BÊ TÔNG HOÁ KHU DU LỊCH: Tận phá tự nhiên bởi lòng tham

LÊ SÁNG thực hiện 18/12/2020 14:20

TS.KTS ĐÀO NGỌC NGHIÊM, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam khẳng định: Việc “bê tông hóa” quá mức các khu du lịch đang làm phá vỡ quy hoạch và thiếu trách nhiệm với thế hệ sau.

Ông Nghiêm nhận định, việc bê tông hóa các điểm du lịch xuất phát từ việc thời gian qua, các địa phương đang chú trọng phát triển du lịch và coi đó là ngành kinh tế mũi nhọn, được chú ý nhiều nhưng vấn đề cảnh quan, bản sắc của khu vực lại chưa được chú ý đúng mức, thậm chí bị phá vỡ.

TS KTS ĐÀO NGỌC NGHIÊM, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam

TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam

Tôi lấy ví dụ như tại Tam Đảo, tôi đã từng góp ý trong nội dung của dự thảo Quy hoạch thị trấn Tam Đảo đến năm 2030 nếu đất ở mà chiếm đến hơn 30% là quá lớn đối với một khu du lịch sinh thái như Tam Đảo.

- Nhưng rõ ràng, bê tông hóa thì dễ để “sửa sai” lại không đơn giản, thưa ông?

Xảy ra tình trạng như Diễn đàn doanh nghiệp phản ánh không phải bây giờ mới xảy ra. Các địa phương nên rà soát lại xem việc thực hiện của các dự án đã đúng quy hoạch hiện có hay chưa, nếu chưa đúng thì là do việc quản lý chưa tốt. 

Quy hoạch phải đi trước, có quy hoạch tốt rồi thì việc thực hiện nó cũng quan trọng không kém. Còn đối với việc “sửa sai” thì sai ở đâu thì sửa ở đó.

Quay lại trường hợp của Tam Đảo, đối với bản đề xuất quy hoạch Tam Đảo tôi cũng đã từng có ý kiến về việc liệu cho phép xây dựng cao ốc lên đến 15 tầng có là quá cao? Theo tôi, tại đó không nên vượt quá 9 tầng để giảm thiểu tác động đến cảnh quan thiên nhiên, không lấn át thiên nhiên và điều quan trọng nữa là mới có thể phù hợp với điều kiện hạ tầng tại đây về xử lý chất thải, giao thông…

Sapa nham nhở bởi các dự án mọc lên

Sapa nham nhở bởi các dự án mọc lên san sát

Rõ ràng, du khách đến với Tam Đảo, Sapa... là vì khí hậu, cảnh quan và vì vậy phải đặc biệt bảo vệ các yếu tố này thì mới bền vững được.

Như vậy, các địa phương cần xuất phát thực tiễn của địa phương mình, căn cứ vào Quy chế quản lý kiến trúc để rà soát quy hoạch theo định hướng vừa xây dựng quy hoạch mới, vừa điều chỉnh quy hoạch cũ. Đây là vấn đề đã được Quốc hội đặt ra khi làm Luật Quy hoạch.

- Theo ông, trong câu chuyện này, các địa phương cần làm gì để định hướng cho mục tiêu vừa phát triển, vừa bảo tồn?

Vừa qua, Thủ tướng cũng đã yêu cầu các địa phương khi lựa chọn đối tác phát triển các dự án phải cân nhắc sao cho phù hợp, nhất là trong lựa chọn, phê duyệt dự án cần tôn trọng cảnh quan thiên nhiên.

Tinh thần, chủ trương đã rõ như vậy, còn nếu trong thực tế mà có hiện tượng bê tông hóa quá mức khu du lịch thì phải xem lại việc thực hiện quy hoạch hoặc phải tính tới việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch nếu chưa phù hợp.

Nhiều công trình xẻ núi, san đồi tại Tam Đảo

Nhiều công trình xẻ núi, san đồi tại Tam Đảo 

- Nhưng chỉ điều chỉnh quy hoạch liệu có thể giải quyết rốt ráo tình trạng phát triển quá đà, thưa ông?

Một điểm nữa tôi cho là rất cần thiết để điều chỉnh kịp thời vấn đề bê tông hóa quá mức của các khu du lịch là các địa phương cần có Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị. Quy định này đã được sửa đổi trong Luật Kiến trúc 2019 thành Quy chế quản lý kiến trúc có hiệu lực từ 1/7/2020.

Việc xây dựng, ban hành Quy chế quản lý kiến trúc vốn cần có sự phối hợp chặt chẽ, mật thiết giữa của nhiều đơn vị, trong đó có 3 ngành quan trọng là xây dựng (quy hoạch), ngành văn hóa - thể thao và du lịch (ở góc độ tham gia bảo tồn cảnh quan) và ngành tài nguyên và môi trường (liên quan việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất). Nếu làm tốt việc này thì chúng ta sẽ có một công cụ rất tốt để quản lý cấp phép cũng như theo dõi việc thực hiện của các dự án trong thực tế.

Khi đã có Quy hoạch tốt, Quy chế quản ký kiến trúc thì phần còn lại là ở người thực hiện trực tiếp tại các địa phương. Trên hết, chúng ta phải tâm niệm việc tôn trọng cảnh quan thiên nhiên là để gìn giữ, bảo vệ cho thế hệ sau cùng được hưởng và phát triển, chứ không phải vì lợi ích trước mắt.

- Xin cảm ơn ông!

"Diễn đàn Doanh nghiệp điện tử ngày 3/12/2020 có bài viết "Bê tông hóa khu du lịch", trong đó thông tin: Bê tông hóa các điểm du lịch đang trở thành "hội chứng" ở Sapa, Hội An, Phú Quốc, Nha Trang. Muốn phát triển du lịch bền vững, cần phải có tư duy, tầm nhìn chiến lược trong quản lý quy hoạch, lấy ý kiến từ nhiều bên. Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng, UBND các tỉnh: Lào Cai, Quảng Nam, Kiên Giang và Khánh Hòa và các cơ quan liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao nghiên cứu, xử lý".

Có thể bạn quan tâm

  • ĐIỂM BÁO NGÀY 18/12:

    ĐIỂM BÁO NGÀY 18/12: "Bê tông hóa" khu du lịch

    08:19, 18/12/2020

  • “Bê tông hóa” khu du: Hệ quả của tầm nhìn ngắn hạn

    “Bê tông hóa” khu du: Hệ quả của tầm nhìn ngắn hạn

    20:45, 17/12/2020

  • Thủ tướng yêu cầu xử lý phản ánh của Diễn đàn Doanh nghiệp về bê tông hóa các điểm du lịch

    Thủ tướng yêu cầu xử lý phản ánh của Diễn đàn Doanh nghiệp về bê tông hóa các điểm du lịch

    16:23, 15/12/2020

  • BẤT ĐỘNG SẢN TUẦN TỪ 30/11 - 5/12: Ngăn bê tông hóa các khu du lịch

    BẤT ĐỘNG SẢN TUẦN TỪ 30/11 - 5/12: Ngăn bê tông hóa các khu du lịch

    14:21, 05/12/2020

  • Bê tông hóa khu du lịch (KỲ II): Rất khó để sửa sai

    Bê tông hóa khu du lịch (KỲ II): Rất khó để sửa sai

    06:25, 03/12/2020

  • Bê tông hóa khu du lịch Tam Đảo

    Bê tông hóa khu du lịch Tam Đảo

    05:00, 02/12/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
BÊ TÔNG HOÁ KHU DU LỊCH: Tận phá tự nhiên bởi lòng tham
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO