Năm 2017, BIDV nghiêm túc quán triệt phương châm hành động “Kỷ cương - Trách nhiệm - Hiệu quả” và kế hoạch cơ cấu lại toàn diện hoạt động giai đoạn 2016-2020, nỗ lực để hoàn thành kế hoạch kinh doanh đã đề ra.
Lợi nhuận đạt 8.800 tỷ đồng
Trong năm 2017, lợi nhuận trước thuế toàn Ngân hàng đạt 8.800 tỷ đồng, vượt chỉ tiêu của Đại hội đồng cổ đông đề ra. Chênh lệch thu chi đạt kết quả tốt nhất từ trước đến nay là 24.032 tỷ đồng, tăng trưởng 44% so với 2016; Nộp Ngân sách Nhà nước hơn 5.000 tỷ đồng, tiếp tục đứng trong top đầu các doanh nghiệp nộp ngân sách Nhà nước.
Tổng tài sản của ngân hàng đạt 1.176.000 tỷ đồng, tăng trưởng 16,7% so với 2016, chiếm 12,5% tổng tài sản toàn ngành – trở thành Ngân hàng TMCP có quy mô tổng tài sản lớn nhất.
Nguồn vốn huy động tăng trưởng tốt, đáp ứng nhu cầu sử dụng vốn: Tổng nguồn vốn huy động đạt 1.106.517 tỷ đồng, tăng trưởng 17,9% so với 2016; trong đó tiền gửi tổ chức kinh tế và dân cư đạt 934.111 tỷ đồng, tăng trưởng 17,4%, chiếm 12,5% Huy động vốn toàn ngành ngân hàng.
Tín dụng tăng trưởng theo đúng định hướng NHNN, hỗ trợ phát triển kinh tế đất nước và phù hợp với sức hấp thụ vốn của nền kinh tế: Tổng quy mô tín dụng và đầu tư đạt 1.136.778 tỷ đồng, tăng 18% so với 2016; trong đó cho vay nền kinh tế đạt 862.604 tỷ đồng, tăng trưởng 17%, chiếm 13,12% quy mô tín dụng toàn ngành ngân hàng.
BIDV nỗ lực gia tăng nguồn thu dịch vụ, xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm nhằm mở rộng và đa dạng hóa nguồn thu theo yêu cầu của Đề án cơ cấu lại các TCTD tại Quyết định số 1058/QĐ-TTg: Thu dịch vụ ròng đạt 4.290 tỷ đồng, tăng trưởng 14%; Thu nhập ròng từ kinh doanh vốn và tiền tệ lần đầu tiên đạt mốc 2.000 tỷ đồng, cao nhất trong 10 năm qua, tăng trưởng 36,7% so với năm 2016.
Tích cực xử lý nợ xấu
Quán triệt sâu sắc tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết số 42/2017/QH 14 về thí điểm xử lý nợ xấu, Quyết định số 1058/QĐ-TTg về Đề án tái cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016–2020, BIDV đã hoàn thành Phương án cơ cấu lại gắn với công tác xử lý nợ xấu giai đoạn 2017-2020, cụ thể năm 2017 BIDV đã triển khai tái cấu trúc toàn diện, mạnh mẽ, thực chất và hiệu quả trên tất cả các bình diện: cấu trúc tài sản nợ - có; các phân khúc khách hàng; danh mục khách hàng lớn; cấu trúc lại hoạt động các công ty con; liên doanh, liên kết, mạng lưới hoạt động trong và ngoài nước; tinh giản và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển hệ thống trong giai đoạn mới.
BIDV đã xây dựng và triển khai đồng bộ các giải pháp cơ cấu lại giai đoạn 2 (2016-2020) theo Đề án 1058 của Chính phủ, gắn với xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42/2017/QH14, Chỉ thị số 32/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị 06/CT-NHNN của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.
Chú trọng phát triển công nghệ mới
Tiếp tục phát huy vị thế là Ngân hàng giữ vững vị trí số 01 trong suốt 10 năm liên tiếp (từ 2007 đến nay) về chỉ số sẵn sàng cho ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin – truyền thông (VietNam ICT Index), BIDV đã chú trọng đầu tư phát triển ứng dụng công nghệ mới, xây dựng hệ sinh thái dịch vụ Tài chính ngân hàng trong bối cảnh của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Năm 2017, BIDV đã cung cấp ra thị trường nhiều sản phẩm dịch vụ có hàm lượng công nghệ cao như: BUNO – chuyển tiền không cần nhớ số tài khoản, Thanh toán qua Samsung Pay, Chuyển tiền nhanh liên ngân hàng 24/7 trên các kênh internet, di động và ATM, Dịch vụ nộp thuế Hải qua điện tử 24/7, Sản phẩm BIDV SmartBanking; Thanh toán sử dụng QR code; Thẻ dành cho giới trẻ Young+...
Các hoạt động hỗ trợ kinh doanh phục vụ thanh toán trong nước, quốc tế, hạch toán kế toán,... an toàn, liên tục và thông suốt trong môi trường an ninh mạng ngày càng diễn biến phức tạp; vận hành đạt hiệu suất gần 100% và không phát sinh sự cố làm gián đoạn hoạt động trên toàn BIDV. Hệ thống Ngân hàng cốt lõi SIBS quản lý đạt trên10 triệu khách hàng; số lượng giao dịch trong năm 2017 đạt gần 2,5 tỷ giao dịch (tăng trưởng khoảng 30% so với năm 2016), bình quân đạt khoảng 7,2 triệu giao dịch/ngày, trong đó xác lập kỷ lục với 16 triệu giao dịch trong ngày 29/12/2017.