Để tiếp tục đẩy mạnh phát triển công nghiệp, Bình Dương đang tăng cường hơn nữa quỹ đất cho phát triển các khu công nghiệp (KCN), kịp thời đón đầu những dự án lớn.
Bên cạnh việc đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng, cải thiện môi trường đầu tư, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, việc xây dựng và phát triển hệ thống các khu công nghiệp (KCN) luôn được Bình Dương quan tâm và dành nhiều nguồn lực để thực hiện.
>> Bình Dương đón "sóng" dịch chuyển chuỗi cung ứng
So với cả nước, Bình Dương hiện chiếm 9% về số lượng và 13% về diện tích KCN. Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Bình Dương cho biết, trên địa bàn tỉnh có 34 khu công nghiệp đã được phê duyệt, với tổng diện tích quy hoạch 14.790 ha. Đến nay, tỉnh đã thành lập 29 KCN, với tổng diện tích quy hoạch trên 12.700ha. Có 27 KCN đã đi vào hoạt động với tổng diện tích 10.624,66ha, các KCN đã cho thuê đất trên 6.836ha, tỷ lệ lấp đầy 90%. 2 KCN đang xây dựng hạ tầng là VSIP 3 và Cây Trường với tổng diện tích đất 1.700ha. Ngoài ra, các KCN khác đang thực hiện thủ tục mở rộng như Rạch Bắp, Nam Tân Uyên…
Hiện các KCN trong tỉnh đã thu hút 3.021 dự án còn hiệu lực, trong đó có 2.347 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 28 tỷ USD và 674 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký 87.796 tỷ đồng.
Ngoài một số khu công nghiệp đã được lấp đầy 100% diện tích, chủ đầu tư các khu công nghiệp còn lại trên địa bàn tỉnh đang tích cực phối hợp với chính quyền các địa phương đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, nhanh chóng xúc tiến, thu hút các dự án đầu tư.
Ông Phạm Ngọc Thuận, Tổng Giám đốc Becamex IDC, cho biết để thu hút các doanh nghiệp FDI đến và gắn bó với Bình Dương, Becamex IDC đang tiếp tục hoàn thiện nhiều KCN như: Bàu Bàng, Cây Trường, VSIP 3… nhằm đa dạng hóa, phục vụ tốt nhất nhu cầu của nhà đầu tư. Khi các KCN này đi vào hoạt động, Bình Dương sẽ ưu tiên ngành nghề có công nghệ cao, chọn lọc ngành nghề ít thâm dụng lao động.
Bên cạnh đó, Becamex IDC tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện các tuyến đường giao thông quan trọng như Quốc lộ 13, Mỹ Phước - Tân Vạn, ĐT743 và nhiều tuyến đường khác, tăng cường sự kết nối không chỉ trong nội bộ khu vực mà còn kết nối linh hoạt ra bên ngoài, đến vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Theo tinh thần Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Dương lần thứ XI, tỉnh Bình Dương tiếp tục xác định lấy công nghiệp làm nền tảng, là khâu đột phá, mà hạt nhân chính là xây dựng kết cấu hạ tầng các KCN gắn với đô thị hóa. Chủ trương xây dựng KCN tạo động lực phát triển là tư duy đổi mới đúng đắn, kịp thời của tỉnh.
Theo Ban Quản lý các KCN tỉnh, chủ trương đến năm 2025, tầm nhìn 2030, Bình Dương đặt mục tiêu phát triển các KCN bền vững theo mô hình “3 trong 1” (KCN - khu đô thị - khu dịch vụ) với hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại. Chính vì vậy, Bình Dương đã xây dựng nhiều cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư vào các KCN; đồng thời tích cực hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thủ tục pháp lý về đất đai cho nhà đầu tư thứ cấp trong các KCN.
Để tăng sức cạnh tranh, tỉnh Bình Dương đang tập trung thu hút vào các KCN được quy hoạch; đẩy nhanh tiến độ triển khai, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp ngày càng hiện đại; sớm hình thành KCN khoa học công nghệ; tiếp tục chuyển đổi công năng, di dời các doanh nghiệp vào các KCN. Trong giai đoạn tới công tác thu hút đầu tư vào các KCN của tỉnh Bình Dương sẽ có sự chuyển biến tích cực, thực chất hơn, chọn lọc hơn theo hướng chuyên biệt, sinh thái, thông minh và sẽ tạo sức hút mới.
Ông Mai Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương cho biết, lợi thế vượt trội của Bình Dương so với các địa phương khác chính là hạ tầng giao thông, hạ tầng các khu công nghiệp có tính kết nối liên vùng, đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Hiện Bình Dương đang tập trung chuẩn bị tốt các điều kiện, thỏa mãn nhu cầu của nhà đầu tư nhằm tăng cường hiệu quả hợp tác, khai thác thời cơ từ cuộc CMCN 4.0 để chủ động đón dòng vốn đầu tư mới.
“Từ một tỉnh thuần nông, Bình Dương mạnh mẽ vươn lên trở thành một trong những địa phương có tốc độ phát triển công nghiệp cao nhất và năng động nhất Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Trong thành công chung này có sự đóng góp quan trọng của các KCN trên địa bàn. Để tăng sức cạnh tranh, tỉnh đang tập trung đầu tư các KCN được quy hoạch, đẩy nhanh tiến độ triển khai, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ngày càng hiện đại, sớm hình thành KCN Khoa học công nghệ. Với các chính sách ưu đãi, những điều kiện thuận lợi, các KCN của tỉnh tiếp tục trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài” – ông Mai Hùng Dũng nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm