫn còn chưa nguội, lại đến vụ thủy nông ở Nà Sự, Điện Biên bị mưa lũ “bóc mẽ” ăn bớt nguyên vật liệu nối đuôi, thêm “bạn đồng hành” là vụ cầu Bạch Đằng nối Quảng Ninh – Hải Phòng vừa thông xe đã lún.
Người dân bức bối, nhưng rất kì lạ là các lãnh đạo chịu trách nhiệm trực tiếp trong các vụ này lại thường phản ứng hết sức "nhẹ nhàng", cứ "bình tĩnh mà cãi".
Hãy xem những người chịu trách nhiệm nói gì:
Cơn lũ đi qua ‘"lật tẩy" công trình thủy nông Nà Sự toàn đá cuội suối độn trong bê tông, bước thép, cát đều không đủ tiêu chuẩn. Nhưng khi được hỏi về trách nhiệm ban quản lý để xảy ra công trình kém chất lượng, ông Đỗ Thủy Trung - Giám đốc Ban quản lý dự án huyện Nậm Pồ, đơn vị chủ đầu tư dự án trả lời: “Thời điểm năm 2014 (thời điểm thủy nông được xây dựng), cán bộ kỹ thuật của Ban quản lý Dự án thiếu, vì thế chúng tôi phải thuê đơn vị giám sát để giám sát công trình. Để công trình kém chất lượng là trách nhiệm của đơn vị giám sát và nhà thầu”.
Cứ như kiểu Ban quản lý dự án chẳng hề liên quan, nghe mà nực cười. Nhưng không chỉ mình ông trả lời vô lý thế đâu, mấy ‘bạn đồng cảnh ngộ’ của ông ban đầu cũng chống chế tùm lum cả.
Ông Nguyễn Tiến Thành - Giám đốc Ban quản lý dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi trả lời ngay khi được hỏi về ổ gà trên đường cao tốc mà không cần đi kiểm tra hiện trường: "Có thể đường hỏng do trời mưa và xe quá tải trọng đi vào cao tốc".
Còn ông Nguyễn Tiến Oánh - Phó Tổng giám đốc Công ty CP BOT cầu Bạch Đằng, đơn vị thi công cầu Bạch Đằng nối Hải phòng – Quảng Ninh, thì phát biểu: "hiện tượng chênh lệch cao độ giữa các đốt đúc dầm thường xảy ra khi thi công các cầu dây văng, việc kiểm soát chênh lệch giữa các đốt đúc khó khăn hơn cầu thông thường".
Tuyệt nhiên không ai có một lời xin lỗi ngay từ đầu. Không ai nhận trách nhiệm và thừa nhận sản phẩm của mình là lỗi. Không ai tự trả lời một câu hỏi đơn giản: Tại sao các công trình tương tự khác không bị như vậy? Chỉ cần trả lời một câu hỏi đó thôi, hẳn các ông sẽ muốn rút lại những lời biện minh kệch cỡm của mình.
Nhưng có lẽ vì câu hỏi đơn giản đó đã không được hỏi, nên những chống chế vẫn cứ được tuôn ra. Có lẽ vì thói quen bao biện, vì đã quen với tư duy đổ tại. Cũng có lẽ vì hiểu được năng lực không đủ nên từ lâu đã quen xoay trở lòng vòng. Có lẽ vì thế này thế kia..., nhưng bản chất cuối cùng là, hai chữ "trách nhiệm" đã bị gạt ra, nhẹ nhàng, ngay từ những lời đầu tiên với công chúng.
Không có trách nhiệm, nên cãi lấy được, cãi hồn nhiên, cãi vô lý vô cùng.
Mà cũng có thể không chỉ là không có trách nhiệm. Như nhiều trường hợp đã xảy ra, thực chất là cố tình vi phạm, cố tình gian dối hòng thu lợi cho chính mình. Nên dường như đã chuẩn bị tinh thần, phản xạ đầu tiên sẽ là "cãi", để phủ đầu, để lấp liếm cái đuôi gian tham.
Có thể bạn quan tâm
00:38, 04/11/2018
19:38, 03/11/2018
07:00, 04/11/2018
00:57, 17/10/2018
Thế nên, cứ phải đợi đến khi các cơ quan chức năng vào cuộc và xử lý, các "lãnh đạo bao biện" kiểu này mới hết cãi. Như ông Nguyễn Tiến Thành - Giám đốc Ban quản lý dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi đã bị Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc (VEC – chủ đầu tư dự án) tạm đình chỉ công tác, giờ đang lặng lẽ dọn dẹp, chuẩn bị bị điều tra. Hi vọng hai vụ còn lại cũng sẽ sớm được xử lý.
Và hi vọng, sau rất nhiều trường hợp bao biện bừa bãi kiểu này, các chủ đầu tư, nhà thầu, những người phải chịu trách nhiệm trong các dự án khác sẽ rút được chút kinh nghiệm mà bớt cãi, mà nhận trách nhiệm với lòng tự trọng và nhanh chóng tìm cách khắc phục, tập trung chỉnh sửa để bàn giao công trình đủ tiêu chuẩn.
Đồng thời, cần có điều khoản ràng buộc về trách nhiệm bồi thường khi có sai phạm trong hợp đồng quản lý, thi công các công trình tương tự. Khi công trình không đạt tiêu chuẩn, phải bồi thường cho các bên chịu thiệt hại liên quan, mà cụ thể ở đây là những người đóng thuế, những người trả phí để xây dựng công trình, những người sử dụng công trình – những người dân.
Không được gạt quyền lợi của người dân sang một bên, và người dân cần được bồi thường thiệt hại.