"Bêu tên" người xả rác vô ý thức: Nên hay không?

Sông Hàn 19/06/2018 05:30

Song song với công tác quản lý, thực thi pháp luật lỏng lẻo là sự ích kỷ và vô tâm của một bộ phận người dân hiện nay.

Mới đây, mạng xã hội lan truyền hình ảnh “bêu tên” người xả rác bừa bãi với ảnh và tên tuổi, địa chỉ, rồi cả hình ảnh túi rác, thời gian họ làm xấu môi trường cảnh quan lên tấm phông bạt tại TP. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk. Đó là một bà lão 84 tuổi lén xả một bì rác và một sinh viên Đại học đặt túi rác trước cổng nhà người khác cùng vào một buổi sáng.

Sau khi đăng tải, hình ảnh trên nhận được sự quan tâm của đông đảo cộng đồng mạng với những ý kiến trái chiều. Có không ít người nói việc làm này là vi phạm nhân quyền của một người, nhưng cũng có nhiều người cho rằng cách “bêu tên” những người vứt rác như vậy cần được nhân rộng ra khắp cả nước.

Hình ảnh 2 người xả rác nơi cộng cộng bị bêu tên trên tấm phông bạt cỡ lớn. Ảnh Nguyễn Văn Hoàn.

Hình ảnh 2 người xả rác nơi cộng cộng bị bêu tên trên tấm phông bạt cỡ lớn. Ảnh Nguyễn Văn Hoàn.

Thực tế, chúng ta thấy đã có quy định pháp luật xề việc xử phạt hành vi xả rác bừa bãi. Nghị định 155/2016 (thay thế NĐ 179/2013) có hiệu lực từ 1/2/2017 tăng mức phạt tiền đối với hành vi gây mất vệ sinh khu chung cư, thương mại, dịch vụ, nơi công cộng.

Cụ thể, vứt, thải, bỏ đầu, mẩu thuốc lá không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ, nơi công cộng sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đến 1 triệu đồng. Vệ sinh cá nhân (tiểu tiện, đại tiện) không đúng nơi quy định và vứt, thải rác thải sinh hoạt bừa bãi có thể bị phạt từ 1 triệu đến 7 triệu đồng.

Có thể bạn quan tâm

  • Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Ô nhiễm không khí "không tới mức nghiêm trọng"

    05:37, 05/06/2018

  • Xử lý từ gốc ô nhiễm nước thải tại Hà Nội

    07:00, 04/06/2018

  • Báo động đỏ ô nhiễm khai thác mỏ

    05:30, 03/06/2018

  • Cần xử lý từ gốc ô nhiễm do thước thải tại Hà Nội

    15:23, 22/05/2018

  • Làng nghề tự phát gây ô nhiễm môi trường

    01:04, 21/05/2018

  • Cứ 10 ngày, Hà Nội có 9 ngày ô nhiễm không khí

    20:30, 15/05/2018

Chính việc lỏng lẻo trong việc thực thi dẫn đến một bộ phận người dân bị “lờn” luật. Vai trò, quyền hạn của các cơ quan đã được quy định nhưng thấy trình tự, thủ tục để xử phạt phức tạp, người bị xử phạt không có khả năng nộp phạt lại tặc lưỡi cho qua; Hoặc lấy lý do còn phải chăm lo, tập trung giải quyết những vấn đề khác quan trọng hơn nên không đủ nguồn lực thực hiện kiểm tra, xử phạt đối với hành vi xả rác.

Thế nhưng, song song với công tác quản lý, thực thi pháp luật lỏng lẻo là sự ích kỷ và vô tâm của một bộ phận người dân hiện nay. Hành vi xả rác bừa bãi đó chính là thói ứng xử tuỳ tiện của đa số người Việt. Nên cho dù ngoài đường có rất nhiều thùng rác, nhưng vẫn không thể chứa đựng hết thói hư tật xấu, khi mà người ta chỉ muốn sạch nhà mình còn nhà người khác và không gian chung thì mặc kệ, cũng như họ chẳng màng đến sự khó chịu của người khác.

Thói ích kỷ đó không chỉ tồn tại qua việc xả rác, tiểu bậy, mà thời gian qua đã có quá nhiều sự việc khiến cho chúng ta chỉ nghĩ thôi cũng phải rùng mình. Ví như chuyện rau quả phun thuốc sâu, thuốc bảo vệ thực vật một cách vô tội vạ, thậm chí dùng dầu nhớt để tưới cho rau. Rồi lợn, gà nuôi bằng những loại cám tăng trọng, siêu nạc… Tất cả những thứ đó, người Việt đã quá lạm dụng và biến thức ăn hàng ngày thành thứ “vũ khí giết người” thầm lặng. Hoặc chuyện không chịu nhường đường khi lái xe, hay không tuân thủ theo đèn giao thông..v..v.

Rõ ràng, trong ý niệm của những người nhiễm “thói ích kỷ”, không thể nào tồn tại hai tiếng sẻ chia. Họ không coi trọng lợi ích của tập thể hay quyền lợi của người khác. Sẵn sàng thờ ơ với cộng đồng, thờ ơ với những người sống xung quanh. Hơn thế nữa, họ sẵn sàng vì quyền lợi của mình mà bỏ qua lợi ích chung của tập thể, hoặc thậm chí là gây tổn hại cho người khác.

Thói xấu này vẫn đang tồn tại như một xu thế của xã hội hiện đại, nhất là khi  chủ nghĩa thực dụng lên ngôi. Con người bị cuốn vào vòng xoáy của dành giật, bon chen và những toan tính vật chất. Nơi mà ích kỷ trở thành lối sống của con người thì tình yêu và sự sẻ chia sẽ không còn đất sống. 

Chính vì thế, nếu ai đó hỏi tôi rằng: Đâu là một đặc tính văn hóa lây truyền như virút ở người Việt? Tôi sẽ không ngần ngại trả lời đó là: Văn hóa ích kỉ! Có thể, dùng từ “văn hóa” sẽ quá nặng ở thời điểm bấy giờ, nhưng thói ích kỉ đang ở trong tình trạng “lằn ranh đỏ” của “văn hóa” khi nó đang thấm vào trong máu và tim của số đông người dân, thì chúng ta chẳng biết được chuyện gì sẽ đến với dân tộc Việt ở phía trước.

Do đó, chuyện “bêu tên” những người vứt rác như vậy cần thiết và nên nhân rộng để bản thân mỗi người tự nâng cao ý thức vì cuộc sống chung của cả cộng đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
"Bêu tên" người xả rác vô ý thức: Nên hay không?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO