Kết quả giải trình tự gene virus trên mẫu bệnh phẩm của 4 chuyên gia Ấn Độ cho thấy, 4 bệnh nhân nhiễm biến chủng SARS-CoV-2 ở Ấn Độ.
Riêng nhân viên lễ tân khách sạn bị lây nhiễm từ chuyên gia Ấn Độ, dự kiến sẽ có kết quả giải trình tự gene vào hôm nay (30/4).
Thông tin này vừa được Giáo sư Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương (Hà Nội) cho biết tối 29/4.
Theo đó, từ 18-27/4, Bộ Y tế công bố 5 bệnh nhân COVID-19 tại Yên Bái, trong số này có 4 chuyên gia người Ấn Độ nhập cảnh vào Việt Nam ngày 18/4 (BN2786, BN2811, BN2812, BN2831) và 1 lễ tân khách sạn Như Nguyệt 2, là nơi cách ly tập trung chuyên gia và người từ nước ngoài về của tỉnh Yên Bái (BN2857).
GS.TS Đặng Đức Anh cho biết, ngay sau khi nhận được mẫu xét nghiệm, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương đã tiến hành giải trình tự gene của nhóm bệnh nhân này, đến nay đã có kết quả 4/5 người, đều từ Ấn Độ nhập cảnh, cho thấy bệnh nhân nhiễm chủng virus biến thể Ấn Độ. Riêng nhân viên lễ tân khách sạn (bệnh nhân 2857) dự kiến sẽ có kết quả giải trình tự gene vào hôm nay (30/4).
Như vậy, tại Việt Nam tính đến nay đã ghi nhận chủng biến thể từ Anh, chủng virus biến thể từ Nam Phi và chủng virus biến thể từ Ấn Độ.
Biến chủng B.1.1.7, được phát hiện gây bệnh đầu tiên ở hạt Kent, đông nam nước Anh, từ tháng 9.2020, có khả năng lây nhiễm lớn, tải lượng virus (trong cơ thể) tăng gấp 4 lần so với chủng trước đây. Thời gian đào thải mầm bệnh ra môi trường rất ngắn và lượng mầm bệnh thải ra rất cao, tỉ lệ lây nhiễm tăng 70% so với chủng cũ. Đây cũng chính là chủng virus gây ra đợt dịch COVID-19 ở Hải Dương vừa qua.
Tiếp đó, biến thể B.1.351 (hay 501Y.V2) được phát hiện ở khu vực vịnh Nelson Mandela (Ấn Độ Dương) tháng 10.2020 được công bố tháng 12.2020. Đến nay, biến chủng này đã “có mặt” ở 30 quốc gia. Ngày 28.1.2021, Mỹ lần đầu xác nhận biến thể này ở 2 người không đến Nam Phi.
Liên quan đến vấn đề này, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng Sự kiện y tế công cộng, cho biết việc giải trình tự gene có thể giúp ngành y tế biết được các bệnh nhân bị lây nhiễm chủng virus nào, đặc tính của virus đó, gây bệnh như thế nào, lây lan nhanh hay không, độc lực mạnh hay bình thường, là chủng cũ hay chủng mới xuất hiện. Tất cả thông tin sẽ phục vụ cho công cuộc chống dịch của Việt Nam.
Còn theo ThS.BS Nguyễn Hồng Hà, Phó Chủ tịch Hội truyền nhiễm Việt Nam cũng cho biết, các biến chủng SARS-CoV-2 ở Anh, Brazil, Ấn Độ đều có tốc độ lây lan nhanh, mạnh. Vì vậy, nếu không kiểm soát tốt, cách ly sau nhập cảnh không nghiêm ngặt, virus hoàn toàn có khả năng xâm nhập, gây bùng phát dịch nhanh chóng; khi lây lan mạnh bất cứ nền y tế dù hiện đại đến đâu cũng đều suy sụp.
Trong cuộc họp cập nhật về tình hình dịch tễ liên quan đến COVID-19 mới đây nhất, WHO cho biết biến thể kép có tên B.1.617, được phát hiện lần đầu ở Ấn Độ và đã xuất hiện ở các nước như Anh, Mỹ, Singapore.
Theo Hãng tin AFP, gần đây WHO đã xếp B.1.617 vào nhóm "biến thể cần quan tâm" nhưng không xác nhận đây là "biến thể gây quan ngại".
Nếu được xếp vào nhóm sau, điều này có nghĩa biến thể B.1.617 nguy hiểm hơn phiên bản gốc của virus corona ở một trong các nguy cơ như lây nhiễm cao hơn, gây tử vong lớn hơn hoặc lẩn tránh vắc xin dễ hơn.
Mặc dù vậy, WHO xác nhận mô hình sơ bộ dựa trên trình tự gen hiện có cho thấy "biến thể B.1.617 có tốc độ tăng trưởng cao hơn so với các biến thể đang lưu hành khác ở Ấn Độ. Điều này gợi ý rằng nó có thể có khả năng lây lan nhanh hơn".
Có thể bạn quan tâm
02:00, 30/04/2021
20:21, 29/04/2021
20:00, 29/04/2021
17:57, 29/04/2021
14:54, 29/04/2021
00:00, 29/04/2021
14:06, 28/04/2021
13:30, 28/04/2021