Sau hơn 5 năm triển khai Nghị quyết số 28- NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về cải cách chính sách BHXH (Nghị quyết số 28), vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp cũng như nhận thức của người dân tại tỉnh Ninh Bình về chính sách BHXH ngày càng được nâng cao, góp phần gia tăng số người tự nguyện tham gia.
Phó Giám đốc BHXH tỉnh Ninh Bình Đinh Nho Khánh cho biết: Những năm qua, BHXH luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, BHXH Việt Nam và sự phối hợp của các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 28. Cùng với đó, hệ thống chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN ngày càng được hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, tạo thuận lợi trong việc triển khai thực hiện tại địa phương.
Công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BHXH tại tỉnh Ninh Bình được đẩy mạnh, sâu rộng, tác động mạnh mẽ đến nhận thức và hành động của các cấp, các ngành, các tổ chức, tạo sự hiểu biết sâu rộng cho người lao động về quyền lợi và nghĩa vụ tham gia BHXH. Kết quả, số người tham gia BHXH, BHYT, BHTN không ngừng tăng lên, đạt và vượt kế hoạch được giao hằng năm; quyền lợi của người tham gia BHXH, BHYT được đảm bảo, công tác chăm sóc sức khỏe của Nhân dân ngày càng được nâng cao.
Trong quá trình triển khai thực hiện, BHXH tỉnh đã bám sát Chương trình hành động của Tỉnh ủy; Kế hoạch triển khai của UBND tỉnh, của BHXH Việt Nam, tham mưu với UBND tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT và quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo. Trên cơ sở đó, 8/8 huyện, thành phố đã ban hành Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT của huyện, thành phố. Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT của tỉnh, huyện đã phát huy vai trò trong chỉ đạo đẩy mạnh công tác phát triển người tham gia tại các địa phương.
Hàng năm, BHXH tỉnh đã phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư ban hành Quyết định giao chỉ tiêu hướng dẫn kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, trong đó đã giao chỉ tiêu phát triển người tham gia BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện, BHYT, BHTN đến từng huyện, thành phố. Đồng thời, chỉ đạo BHXH các huyện, thành phố tham mưu cho Chủ tịch UBND huyện, thành phố xây dựng Kế hoạch và giao chỉ tiêu người tham gia BHXH, BHYT trên địa bàn đến từng xã, phường, thị trấn.
Đến nay, các huyện, thành phố đã tham mưu cho Chủ tịch UBND huyện, thành phố giao chỉ tiêu phát triển người tham gia BHXH, BHYT đến từng xã, phường, thị trấn. Kết quả sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 28 và Chương trình hành động của Tỉnh ủy, chính sách BHXH trên địa bàn tỉnh đã thể hiện được vai trò là chính sách trụ cột trong hệ thống an sinh xã hội.
Nổi bật là công tác phát triển số người tham gia BHXH, BHTN, với mục tiêu thực hiện BHXH cho mọi người lao động và BHYT toàn dân, BHXH tỉnh đã tham mưu với Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh chỉ đạo cấp ủy, chính quyền địa phương đưa mục tiêu, kế hoạch thực hiện lộ trình BHXH, BHYT toàn dân vào nghị quyết của cấp ủy, HĐND các cấp và chương trình phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương; giao chỉ tiêu phát triển người tham gia BHXH, BHYT cụ thể đến cấp xã; đưa các chỉ tiêu thực hiện chính sách BHXH, BHYT vào nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội hằng năm, xem đây là một trong những tiêu chí đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị.
Kết quả, số người tham gia BHXH, BHYT, BHTN đều tăng qua các năm. Năm 2023, số người tham gia BHXH đạt 173.045 người, đạt 100,9% chỉ tiêu BHXH Việt Nam giao, chiếm 32,9% lực lượng lao động tham gia BHXH. Trong đó, số người tham gia BHXH bắt buộc là 148.520 người, đạt 100,2% kế hoạch, chiếm 28,2% lực lượng lao động tham gia BHXH; số người tham gia BHXH tự nguyện là 24.525 người, đạt 105,1%, chiếm 4,7% lực lượng lao động tham gia BHXH. Số người tham gia Bảo hiểm thất nghiệp là 170.992 người, đạt 100,5% kế hoạch, chiếm 26,8% lực lượng lao động. Số người tham gia BHYT là 948.573 người, đạt 100,1% kế hoạch; đạt 93,85% tỷ lệ bao phủ dân số.
