“Bí quyết tồn tại” của nền quân chủ trong thế giới hiện đại

TRƯỜNG ĐẶNG 05/05/2023 03:30

Khi nước Anh chuẩn bị đón chào Vua Charles III trong một buổi lễ có niên đại 1.000 năm, chế độ quân chủ tiếp tục đối mặt với một câu hỏi hóc búa: làm thế nào để tồn tại trong thế giới hiện đại?

Lễ đăng quang của Vua Charles III thu hút sự chú ý không chỉ ở Anh mà còn cả thế giới

Lễ đăng quang của Vua Charles III thu hút sự chú ý không chỉ ở Anh mà còn cả thế giới

Trong thế giới số, hình ảnh những vị vua chúa với xe ngựa và đoàn tùy tùng phô trương đang trở nên xa lạ. Hầu hết các chế độ quân chủ đã dần biến mất sau các cuộc cách mạng dân chủ từ thế kỷ 19 tới nay. Tại châu Âu, thế chiến thứ nhất và thứ hai nổ ra cũng là hồi kết cho nhiều chính quyền chuyên chế.

>>Lúa mỳ Ukraine - "ngọn lửa" âm ỉ mới trong lòng châu Âu

Thế nhưng, tại sao một số quốc gia châu Âu, gồm Đan Mạch, Na Uy, Thụy Điển, Bỉ, Hà Lan, Luxembourg, Tây Ban Nha và Vương quốc Anh, vẫn tồn tại song song giữa nhà nước dân chủ và quân chủ? Câu trả lời là họ đã thích nghi để trở nên phù hợp hơn với thế kỷ 21, như nghiên cứu của GS. Robert Hazell và TS. Bob Morris từ Đại học London chỉ ra.

Thứ nhất, các gia đình hoàng gia ngày nay tồn tại bằng cách cho phép quyền lực chính trị của họ giảm xuống bằng không và tìm cách gắn bó sâu sắc với người dân. Hầu hết các nhà vua, nữ hoàng đều giữ thái độ trung lập một cách thận trọng với các vấn đề chính trị gây tranh cãi.

Trong một thế giới dân chủ nơi nhiều nhóm người có quyền quyết định, các vị hoàng đế quá can thiệp vào chính trị sẽ vấp phải sự phản kháng, điển hình như Vua Christian X của Đan Mạch hay Đại công tước Henri của Luxembourg bị tước vai trò lập pháp vào năm 2008.

Trong khi đó, gia đình Hoàng gia Anh, đặc biệt là cố Nữ hoàng Elizabeth II, hầu như luôn duy trì truyền thống xa rời chính trị trong khi ủng hộ các lợi ích của cộng đồng như đói nghèo hay biến đổi khí hậu. Điều này khiến bà luôn nhận được tình cảm lớn cả trong và ngoài nước.

Nhà nghiên cứu hoàng gia, Richard Fitzwilliams từng nhận xét: “Nữ hoàng là tấm vải trắng tuyệt vời, mà trên đó người Anh có thể thể hiện quan điểm và nhận thức của riêng họ”.

Thứ hai, các gia đình hoàng gia hiện đại đang cố gắng duy trì một quy mô nhỏ gọn hơn. Số lượng gia đình hoàng gia càng lớn thì nguy cơ gặp rắc rối của các thành viên cũng tăng theo, nhất là khi cuộc sống của họ luôn thu hút sự chú ý lớn của dư luận.

Điển hình ở Na Uy, gia đình hoàng gia chỉ bao gồm bốn người: Nhà vua và Hoàng hậu, Thái tử và Công chúa. Hoàng gia Tây Ban Nha chỉ bao gồm Nhà vua và Hoàng hậu dù quốc gia có dân số gấp mười lần Na Uy.

Hoàng gia Anh cũng là điển hình của vấn đề này. Những tranh cãi xung quanh hoàng tử Harry và vợ khiến cả gia tộc bất đồng và tranh cãi, đến mức Harry phải từ bỏ tước vị hoàng gia Anh để ra ở riêng. Đồng thời, những bí mật của hoàng gia bị phơi bày và khai thác quá mức từ giới truyền thông.

