Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam lần thứ 2 với chủ đề “Xóa bỏ rào cản để quản trị & phát triển nguồn nhân lực hiệu quả” được tổ chức ngày 12/12 tại TP Hồ Chí Minh.
Theo đó, Việt Nam đang hội nhập sâu rộng và toàn diện vào nền kinh tế khu vực và thế giới. Năm 2017, kinh tế Việt Nam đã đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất trong 10 năm qua, là năm bùng nổ phát triển doanh nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo với sự ra đời của hơn 140.000 doanh nghiệp, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cao gấp 1,97 lần so với quy mô GDP, năng lực cạnh tranh và môi trường kinh doanh đã được cải thiện rõ rệt…
Việt Nam đã trở thành điểm đến của các nhà đầu tư trên toàn thế giới, được các chuyên gia quốc tế đánh giá là nền kinh tế năng động nhất châu Á. Với nền tảng đó, Việt Nam sẵn sàng và tự tin cùng cộng đồng ASEAN hướng tới nền kinh tế phát triển thịnh vượng và bao trùm.
Bên cạnh những thành tựu ấn tượng về tăng trưởng kinh tế, Việt nam cũng được thế giới đánh giá cao trong việc tích cực tham gia các cam kết, công ước quốc tế, được Liên hiệp quốc ghi nhận là điểm sáng về thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ và đang trong quá trình nỗ lực thực hiện mục tiêu phát triển bền vững đã được thông qua trong chương trình nghị sự 2030 của Liên hiệp quốc.
Trong bối cảnh đó, khu vực doanh nghiệp được xác định là trung tâm của các mục tiêu phát triển, là lực lượng nòng cốt và xung kích của nền kinh tế, theo đó, không ở đâu và không ai khác, chính doanh nghiệp là một phần giải pháp để thực thi và thúc đẩy các giá trị bình đẳng nói chung và bình đẳng giới ở nơi làm việc nói riêng.
Một nền kinh tế tăng trưởng bền vững và bao trùm không thể nào khác hơn là tăng trưởng vì bình đẳng giới, và ngược lại, bình đẳng giới sẽ thúc đẩy xã hội tăng trưởng toàn diện hơn.
Có thể bạn quan tâm
13:54, 26/11/2018
07:56, 21/10/2018
17:07, 20/10/2018
Hiện nay và sắp tới đây, sẽ có nhiều sản phẩm, dịch vụ được tạo ra với quy trình sản xuất bằng tự động hóa một phần hay toàn phần. Tuy nhiên, người lao động với bàn tay, khối óc và trái tim mà tạo hóa đã ban tặng không gì thay thế được, sẽ làm nên giá trị cảm nhận của sản phẩm. Điều này được nhận định sẽ là sự khác biệt, là yếu tố cạnh tranh của các thương hiệu, sản phẩm trên thị trường.
Theo bà Tôn Nữ Thị Ninh, nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam bên cạnh Liên minh châu Âu EU và tại Bỉ, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Việt Nam, Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển Tp.HCM, hiện nay, tình trạng "robot hóa" đã được đưa vào áp dụng trong sản xuất kinh doanh, mặc dù có nhiều lợi ích những đã làm ảnh hưởng nhiều đến công ăn việc làm của người lao động. Tuy nhiên, bà Ninh nhấn mạnh là, cho đến thời điểm hiện tại, cuộc cách mạng 4.0 và "robot hóa" chủ yếu ảnh hưởng đến các nước phát triển trước khi tác động đến Việt Nam.
Cụ thể, bà Ninh phân tích, Việt Nam dù đã hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, hoạt động sản xuất kinh doanh nói chung, vẫn chủ yếu dựa vào nguồn nhân lực, máy móc chưa thể một sớm một chiều thay thế được sức lao động con người, nhất là máy móc tự động hóa. Cho nên, dù đây được xem là một hạn chế của nền kinh tế tri thức, kinh tế giá trị gia tăng của Việt Nam, nó vẫn có tác dụng nhất định trong việc tìm kiếm nguồn nhân lực, việc làm cho người lao động.
"Vì chưa chịu tác động nhiều như ở các nước phát triển nên chưa có ảnh hưởng lớn đến thu nhập từ lương, Việt Nam còn đủ thời giờ để chuẩn bị cho việc "robot hóa" trong tương lai. Và nếu biết cách lựa chọn con đường, Việt Nam sẽ hạn chế được tác động của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư", bà Ninh nói
Có cùng quan điểm, bà Trịnh Mai Phương, Phó chủ tịch phụ trách nhân sự Công ty Unilever Việt Nam, cho rằng: "Trên thực tế, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tác động đến người tiêu dùng rất nhanh. Nó thuyết phục người tiêu dùng thông qua mạng xã hội. Nói cách khác, chính nền tảng công nghệ trên "thế giới phẳng" đã giúp xử lý các thông tin của doanh nghiệp trên mạng xã hội rất hữu hiệu và tôi cho rằng nó là công cụ phục vụ khách hàng tốt nhất".
Bà Mai Phương cũng dẫn ra một ví dụ là nếu trước đây bà cần từ 2 - 3 tuần lễ cho việc triển khai, thực hiện một quy trình nhân sự thì nay, với công cụ mạng xã hội và internet, thời gian đó chỉ cần 2 - 3 ngày là xong.
"Có thể định nghĩa rằng, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là việc dùng công nghệ làm thay đổi suy nghĩ của mọi người đối với mình, và chúng tôi đang làm và ghi nhận điều đó nơi công ty của mình", bà Mai Phương chia sẻ.