Theo khảo sát của JBIC, trong trung và dài hạn, Việt Nam đang đứng thứ 2 trong số các quốc gia mà các doanh nghiệp Nhật Bản muốn đầu tư nhất.
Tuy nhiên “bí quyết” nào để giúp doanh nghiệp hai bên dễ dàng tìm được “tiếng nói chung”, đi đến hợp tác… Tất cả đã được chia sẻ, thảo luận tại hội nghị hợp tác kinh doanh Việt Nam – Nhật Bản vừa được Ngân hàng Phương Đông (OCB) tổ chức mới đây tại TP.HCM.
Thực tế cho thấy, quá trình M&A giữa doanh nghiệp SME Việt Nam và Nhật Bản vẫn còn nhiều “rào cản” do những yếu tố khác biệt về chính trị, quy định, kinh tế, văn hóa, lịch sử, ngôn ngữ, đặc thù doanh nghiệp, phương thức quản trị và khả năng tài chính. Cụ thể, tuổi đời doanh nghiệp Nhật Bản trung bình 34 năm, trong khi tuổi đời trung bình của doanh nghiệp Việt Nam chỉ khoảng 10 năm. Vì lẽ đó, chủ sở hữu các doanh nghiệp Nhật Bản hầu hết là thế hệ thứ 4 đến thứ 5 (độ tuổi 50-60), trong khi ở Việt Nam đang ở thế hệ đầu tiên ở độ tuổi 30 – 34. Điều này sẽ tạo ra sự khác biệt khi ra các quyết định điều hành kinh doanh. Hoạt động quản trị của doanh nghiệp SME Việt Nam cũng còn khá thủ công, quản lý tài chính trên sổ sách chứng từ và chưa được số hóa. Bên cạnh đó, để tiếp cận được vốn vay ngân hàng, phần lớn phải có tài sản bảo đảm nên năng lực tài chính doanh nghiệp chưa đáp ứng được kỳ vọng của các nhà đầu tư.
“Phân khúc SME tại Việt Nam tuy chiếm tỷ trọng rất lớn đến 95% số lượng doanh nghiệp đang hoạt động (tính đến tháng 6/2024), nhưng còn khá non trẻ. Cụ thể, trên 80% doanh nghiệp SME thành lập dưới 3 năm; tỷ lệ ghi nhận có lãi trên báo cáo thuế liên tục 2 năm là dưới 1%”. Điều này nói lên “lực chịu đựng” của phân khúc này trong điều kiện khó khăn bị mỏng và trở thành phân khúc dễ bị ảnh hưởng, dễ bị “tổn thương” nhất”, ông Lê Đăng Khoa – Giám đốc Khối khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) OCB chia sẻ tại sự kiện.
Tất cả những điều này dẫn đến việc doanh nghiệp SME khá khó khăn để gây dựng lòng tin với các nhà đầu tư và ảnh hưởng trực tiếp tới quyết định đầu tư.
“Để xử lý được những vấn đề trên, mở ra cánh cửa đầu tư từ các doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam thì các doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp SME nói riêng cần áp dụng các chuẩn mực quốc tế nhằm tăng độ tin cậy và tính minh bạch, tạo ra cơ hội để chứng minh với ngân hàng để nhận được các khoản vay dài hạn. Song song đó, tìm kiếm con đường thâm nhập vào thị trường Nhật Bản, tiếp nhận những thương hiệu, công nghệ từ Nhật Bản…” ông Jun Okuda - Giám đốc Đầu tư Công ty quản lý Quỹ cổ phần tư nhân Daiwa Corporate Investment nêu giải pháp.
Thực tế, các khoản vay đầu tư kinh doanh tại Nhật Bản thường có lãi suất rất thấp, đa dạng nhà đầu tư, thông qua việc hợp tác và liên doanh giữa các doanh nghiệp hai nước, sẽ mang đến những cơ hội tiếp cận các nguồn vốn tốt, phù hợp với định hướng của doanh nghiệp Việt. Đặc biệt, các doanh nghiệp cũng có thể tìm kiếm cơ hội phát triển trên sàn giao dịch Chứng khoán Nhật Bản - sàn giao dịch Tokyo. Đây là một trong các sàn giao dịch tốt nhất hiện nay giữa các nước Châu Á.
Hiện nay một số doanh nghiệp Việt Nam đã có kế hoạch lên sàn giao dịch chứng khoán Tokyo, đây có thể là một cú hích cần thiết để các doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai. Việc này cũng sẽ tạo ra lợi thế cạnh tranh với các đối thủ trong thị trường và tạo nên nguồn doanh thu tăng trưởng lớn hơn.
“Tại OCB, với mục tiêu chiến lược tập trung vào việc hỗ trợ doanh nghiệp SME, ngân hàng đã tiến hành xây dựng các gói giải pháp tài chính với định hướng - Trọn một hành trình đồng hành cùng doanh nghiệp. Theo đó, OCB sẽ không chỉ cung cấp sản phẩm riêng lẻ đơn thuần, cụ thể là những khoản tín dụng, mà còn tập trung cung cấp gói giải pháp tài chính toàn diện từ hỗ trợ khoản vay, quản lý dòng tiền, tư vấn các giải pháp giúp doanh nghiệp tận dụng công nghệ để kết nối hệ sinh thái giữa doanh nghiệp – khách hàng – đối tác, tối ưu trải nghiệm khách hàng và hiệu quả quản trị tài chính. Những gói giải pháp này sẽ được OCB thiết kế theo từng nhu cầu, đặc trưng riêng của khách hàng.” Ông Khoa nhấn mạnh thêm.
Được biết, OCB hiện có đội ngũ nhân sự FDI chuyên nghiệp, thông thạo nhiều ngôn ngữ, và cung cấp dịch vụ “hỗ trợ một cửa” thông qua các kênh Japan Desk, Korean Desk, Taiwan Desk và MNC Desk. Điều này cho phép OCB cung cấp các giải pháp tài chính toàn diện cho khách hàng như quản lý tài khoản, dòng tiền, thanh khoản, tài trợ thương mại, và mua bán ngoại hối.
Hiện tại, OCB và AOZ đang kinh doanh rất thành công với phân khúc khách hàng doanh nghiệp Nhật Bản và Hàn Quốc, dự kiến sẽ tiếp tục mở rộng mạnh mẽ trong thời gian tới.