Quản trị

Big Lots xin phá sản

Quân Bảo 13/09/2024 02:41

Tuần này, chuỗi bán lẻ hàng thanh lý Big Lots đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản. Tháng 5/2024 vừa rồi, Big Lots vừa mở văn phòng đầu tiên ở Việt Nam.

Big Lots là chuỗi siêu thị bán hàng hạ giá, hàng thanh lý lớn có trụ sở ở Mỹ. Với việc nộp đơn xin phá sản này, Big Lots có 4 tháng đến 18 tháng để đưa ra kế hoạch tái tổ chức. Sau đó, các chủ nợ sẽ bỏ phiếu xem có chấp nhận kế hoạch đó hay không.

11.jpg
Chuỗi bán lẻ hàng thanh lý Big Lots đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản

Tại tòa, Big Lots tuyên bố các khoản nợ và tài sản của công ty nằm trong khoảng 1 tỷ đến 10 tỷ đô la. Công ty đã nhận được cam kết trị giá 707,5 triệu đô la, trong đó 35 triệu đô la tiền tài trợ mới từ các bên cho vay.

Big Lots cho biết, công ty đầu tư tư nhân Nexus Capital Management đã đưa ra mức giá thầu 620 triệu đô la để mua lại hầu hết tài sản của công ty. Nếu Nexus trúng thầu, giao dịch dự kiến sẽ hoàn tất trong quý IV năm nay.

Mặc dù Big Lots đã thực hiện các bước để cải thiện doanh số bán hàng và hiệu suất dài hạn, nhưng tình hình kinh tế khó khăn đã khiến khách hàng cắt giảm chi tiêu cho các danh mục sản phẩm gia dụng và sản phẩm theo mùa vụ, vốn là mặt hàng chính của công ty.

Theo dữ liệu cụ thể, năm 2023 doanh thu hoạt động của công ty khoảng 4,7 tỷ đô la. Nhưng đến quý 1 năm nay, doanh thu ròng giảm 10,2% xuống còn 1 tỷ đô la, giảm 1,1 tỷ đô la so với năm trước. Tính đến 9/9/2024, gánh nặng nợ của công ty là 556,1 triệu đô la.

Neil Saunders, giám đốc điều hành của GlobalData, cho biết: "Sự phá sản của Big Lots là đích đến không thể tránh khỏi đối với một chuỗi cửa hàng đã phải chịu áp lực nghiêm trọng đối với cả doanh thu và lợi nhuận". "Những điều này đã tạo ra sự mất cân bằng nghiêm trọng trong tài chính của công ty và kết hợp với mức nợ cao, đã khiến các hoạt động bình thường trở nên bất khả thi".

Một số nỗ lực cắt giảm chi phí của công ty đã bắt đầu vào mùa hè năm ngoái, với việc bán và cho thuê lại 22 cửa hàng và một trung tâm phân phối ở California. Vào tháng 4, công ty đã vay thêm một khoản vay kỳ hạn trị giá 200 triệu đô la được hỗ trợ bằng thế chấp tại trụ sở chính của công ty tại Ohio và thế chấp hầu hết vốn lưu động và tài sản cá nhân của Big Lots. Tháng trước, công ty đã bảo đảm các điều khoản tín dụng và cho vay được sửa đổi cho phép đóng cửa tới 315 cửa hàng hoạt động kém hiệu quả.

Được thành lập vào năm 1967, nhà bán lẻ Big Lots đã phát triển thông qua các vụ mua lại và mở rộng. Năm 2001, công ty đã hợp nhất các cửa hàng của mình dưới tên và biểu ngữ Big Lots. Tính đến thứ Hai tuần này, Big Lots có 27.700 nhân viên. Ngoài dấu ấn của khoảng 1.300 cửa hàng truyền thống tại 48 tiểu bang, công ty còn điều hành một cửa hàng thương mại điện tử, năm trung tâm phân phối khu vực đặt tại Alabama, California, Ohio, Oklahoma và Pennsylvania.

Từ năm 2013 đến năm 2018, các sản phẩm thanh lý và hàng giá hời không còn nằm trong chiến lược trọng tâm của công ty, thay vào đó họ tăng cường nhập khẩu ngồn cung. Theo chiến lược này, Big Lots nhập khẩu rất nhiều hàng từ Trung Quốc và Việt Nam. 90% hàng nhập khẩu của họ đến từ thị trường Đông Nam Á.

Họ cũng mở rộng các chi nhánh, văn phòng đại diện ở Trung Quốc và Đông Nam Á để mua hàng nhanh hơn. Tháng 5 vừa rồi, Big Lots công bố mở văn phòng đại diện ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Ông Juan Guerrero, giám đốc chuỗi cung ứng tại Big Lots, cho biết rằng việc ở gần hơn với các nhà cung ứng quốc tế tại Việt Nam và Trung Quốc sẽ giúp Big Lots hành động nhanh hơn mỗi khi có cơ hội mua hàng giảm giá.

Ví dụ, mỗi khi nhà máy hoặc đối tác có sản phẩm dư nào đó cần bán nhanh, với lợi thế về địa lý, các văn phòng mua hàng có thể liên hệ trực tiếp và nhanh chóng với đối tác để mua những món đồ này.

Thế nhưng, Giám đốc Tài chính và Hành chính Jonathan Ramsden lại cho biết kết quả của hướng đi đó "dẫn đến giá sản phẩm trung bình cao hơn, lượng khách hàng giảm và khối lượng bán hàng trì trệ".

Saunders cho biết Big Lots có hai vấn đề chính. Thứ nhất, giá cả không phải lúc nào cũng cạnh tranh. Điều này gây bất lợi cho công ty vì người tiêu dùng ngày càng so sánh giá cả. Thứ hai, danh mục sản phẩm của Big Lots cung cấp quá nhiều lựa chọn và quá ít mặt hàng đặc trưng.

“Big Lots hoạt động trong một thị trường rất đông đúc và cạnh tranh, có nhiều đối thủ cung cấp giá thấp và các mức giảm giá hấp dẫn. Công ty cần phải tăng cường hoạt động của mình nếu muốn xoay chuyển tình thế sau khi nộp đơn phá sản”, ông nhận định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Big Lots xin phá sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO