Bệnh viêm gan bí ẩn ở trẻ lây nhiễm thế nào?

LAM SONG 15/05/2022 02:00

Bệnh viêm gan bí ẩn lây qua đường hô hấp nhưng không phải bé nào tiếp xúc với virus cũng bị nhiễm bệnh, tỷ lệ nhiễm rải rác.

>>COVID-19 gây ra bệnh viêm gan bí ẩn ở trẻ nhỏ?

Virus viêm gan B dưới kính hiển vi phiên bản đồ họa. Ảnh: Telegraph

Virus viêm gan dưới kính hiển vi phiên bản đồ họa. Ảnh: Telegraph

Đến thời điểm hiện tại, nguyên nhân chính xác gây viêm gan bí ẩn ở trẻ  em vẫn chưa được tìm ra và các cuộc điều tra đang được diễn ra. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho biết, các trường hợp mắc bệnh xảy ra tại những nơi lưu hành adenovirus.

TS Nguyễn Phạm Anh Hoa, trưởng khoa gan mật, Bệnh viện Nhi trung ương, cho biết: "Adenovirus phát hiện ở khoảng 30% ca bệnh trên thế giới. Ở Mỹ, báo cáo đến ngày 6-5, chủng này dương tính ở 61% trẻ được phát hiện mắc bệnh. Mặc dù adenovirus xuất hiện khá nhiều ở trẻ bệnh nhưng chưa thể khẳng định virus này là nguyên nhân gây bệnh gan cấp tính ở trẻ em".

Theo bác sĩ Hoa, adenovirus không phải là virus mới xuất hiện. Virus này đã được phát hiện từ năm 1953 và có 57 type với 7 loài. Đây cũng chính là chủng gây đau mắt, viêm phổi, cúm, tiêu chảy... Virus này cũng là một trong những nguyên nhân gây viêm đường hô hấp ở người lớn và tổn thương dạ dày ruột ở trẻ em.

Mặc dù giả thiết nguyên nhân mắc bệnh do adenovirus vẫn chưa có căn cứ khoa học để khẳng định, tuy nhiên việc ghi nhận sự có mặt của adenovirus ở một số bệnh nhi viêm gan cấp tính chưa rõ nguyên nhân cần được tiếp tục theo dõi và nghiên cứu trong thời gian tới.

Bệnh viêm gan bí ẩn đã lây ra khoảng 20 quốc gia và giới y khoa chưa thể kết luận nguyên nhân gây bệnh.

Liên quan đến căn bệnh này, tiến sĩ Nguyễn Thu Anh, Giám đốc Viện nghiên cứu Y khoa Woolcock Việt Nam (ĐH Sydney, Úc), cho biết hiện chưa rõ tốc độ lây nhiễm như thế nào nhưng ban đầu cho thấy không nhanh như COVID-19.

Tiến sĩ Thu Anh khả năng virus vào Việt Nam là rất cao và khó tránh khỏi vì vậy các bác sĩ, nhân viên y tế cần phải cảnh giác để phát hiện ca bệnh đồng thời cập nhật thông tin trên thế giới để các cha mẹ theo dõi triệu chứng ở trẻ.

>>Liệu viêm gan bí ẩn có bùng phát thành dịch lớn?

>>Đề phòng bệnh viêm gan bí ẩn “tấn công” trẻ em

WHO đang đẩy mạnh điều tra mối liên hệ giữa bệnh viêm gan và COVID-19

WHO đang đẩy mạnh điều tra mối liên hệ giữa bệnh viêm gan và COVID-19

Thông tin thêm về căn bệnh này, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Cố vấn khối Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, Phó chủ tịch Liên Chi hội Truyền nhiễm TP.HCM, cho biết bệnh viêm gan bí ẩn lây qua đường hô hấp nhưng không phải bé nào tiếp xúc với virus cũng bị nhiễm bệnh, tỷ lệ nhiễm rải rác. Do đó, việc cần làm là phải phát hiện sớm để điều trị chứ không có biện pháp ngăn ngừa như cách ly.

Phương pháp điều trị bệnh này chủ yếu là bảo tồn, uống thuốc nghỉ ngơi, ăn uống theo chế độ dành riêng cho người mắc bệnh suy gan. Trường hợp nặng, bệnh nhân sẽ được chỉ định lọc gan hoặc ghép gan.

Mặc dù tại Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nào mắc viêm gan bí ẩn nhưng nhiều chuyên gia, bác sĩ nhận định nguy cơ bệnh xâm nhập là rất lớn.