>>Tranh cãi tình báo Nga - EU hé lộ nhiều "bí ẩn" ở Biển Bắc

Như các nhà nghiên cứu chỉ ra, những thành viên trong hoàng gia chưa sẵn sàng để đón nhận một thế giới mới bên ngoài – nơi mọi sai lầm dù nhỏ nhất đều có thể bị đưa lên và chỉ trích thậm tệ trên mạng xã hội.

Nữ hoàng Elizabeth II là một biểu tượng của chế độ quân chủ trong thời đại mới

Nữ hoàng Elizabeth II (áo xanh, ngồi giữa) từng là một biểu tượng của chế độ quân chủ trong thời đại mới

Thứ ba, cố gắng tránh những vụ bê bối. Trong thời đại mà tiếng nói công luận có vai trò quyết định, thì những vụ việc gây chú ý có thể đem lại hậu quả nghiêm trọng cho danh tiếng của gia đình hoàng gia, thậm chí là tước vị của nhà vua.

Năm 2011, Vua Juan Carlos của Tây Ban Nha đã giúp chính phủ nước này giành được hợp đồng đường sắt cao tốc trị giá 7 tỷ euro ở Saudi Arabia. Thế nhưng, các công tố viên ở Thụy Sĩ và Tây Ban Nha đã phải điều tra các cáo buộc rằng ông đã nhận 100 triệu USD từ quốc gia Trung Đông. Năm 2014, trước áp lực dư luận, ông đã phải từ bỏ ngai vàng để nhường ngôi cho con trai.

Theo giới chuyên gia, các chính phủ muốn lôi kéo hoàng gia tham gia vào các giao dịch thương mại để tận dụng vị thế của họ, nhưng điều đó có thể gây ra khó khăn hoặc phản tác dụng. Điển hình như Hoàng tử Andrew trên vai trò đặc phái viên thương mại cho Vương quốc Anh, hay vụ bê bối giữa Hoàng thân Bernhard của Hà Lan với hãng Lockheed (Mỹ) năm 1976.

Trong thời hiện đại, sự ủng hộ của công chúng mới là thước đo cho sự tồn tại của các chế độ quân chủ hiện đai. Thông qua các cuộc trưng cầu dân ý, chế độ quân chủ đã chấm dứt ở Ý và Hy Lạp, và được khôi phục ở Tây Ban Nha.

Cho tới nay, sự ủng hộ chế độ quân chủ ở châu Âu vẫn rất cao, với 60- 80% người dân muốn duy trì chế độ quân chủ. Đổi lại, các vị vua phải chịu trách nhiệm lớn hơn với hành động của mình và các thành viên gia đình dù chỉ nhỏ nhất. Để tồn tại trong thời đại mới, họ phải đánh đổi sự tự do và chấp nhận thực tế rằng, tiếng nói của người dân mới là thứ quyết định vận mệnh của cả hoàng gia.

Có thể bạn quan tâm

  • Vương quốc Anh và EU đạt bước ngoặt quan trọng

    Vương quốc Anh và EU đạt bước ngoặt quan trọng

    14:56, 01/03/2023

  • "Đòn bẩy" thương mại đầu tư Việt Nam - Vương quốc Anh

    14:56, 27/08/2022

  • Chủ tịch Quốc hội thăm Vương quốc Anh: Thúc đẩy UKVFTA trong bối cảnh

    Chủ tịch Quốc hội thăm Vương quốc Anh: Thúc đẩy UKVFTA trong bối cảnh "hậu Brexit"

    00:00, 29/06/2022

  • EU tìm cách lôi kéo các

    EU tìm cách lôi kéo các "đồng minh" của Trung Quốc

    04:00, 25/04/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
“Bí quyết tồn tại” của nền quân chủ trong thế giới hiện đại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO