Theo đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc (KCCI), để dòng vốn FDI của Hàn Quốc vào Việt Nam đi vào chất, Việt Nam nên tập trung vào thu hút các dự án quy mô lớn, sản phẩm có tính cạnh tranh cao, tham gia chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu, ....
Lợi thế của Việt Nam
Dòng vốn đầu tư của doanh nghiệp Hàn Quốc vào Việt Nam được kỳ vọng sẽ đi vào thực chất và hiệu quả hơn trong thời gian tới. Theo đó, sản xuất ô tô, chế tạo máy, hóa dầu sẽ là những lĩnh vực được doanh nghiệp Hàn Quốc đẩy mạnh đầu tư sản xuất và hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam.
Ngoài ra, nhà đầu tư Hàn Quốc sẽ tiếp tục đầu tư vào những công đoạn cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu như nghiên cứu phát triển cũng như các lĩnh vực mới yêu cầu kỹ thuật cao hơn cơ khí chính xác, công nghệ thông tin, năng lượng tái tạo và đô thị thông minh; kể cả đầu tư vào hoạt động IPO của doanh nghiệp Việt Nam.
Đây là những thông tin được đưa ra tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp cùng Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc (KCCI) tổ chức mới đây.
Theo ông Yongmaan Park, Chủ tịch KCCI, những lợi thế giúp Việt Nam trở thành “thỏi nam châm” thu hút FDI của Hàn Quốc chính là tăng trưởng kinh tế cao và ổn định; các chi phí đầu tư, sản xuất cạnh tranh; chính sách mở cửa, ưu đãi đầu tư hấp dẫn.
Minh chứng cụ thể cho điều này, ông Park đã lấy ví dụ về chi phí thuê mặt bằng bán lẻ tại Việt Nam tính theo địa phương khảo sát là TP.Hồ Chí Minh có giá 33 USD/m2/tháng, còn ở các nước như Thái Lan là 45 USD/m2 và Bắc Kinh là 164 USD/m2/tháng. Như vậy có thể thấy rằng, chi phí kinh doanh ở Việt Nam đang rất có lợi cho các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, lương tối thiểu của lao động Việt Nam là 123 USD/tháng cũng thấp hơn so với BangKok là 271,8 USD/tháng và Bắc kinh là 255 USD/tháng. Ngoài ra, thuế thu nhập doanh nghiệp 20% và thuế VAT 10% của Việt Nam cũng ở mức thấp thứ 2 trong số các nước trong khu vực ASEAN.
Chính sách đầu tư nhất quán
Cũng theo đại diện của KCCI, môi trường kinh doanh Việt Nam càng trở nên hấp dẫn hơn khi Việt Nam là thành viên được hưởng lợi nhất từ Hiệp định Đối tác toàn diện và toàn bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Với khoảng 250 chuyến bay/tuần kết nối giữa Việt Nam – Hàn Quốc, mối quan hệ đầu tư và giao thương của doanh nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc ngày càng thuận lợi hơn.
Hiện nay, Hàn Quốc là nhà đầu tư tiên phong cho dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam với hơn 6.700 dự án với tổng mức đầu tư đạt 58,8 tỷ USD.
Bên cạnh Hiệp định định tự do thương mại Việt Nam- Hàn Quốc (VKFTA), VCCI và KCCI cũng đã có thoả thuận hợp tác mới bên cạnh các cơ chế hợp tác vốn có như Uỷ ban hợp tác kinh tế Việt Nam – Hàn Quốc, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc nhằm hưởng ứng chính sách hướng Nam của Hàn Quốc.
Tuy nhiên, theo đại diện KCCI, để dòng vốn FDI vào Việt Nam đi vào chất, Việt Nam nên tập trung vào thu hút các dự án quy mô lớn, sản phẩm có tính cạnh tranh cao, tham gia chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu; khuyến khích các dự án công nghiệp chuyển dần từ gia công sang sản xuất, dự án phát triển kết cấu hạ tầng (PPP), đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu và phát triển; dự án công nghệ thông tin và công nghệ sinh học phụ vụ nông nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao.
Ngoài ra, Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách liên quan đến đầu tư theo hướng nhất quán, công khai, minh bạch, có tính dự báo phù hợp chuẩn quốc tế.