PGS-TS Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện (BV) Nhi T.Ư cho hay, ngay sau khi có thông tin WHO cảnh báo về ca viêm gan cấp được coi là viêm gan bí ẩn ở trẻ em ghi nhận tại một số nước, lãnh đạo BV đã nhắc các bác sĩ cần chú ý đến bệnh lý này, bao gồm các bệnh nhân khám hậu COVID-19.

Lãnh đạo BV Nhi T.Ư cũng cho biết, BV hiện chưa ghi nhận ca bệnh gan do vi rút Adeno ở trẻ nhỏ. “Chưa ghi nhận nhưng chúng ta không chủ quan. Nếu có bệnh nhân tổn thương gan tối cấp, các bác sĩ sẽ lưu ý thêm về nguyên nhân gây bệnh. Hằng năm, BV vẫn có một vài trường hợp viêm gan tối cấp nguyên nhân liên quan như ngộ độc paracetamol do quá liều; do vi rút viêm gan A, B, C…”, ông Điển cho hay.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Nguyên Huyền, Trưởng khoa Khám bệnh (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) cho biết, phần lớn những trẻ sẽ có triệu chứng khởi đầu ở đường tiêu hóa là: buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy. Sau đó vài ngày trẻ mới có biểu hiện ở gan. Như vậy, khả năng cơ quan đầu tiên bị tấn công ở trẻ em là đường tiêu hóa. Đường vào khả năng là đường tiêu hóa. Khả năng cao đây là bệnh lây qua đường tiêu hóa.

“Hơn nữa, theo y văn mô tả, các virus lây qua đường hô hấp không gây tổn thương bệnh gan bí ẩn điển hình như là mô tả của bệnh viêm gan bí ẩn. Nếu có gây tổn thương gan thì thường là trong bệnh cảnh suy đa tạng, ví dụ như virus cúm có thể gây tổn thương gan, sau khi gây viêm phổi dần dần dẫn đến bệnh toàn thân, suy đa tạng sau đó mới gây tổn thương gan.

Trong khi đó, căn bệnh viêm gan bí ẩn có triệu chứng nổi trội là ở gan, vì vậy tôi không nghĩ nhiều tác nhân lây qua đường hô hấp, mà đây có thể là tác nhân lây qua đường tiêu hóa. Và nếu thực sự đây là tác nhân lây qua đường tiêu hóa thì bệnh dịch không thể bùng phát rộng giống tác nhân lây qua đường hô hấp được, bệnh sẽ lây một cách khu trú hơn”, bác sĩ Huyền cho biết.

Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Phạm Anh Hoa, Trưởng khoa Gan mật (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho rằng, với tốc độ lây lan, đặc biệt đã xuất hiện tại Đông Nam Á, bệnh có khả năng xâm nhập vào Việt Nam.

Do đó, với trẻ từ 0 -16 tuổi, khi có đồng thời các triệu chứng sau, cần đưa tới bệnh viện thăm khám sớm để phát hiện, can thiệp kịp thời: sốt nhẹ; buồn nôn; tiêu chảy; mệt mỏi; dấu hiệu vàng da. Ban đầu, vàng da có thể xuất hiện ở củng mạc mắt (phần lòng trắng của mắt). Sự thay đổi màu sắc này dễ dàng nhận biết dưới ánh sáng mặt trời.

Dù vậy, các phụ huynh cũng không nên quá hoang mang, lo lắng và tìm kiếm các phương pháp xét nghiệm, điều trị… truyền miệng. Với các trường hợp nghi ngờ, nguy cơ cao, bác sĩ sẽ có chỉ định xét nghiệm phù hợp.

Có thể bạn quan tâm

  • COVID-19 gây ra bệnh viêm gan bí ẩn ở trẻ nhỏ?

    04:00, 12/05/2022

  • Liệu viêm gan bí ẩn có bùng phát thành dịch lớn?

    02:59, 11/05/2022

  • Đề phòng bệnh viêm gan bí ẩn “tấn công” trẻ em

    02:00, 10/05/2022

  • Viêm gan bí ẩn có liên quan đến COVID-19?

    03:00, 06/05/2022

  • Hơn 200 trẻ em trên thế giới mắc viêm gan bí ẩn: Việt Nam ứng phó thế nào?

    03:00, 05/05/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Bệnh viêm gan bí ẩn ở trẻ lây nhiễm thế nào?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO