BIDV vừa thông báo đấu giá khoản nợ của Công ty Cổ phần Du lịch Thương mại Nông nghiệp Việt Nam (Agritour) lần thứ 6, với giá khởi điểm hơn 368 tỷ đồng.
Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho biết, tổng dư nợ của Agritour tại ngân hàng này tính đến hết ngày 31/10/2019 xấp xỉ 439 tỷ đồng.
Khoản nợ có tài sản đảm bảo là quyền sử dụng hơn 8.000m2 đất thuộc thửa đất số 50, tờ bản đồ số 51 tọa lạc tại phường 2, TP. Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, với thời hạn sử dụng đến tháng 12/2045.
Giá khởi điểm được BIDV đưa ra cho khoản nợ này là hơn 368 tỷ đồng, tiền cọc trước tương ứng với 20% giá khởi điểm là 73,7 tỷ đồng. Như vậy, mức giá khởi điểm này chỉ bằng gần 84% giá trị của khoản nợ.
Được biết, khoản nợ của Agritour tại BIDV được hình thành từ năm 2015 theo hợp đồng tín dụng hạn mức số 0212/2015/HĐTD. Theo bản công bố thông tin năm 2020 của Agritour, thời hạn vay của khoản nợ trên là 12 tháng kể từ ngày 15/7/2016.
Đến nay, khoản nợ đã quá hạn trả nhiều năm và BIDV đã nhiều lần thông báo đấu giá và giảm giá nhưng vẫn chưa thể thu hồi được.
Vào tháng 9/2019, BIDV đưa ra mức giá khởi điểm hơn 434,77 tỷ đồng cho khoản nợ. Sau đó, vào ngày 3/6 và 21/8/2020, mức giá khởi điểm lần lượt giảm xuống còn 408,5 tỷ đồng và 388,1 tỷ đồng. Trong đợt đấu giá vào ngày 23/9 tới, mức giá khởi điểm chỉ còn khoảng 368,7 tỷ đồng.
Theo bản công bố thông tin của Agritour, tính đến cuối năm 2019, Công ty ghi nhận khoản nợ trên với BIDV và cho biết đây là khoản vay Hợp đồng tín dụng hạn mức số 0214/2015/HĐTD ngày 15/7/2015 và phụ lục gia hạn hợp đồng, thời hạn vay 12 tháng kể từ ngày 15/7/2016.
Mục đích vay vốn là bổ sung vốn lưu động, cấp bảo lãnh và mở L/C, hạn mức cho vay 350 tỷ đồng, lãi suất 9,5%/năm. Tài sản bảo đảm của khoản nợ có giá trị hơn 415 tỷ đồng.
Agritour làm ăn thua lỗ từ năm 2017 đến nay, cụ thể năm 2017 công ty lỗ 67 triệu, năm 2018 lỗ hơn 1,4 tỷ và năm 2019 lỗ tăng lên hơn 2 tỷ đồng. Nguồn thu của Agritour chủ yếu đến từ mảng kinh doanh thương mại xuất nhập khẩu và kinh doanh khách sạn.
Tuy nhiên, Khách sạn Mỹ Lệ đang xuống cấp trầm trọng, lượng khách ngày càng thấp, trong khi Công ty vẫn phải trả các chi phí vận hành. Trong năm 2017 và 2018, Công ty cũng lỗ lần lượt 0,067 và 1,4 tỷ đồng.
Tính đến cuối năm 2019, số dư tiền và tương đương tiền của Agritour chỉ còn khoảng 0,6 tỷ đồng. Trong khi đó, hơn 500 tỷ đồng của Công ty bị Công ty CP Tập đoàn Quốc tế Năm Sao (cổ đông lớn nắm giữ 51,03% vốn điều lệ của Agritour) chiếm dụng nhiều năm qua chưa thu hồi được.
Được biết, BIDV không phải là ngân hàng duy nhất “kẹt tiền” tại Agritour. Một ngân hàng khác cũng trong tình trạng này là Agribank. Nhưng khác với BIDV, Agribank là một cổ đông lớn của Agritour và nhiều lần thực hiện thoái vốn nhưng không thành.
Cụ thể, Agribank sở hữu 5,29 triệu cổ phần Agritour (tương đương 23% vốn điều lệ). Tính theo mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần, số cổ phần của Agritour có giá trị 52,9 tỷ đồng.
Agribank đã thực hiện bán đấu giá số cổ phần trên 4 lần nhưng đều không thành công. Trong lần đấu giá gần đây nhất (tháng 3/2020), mức giá một cổ phần mà Agribank đưa ra là 14.276 đồng/cổ phần.
Du lịch hiện là một trong những lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19. Hàng loạt doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động hoặc giải thể, phá sản.
Gần đây, xu hướng rao bán hàng loạt tài sản của khách hàng vay không còn khả năng trả nợ được nhiều ngân hàng thương mại đẩy mạnh, từ bất động sản tới nhà xưởng, máy móc, thiết bị, ôtô, tàu cá, trung tâm tiệc cưới, khách sạn…
Có thể bạn quan tâm