Vivo là nhà sản xuất điện thoại đứng thứ 5 thế giới trong quý 1 năm 2019. Các phát minh trong công nghệ đã góp phần không nhỏ cho thành công của họ.
Ban đầu, Vivo là OEM các sản phẩm điện thoại cố định, điện thoại không dây và linh kiện cho điện thoại di động.
Ngày nay, các ông lớn điện thoại liên tục ra mẫu mới và dùng từ “cải tiến” để tô điểm cũng như nâng giá chiếc smartphone của mình. Vài năm gần đây, công ty có nhiều cải tiến thực sự thú vị đưa ra thị trường mà không phải là của Apple hay Samsung - hai hãng có chỗ đứng vững chắc trong tâm trí người tiêu dùng.
Hàng loạt cải tiến thú vị
Vivo là nhà sản xuất điện thoại đứng thứ 5 thế giới trong quý 1 năm 2019 với 23,2 triệu chiếc xuất xưởng. Các phát minh trong công nghệ đã góp phần không nhỏ cho thành công của họ, một công ty mới thành lập từ năm 2009, bắt đầu sản xuất điện thoại di động thông minh từ năm 2012 với thị trường chủ yếu ở châu Á.
Liệt kê một số cải tiến của họ, một công ty còn ít tuổi và xuất thân từ một OEM (nhà sản xuất phụ tùng gốc) Trung Quốc như:
Năm 2018, Vivo là công ty đầu tiên đưa công nghệ quét vân tay vào trong màn hình cảm ứng: Tại CES 2018, Vivo đã giới thiệu chiếc điện thoại đầu tiên có cảm biến vân tay vô hình được nhúng bên dưới màn hình - Vivo X20 Plus UD Nỗ lực tăng tỉ lệ màn hình / mặt trước điện thoại đạt thành tựu mới, tăng vẻ đẹp cho mặt trước điện thoại lên nhiều.
Sáng kiến này giúp các nhà sản xuất không phải đưa cảm biến vân tay vào mặt sau điện thoại nữa. Thú vị hơn, tại MWC 2018, họ còn giới thiệu chiếc điện thoại concept Apex Full View với vùng cảm biến vân tay có kích thước lớn, khiến người dùng có thể đặt ngón tay trong một diện tích rất lớn ở màn hình theo công nghệ “Half-Screen In-Display Fingerprint Scanning Technology” giúp việc mở khoá điện thoại thuận tiện, nhanh chóng.
Nếu chiếc Apex Full View này đưa vào sản xuất thực tế, nó có tỉ lệ màn hình / thân máy là 98%, so với 87% là thành tích cao nhất hiện nay của chiếc OPPO Find X (cũng là anh em trong tập đoàn BBK của VIVO).
Cùng năm 2018, Vivo tung ra chiếc điện thoại có camera pop-up đầu tiên: Vivo NEX . Khi chạm vào ứng dụng máy ảnh và chuyển sang chế độ máy ảnh selfie, bảng điều khiển hình vuông chứa ống kính 8 MP (f/2.0) sẽ tự động trượt lên theo chiều dọc, sẵn sàng cho các bạn “tác nghiệp”. Camera pop-up cũng để phục vụ cho mục tiêu tối đa hoá màn hình cảm ứng, khiến ngoại hình chiếc điện thoại càng trở nên sang trọng, tối giản, thay thế các thuật ngữ “tai thỏ”, “nốt ruồi” bắt đầu trở thành nhàm chán.
Vivo tuyên bố cơ chế trượt này có thể trượt lên trượt xuống 50.000 lần liên tục, chịu được lực 450N khi mở rộng. Nếu đảm bảo được độ bền của cơ chế trượt lên xuống, đây sẽ là xu hướng tất yếu của camera selfie trong tương lai.
Các năm trước đó, Vivo cũng là người tiên phong trong lĩnh vực âm thanh và màn hình điện thoại. Năm 2012, họ giới thiệu chiếc XPlay. Đây là chiếc điện thoại thông minh HI-FI đầu tiên trên thế giới có tích hợp chip xử lý âm thanh trên các bộ loa chuyên nghiệp, hi vọng người tiêu dùng Việt Nam có ai đó đã được thử.
Năm 2012 có lẽ nhiều người còn chưa biết tới cái tên Vivo. Năm 2013 thì Xplay 3S là smartphone đầu tiên có màn hình 2K và chíp âm thanh ESS ES9018 -một trong những chip âm thanh hàng đầu.
Thành công đến từ đâu?
Vivo (thành lập 2009), Oppo (thành lập 2004) và mới đây là One Plus, Realme đều là sản phẩm của tập đoàn BBK Electrics. BBK giờ là nhà sản xuất điện thoại top 3 thế giới (sau Samsung, Huawei và trên Apple, nếu tính đầy đủ các thương hiệu).
Ban đầu, Vivo là OEM các sản phẩm điện thoại cố định, điện thoại không dây và linh kiện cho điện thoại di động. Cho tới năm 2011 họ mới chính thức sản xuất và đưa ra thị trường điện thoại thông minh mang thương hiệu Vivo.
Đến năm 2015 họ đã nằm trong top 5 các hãng điện thoại và có thể là ví dụ điển hình cho các thương hiệu điện thoại Việt tham khảo. Bên cạnh việc đầu tư cho Nghiên cứu và Phát triển các sản phẩm, chiến dịch marketing & bán hàng của Vivo và Oppo có nhiều điểm chung:
Bán từ “địa phương” tới “trung ương”: Họ tập trung khai thác các khách hàng từ khu vực nông thôn trước rồi mới tới các thành phố lớn, mức sống cao. Kênh bán hàng chủ yếu là qua hệ thống cửa hàng. Giá sản phẩm: Giá luôn rất tốt so với thông số kỹ thuật của điện thoại.
Định vị tính cách sản phẩm: điện thoại selfie cho giới trẻ, nghe nhạc ổn. Đúng hai tính năng giới trẻ sử dụng nhiều nhất.
Mạng xã hội và người nổi tiếng: họ chăm chút fanpage và hợp tác với người nổi tiếng để quảng bá sản phẩm như Quang Hải, Trấn Thành, hay cực kỳ thành công với Oppo là Sơn Tùng – MTP. Ở Việt Nam Vivo chưa đạt thành công với chiến thuật này như ở Ấn Độ, thị trường lớn nhất của họ.
Tại Ấn Độ, Vivo là nhà tài trợ cho giải IPL (giải vô địch cricket Ấn Độ) – môn thể thao được giới trẻ ưa thích nhất. Đại sứ thương hiệu cho Vivo là Aamir Khan, một trong những diễn viên nổi tiếng nhất Bollywood.
Sự nhất quán về đầu tư R&D (Nghiên cứu & Phát triển) cùng với chính sách bán hàng đã đem lại thành công cho Vivo nói riêng và cho BBK tập đoàn mẹ nói chung. Nếu không có smartphone, doanh số BBK tại mảng kinh doanh truyền thống (tivi, máy nghe nhạc, máy ảnh kỹ thuật số) giờ không đáng kể.
Đã qua rồi cái thời mà điện thoại Trung Quốc giống như một “định kiến” khó từ bỏ tại Việt Nam. Bây giờ, tuy 2 ông lớn Samsung và Apple vẫn thể hiện sức mạnh vượt trội, các công ty Trung Quốc, không chỉ có Vivo mà còn cả Huawei, OPPO hay Xiaomi đều đã khẳng định được thương hiệu ở nước ta.