Phân tích - Bình luận

"Bí mật" đằng sau quyết định đóng cửa USAID

Trương Khắc Trà 14/02/2025 04:07

Đến nay, chưa một Tổng thống Mỹ nào có khả năng làm giảm nợ công. Đóng cửa USAID có thể giải quyết được tình trạng này?

Nợ công của mỹ qua các thời kỳ (Ảnh Statista)
Nợ công của Mỹ qua các thời kỳ (Ảnh Statista)

Bên cạnh thuế quan thương mại, Tổng thống Donlad Trump và cộng sự trong nội các mới thực sự đã làm "nóng" toàn cầu bởi các quyết định cắt giảm chi tiêu, viện trợ phát triển tại hàng trăm quốc gia. Đằng sau đó là gì?

Mỹ là nền kinh tế… nợ nhiều nhất thế giới. Con số nợ mới nhất của Mỹ được ông trùm đầu tư tài chính Ray Dalio công bố là 36,22 nghìn tỷ USD. Trong đó, 28,8 nghìn tỷ USD là nợ dưới hình thức giấy tờ có giá do cá nhân, tập đoàn, chính quyền tiểu bang hoặc địa phương, Cục dự trữ Liên bang, chính phủ nước ngoài và các tổ chức khác bên ngoài năm giữ.

Nợ quá nhiều nghĩa là chính phủ chi nhiều hơn cho các khoản thanh toán lãi suất và dễ bị tổn thương về mặt kinh tế hơn trong trường hợp xảy ra khủng hoảng kinh tế. Điều này cũng dẫn đến lạm phát cao hơn và tạo ra gánh nặng cho các thế hệ tương lai.

Ray Dalio đã phát biểu tại một hội nghị ở Dubai rằng: “Tôi muốn cảnh báo mọi người, đặc biệt là các quan chức chính phủ. Nếu xảy ra một 'cơn đau tim' về kinh tế, hoặc một 'cơn đau tim' của thị trường trái phiếu, thì bạn biết ai chịu trách nhiệm, vì điều đó có thể xảy ra”.

Thâm hụt ngân sách hiện nay của nền kinh tế lớn nhất thế giới đạt 7,5% GDP, mục tiêu đưa nó về 3% mới là ngưỡng an toàn. Và con đường ngắn nhất để đạt được mục tiêu này không gì khác cắt giảm tối đa chi phí, đồng thời tăng năng suất lao động.

Ray Dalio là nhà sáng lập quỹ đầu tư Bridgewater Associate - một trong những tổ chức đầu tư tài chính lớn nhất thế giới. Theo Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ, tính đến tháng 9/2023, quỹ này nắm giữ 171,7 tỷ đô la Mỹ.

Phe đối lập biểu tình phản đối đóng cửa USAID (Ảnh Slate)
Phe đối lập biểu tình phản đối đóng cửa USAID (Ảnh Slate)

Elon Musk, người điều hành Bộ hiệu suất chính phủ Mỹ đã công bố hàng loạt danh mục chi tiêu thông qua USAID từ trước tới nay, ông cho rằng phần lớn trong số chúng không thỏa đáng.

Với những gì thực tế cho thấy, rất nhiều khoản đầu tư, viện trợ của chính phủ Mỹ ra bên ngoài mang lại hiệu quả gián tiếp cho sức mạnh “mềm” cường quốc nói chung và kinh tế nói riêng.

Ví dụ, hàng nghìn tỷ USD chi cho cuộc chiến nhiều năm tại Trung Đông đã giúp Mỹ kiểm soát nguồn cung dầu mỏ, duy trì hệ thống “Petrodollars”, hiệu quả mang lại không thể nào đo đếm hết bằng con số.

Hoặc, việc viện trợ Ukraine đã kéo châu Âu xích lại gần hơn với Washington; châu Âu từ chỗ mua dầu mỏ, khí đốt Nga đã chuyển sang nhập khẩu LNG từ Mỹ; đánh bật Nga và Saudi Arabia - soán ngôi quốc gia sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới.

Ngày 10/2, ông Donald Trump nói trong cuộc phỏng vấn với Fox News rằng “Ukraine có tiềm năng rất lớn về đất hiếm, về dầu khí. Tôi muốn Mỹ được đảm bảo về tiền bạc vì chúng ta đang chi hàng trăm tỷ USD. Họ có thể đạt thỏa thuận, hoặc không”. Cái chính là Tổng thống Mỹ muốn Ukraine bán tài nguyên đất hiếm, đổi lấy 500 tỷ USD dưới danh nghĩa viện trợ.

Và rất nhiều chương trình tài trợ giúp Mỹ “đánh bóng” hình ảnh cường quốc có trách nhiệm với hòa bình, thịnh vượng; cũng như chung tay giải quyết nhiều vấn đề toàn cầu.

Mỹ có thể sẽ tiếp tục các hoạt động nói trên dưới nhiều hình thức khác nhau để duy trì vị thế của mình. Điều này sẽ khiến nợ công của Mỹ sẽ ngày càng phình to. Do đó, việc đóng cửa USAID cũng không thể làm giảm nợ công của Mỹ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
"Bí mật" đằng sau quyết định đóng cửa USAID
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO