Căng thẳng vừa qua giữa Big C và một số nhà cung cấp trong nước một lần nữa là hồi chuông thúc giục các doanh nghiệp trong nước phải nhanh chóng tự lớn lên để tham gia được vào chuỗi giá trị.
Sự việc một số đối tác cung cấp hàng may mặc trong nước đến trụ sở Big C tại Việt Nam dăng băng rôn phản đối quyết định tạm dừng thu mua sản phẩm may mặc từ các nhà cung cấp tại Việt Nam của tập đoàn Thái Lan một lần nữa là hồi chuông cảnh báo thẳng thắn về sự chủ động trong kinh doanh của doanh nghiệp Việt khi tham gia sân chơi phẳng và công bằng kinh doanh là luật chơi chung bắt buộc.
Có thể, một số doanh nghiệp và người dân trong nước cho rằng, Big C đang muốn đẩy hàng Việt ra và đưa hàng Thái vào để kinh doanh tại Việt Nam là không phù hợp, là đi ngược lại với quyền lợi của nhà cung cấp và người tiêu dùng Việt Nam nên họ tập trung phản đối. Đúng sai chưa bàn đến, nhưng rõ ràng, lựa chọn đối tác là quyền của nhà phân phối. Nhà bán lẻ muốn thu hút được khách hàng thì phải cạnh tranh bằng việc cung cấp sản phẩm, dịch vụ tốt nhất thông qua việc tìm kiếm những nguồn hàng tốt với giá cả phù hợp hay thậm chí là tự sản xuất để hoàn thiện chuỗi giá trị (value chain) của mình.
Như vậy, thay đổi nguồn hàng là việc làm bình thường và không vi phạm pháp luật cũng như thông lệ kinh doanh của thị trường. Thêm vào đó, động thái này của Big C xét ở góc độ nào đó còn phần nào giúp sôi động hơn thị trường vì người tiêu dùng có thêm nhiều sự lựa chọn, khách hàng sẽ lựa chọn những sản phẩm phù hợp với nhu cầu và thị hiếu cũng như túi tiền nhất.
Việc một số trong chúng ta ứng xử theo kiểu "anh làm ăn trên đất nước tôi, anh phải mua hàng của tôi" là chưa thật phù hợp trong bối cảnh Việt Nam ngày càng tham gia sâu vào các FTA thế hệ mới và mọi rào cản kinh doanh đang dần được xóa bỏ như hiện nay. Nếu trong trường hợp này, phía Big C vi phạm các điều khoản trong hợp đồng thương mại đã ký kết giữa hai bên về thời gian thông báo trước việc ngừng hợp tác thì các doanh nghiệp trong nước hoàn toàn có thể kiện Big C ra tòa để tự bảo vệ quyền lợi của mình.
Đối với bản thân Big C, nếu họ đang có một nguồn hàng ổn định, giá bán tốt, đảm bảo lợi nhuận và có mối quan hệ với nhà cung cấp tốt thì liệu chủ doanh nghiệp có thay đổi để nhận lấy những rắc rối không, câu trả lời rất có thể là không.
Có thể bạn quan tâm
20:31, 04/07/2019
00:42, 04/07/2019
00:15, 04/07/2019
15:41, 12/12/2018
Việt Nam là nước gia công hàng may mặc cho rất nhiều "ông lớn" của thế giới, điều này chứng tỏ chúng ta đang có nhiều lợi thế trong ngành này, vậy tại sao Big C lại nghĩ đến chuyện thay đổi một số nhà cung cấp Việt Nam. Có thể câu chuyện không chỉ nằm ở việc lãnh đạo siêu thị này “bỗng dưng” muốn thay mà còn do nhiều nguyên nhân bên trong, như có người cho rằng sự việc bắt nguồn từ tiêu cực trong việc chi hoa hồng nhập hàng.
Tuy nhiên, xét từ quan điểm thị trường, chúng ta đã và đang tham gia sâu vào nền kinh tế toàn cầu với những Hiệp định thương mại thế hệ mới cũng đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp trong nước, kể các các doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí siêu nhỏ phải chấp nhận một cuộc chơi cạnh tranh sòng phẳng, mọi hợp tác đều trên cơ sở cùng thằng (win-win) và quan trọng nhất là phải tôn trọng và làm theo luật pháp. Tham gia thị trường, các doanh nghiệp Việt khi “chơi” với các "ông lớn" cũng cần nêu cao tinh thần chủ động ngay từ khâu thương thảo hợp đồng hợp tác thật kín kẽ nhằm đảm bảo lợi ích tối đa nhất cũng như cần am hiểu luật pháp liên quan không chỉ của Việt Nam mà cả những quy định theo thông lệ quốc tế để tối thiểu hóa thiệt hại khi có sự cố.
Sự việc của Big C và một số nhà cung ứng hàng may mặc trong nước đã tạm dịu xuống khi ngày 4/7, dưới sự hỗ trợ của Bộ Công thương Việt Nam, Big C và Hiệp hội Dệt May Việt Nam đã cùng nhau ký một biên bản ghi nhớ hợp tác và Big C sẽ mở lại đơn hàng với 50 nhà cung cấp, trong 2 tuần tiếp theo sẽ mở lại đơn hàng với khoảng 100 nhà cung cấp khác. Đây là một tin vui với các nhà cung cấp nhưng cũng có thể thấy, các doanh nghiệp trong nước cần “tự lớn lên” một cách nhanh nhất để tự bản thân trở thành một mắt xích không thể tách rời trong chuỗi giá trị của các “ông lớn”. Chỉ có như vậy các doanh nghiệp mới có thể “sống khỏe” và không cần đến vài trò “trung gian hòa giải” của cơ quan nào một khi có sự cố.
Rõ ràng các doanh nghiệp hoạt động phải có lợi nhuận, kinh doanh cũng không phải là đi làm từ thiện và Big C không phải là một tổ chức cộng đồng, họ bắt buộc phải thực hiện những kế hoạch hoạt động để đạt được các mục tiêu kinh doanh. Việc một số nhà cung cấp trong nước tập trung và kêu gọi tẩy chay phần nào hiện lối tư duy cũ cần được xóa bỏ để xây dựng một môi trường kinh doanh công bằng, sòng phẳng không phân biệt doanh nghiệp trong hay ngoài nước như tinh thần của Chính phủ kiến tạo đang theo đuổi hiện nay.