Công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC), nâng cao chất lượng phục vụ, tạo môi trường thuận lợi, minh bạch và cắt giảm tối đa về thời gian, chi phí cho công dân, tổ chức, doanh nghiệp khi thực hiện TTHC về BHXH. BHXH Ninh Bình bám sát các quy định của BHXH Việt Nam và của địa phương trong công tác cải cách TTHC, luôn tuân thủ theo đúng quy định về giải quyết TTHC của BHXH Việt Nam, không phát sinh thêm thủ tục, giấy tờ; đồng thời rà soát, rút ngắn thời gian giải quyết các TTHC, tạo thuận lợi nhất cho tổ chức và cá nhân tham gia.
BHXH tỉnh đã áp dụng 3 hình thức tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả TTHC, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp khi tham gia giao dịch với cơ quan BHXH, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại, chờ đợi nộp hồ sơ, gồm: Giao dịch trực tiếp tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả TTHC tại cơ quan BHXH, Trung tâm phục vụ hành chính công các cấp; giao dịch điện tử (doanh nghiệp nộp hồ sơ 24 giờ/ngày, 7 ngày/tuần); qua dịch vụ bưu chính công ích (doanh nghiệp không phải trả phí).
Đến nay, toàn tỉnh có 3.664 đơn vị sử dụng lao động đăng ký giao dịch BHXH điện tử, đạt 93,4% trên tổng số đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn. Số đơn vị sử dụng lao động có chữ ký số là 3.474 đơn vị, đạt 94,8% trên tổng số đăng ký giao dịch điện tử. Tỷ lệ hồ sơ giao dịch điện tử hàng tháng luôn đạt trên 94%.
Đặc biệt, thực hiện chỉ đạo của BHXH Việt Nam và UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện Đề án 06 của Chính phủ, về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022- 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
BHXH tỉnh đã thành lập Tổ công tác triển khai Đề án và Chương trình hành động thực hiện Đề án 06. Kết quả, đến hết năm 2023, đã đồng bộ Định danh cá nhân căn cước công dân cho 898.339 người, trên tổng số 907.967 người, cơ quan BHXH quản lý cấp thẻ BHYT, tỷ lệ đồng bộ Định danh cá nhân căn cước công dân đạt 99%. 100% cơ sở khám, chữa bệnh BHYT triển khai thực hiện khám chữa bệnh bằng căn cước công dân.
Trong năm 2023, có 495.650 lượt người sử dụng căn cước công dân gắn chíp đi khám, chữa bệnh; trong đó số lượt tra cứu thành công là 377.004 lượt, tỷ lệ số người sử dụng căn cước công dân khám, chữa bệnh là 28,9%. Đẩy mạnh việc triển khai 2 dịch vụ công là Đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi và "Đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, hưởng chế độ tử tuất (trợ cấp tuất và trợ cấp mai táng)" trên Cổng dịch vụ công quốc gia...
Để tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 28 về cải cách chính sách BHXH, thời gian tới, ngành BHXH Ninh Bình tập trung vào nhiệm vụ tuyên truyền, triển khai các chính sách mới, có sự thay đổi đến các tầng lớp nhân dân; phát động và tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước do BHXH Việt Nam và địa phương phát động, quán triệt đến toàn thể công chức, viên chức, người lao động trong ngành nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
Cùng với đó, giao chỉ tiêu, nhiệm vụ cho từng cơ quan, đơn vị trong ngành phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch thu, giảm nợ, phát triển người tham gia BHXH, BHYT; thực hiện cài đặt, đăng ký và sử dụng ứng dụng VissID-BHXH số; thi đua triển khai cập nhật số định danh cá nhân căn cước công dân của người tham gia BHXH, BHYT, xác thực với dữ liệu quốc gia về dân cư...