Trong 1 tuần, tỉnh Bình Định đã thu hút đầu tư mới với 5 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký đầu tư 3.273,8 tỉ đồng mang lại tín hiệu tích cực cho địa phương.
Thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Định, trong tuần đầu tiên của tháng 12 địa phương thu hút mới 05 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký đầu tư 3.273,8 tỉ đồng. Trong đó, có 1 dự án thuộc cụm công nghiệp, 2 dự án thuộc khu kinh tế, khu công nghiệp, 2 dự án nằm ngoài khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp.
Cụ thể, dự án Khu đô thị Tây Nam xã Nhơn Lý với tổng vốn đăng ký đầu tư 2.812,2 tỉ đồng; Nhà máy sản xuất hàng nội thất nhôm và sắt thép Đại Thành với tổng vốn đăng ký đầu tư là 350 tỉ đồng; Dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp Bùi Thị Xuân (phần mở rộng) với tổng vốn đầu tư là 89,8 tỉ đồng; Dự án Mở rộng nhà máy may Hoài Hương với tổng vốn đăng ký đầu tư là 11,8 tỉ đồng và Nhà máy sản xuất cấu kiện trong xây dựng và nội thất với tổng vốn 9,98 tỉ đồng.
Thông tin từ sở này, lũy kế từ đầu năm tỉnh Bình Định thu hút 64 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký đầu tư 14.224,75 tỉ đồng, có 61 dự án đầu tư trong nước và 03 dự án FDI. Trong đó, 51 dự án thuộc lĩnh vực Công nghiệp; 04 dự án thuộc lĩnh vực Nông, lâm nghiệp và thuỷ sản; 02 dự án thuộc lĩnh vực Dịch vụ cảng và logistics; 03 dự án thuộc lĩnh vực xây dựng, hạ tầng; 02 dự án thuộc lĩnh vực thương mại dịch vụ - du lịch và 02 dự án Bất động sản và kinh tế đô thị.
Lũy kế từ đầu năm đến nay Bình Định đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 1.103 doanh nghiệp thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 9.178 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm trước, tăng 5,4% về số doanh nghiệp đăng ký và tăng 6,7% về vốn đăng ký.
Theo tìm hiểu của phóng viên, tình hình kinh tế của tỉnh Bình Định năm 2024 tiếp tục tăng trưởng và phát triển khá. Tốc độ tăng trưởng giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước thực hiện năm 2024 đạt 7,78% (chỉ tiêu giao 7,5 - 8%), xếp thứ 26/63 địa phương trong cả nước.
Sản xuất công nghiệp là điểm sáng trong bức tranh kinh tế trong năm 2024 của Bình Đinh khi Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 10% so với cùng kỳ. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh ước đạt 15.615 tỉ đồng, vượt 7,8% dự toán HĐND tỉnh giao và tăng 23,2% so với năm 2023.
Để đẩy mạnh thu hút đầu tư về địa phương, vừa qua ông Nguyễn Tuấn Thanh - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định đã yêu cầu các sở, ngành tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt là tăng cường xúc tiến, thu hút đầu tư, dự án FDI có quy mô lớn, công nghệ cao, nhất là trong các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.
“Chú trọng giải quyết vướng mắc, nhất là về cơ chế, chính sách ưu đãi, thủ tục đất đai, xây dựng... để đẩy nhanh triển khai dự án; theo dõi, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm, nhất là các công trình, dự án dự kiến đưa vào hoạt động năm 2024”, ông Thanh giao nhiệm vụ.
Ngoài ra, ông Nguyễn Tuấn Thanh cũng lưu ý các đơn vị thực hiện các giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh, tập trung vào chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, tăng cường ứng dụng công nghệ số,... Song song là tăng cường phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phong trào khởi nghiệp, sáng tạo và tập trung triển khai hiệu quả Đề án “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050” trên địa bàn.
Về nhiệm vụ cụ thể, Sở Công Thương tỉnh Bình Định chịu trách nhiệm rà soát, tham mưu, đề xuất UBND tỉnh tổ chức đối thoại, giải quyết tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp,... tạo điều kiện tối đa để doanh nghiệp duy trì ổn định phát triển sản xuất kinh doanh. Sở này cũng cho nhiệm vụ hỗ trợ, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ các dự án sản xuất công nghiệp đang triển khai nhằm sớm hoàn thành đưa vào hoạt động, nhất là các dự án dự kiến hoàn thành trong năm 2024 và các dự án công nghiệp trọng điểm.
Về Sở Kế hoạch và Đầu tư, đơn vị này chủ trì, phối hợp với sở, ngành, địa phương tập trung công tác xúc tiến, thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, dịch vụ, xây dựng của địa phương, nhất là các ngành công nghiệp có lợi thế như chế biến nông, lâm, thủy sản, sản xuất vật liệu xây dựng, kết hợp với trình độ công nghệ cao, công nghệ sạch, tiết kiệm nguyên liệu và thân thiện với môi trường. Đồng thời, tích cực kêu gọi, thu hút các dự án có quy mô lớn (kể cả thu hút các doanh nghiệp ngoài nước) vào Khu kinh tế Nhơn Hội và các khu, cụm công nghiệp.
“Tăng cường công tác cải cách hành chính, nâng cao việc thực thi đạo đức công vụ, thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, thu hút vốn đầu tư trên địa bàn tỉnh, tạo điều kiện để các nhà đầu tư tăng tiến độ thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt là các dự án đã có đầy đủ các điều kiện đưa vào vận hành, sử dụng, qua đó, góp phần giải quyết vấn đề việc làm và đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh”, ông Thanh giao nhiệm vụ.