Một trong những lí do mang lại thành công cho tỉnh Bình Phước khi thực hiện cải cách thủ tục hành chính (TTHC) là chính quyền điện tử.
Mô hình “4 tại chỗ” cùng với việc áp dụng công nghệ thông tin đã giúp cho công việc tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt và trả kết quả tại trung tâm hành chính công đạt hiệu quả cao gấp đôi. Qua đó, người dân, doanh nghiệp được tạo điều kiện thuận lợi nhất để giải quyết nhanh chóng các thủ tục hành chính.
Làm thủ tục đăng ký kinh doanh trong … 2 tiếng
Từ phường Phước Bình (TX Phước Long), anh Nguyễn Hoàng Nam tới Trung tâm hành chính công để làm các thủ tục xin cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Chỉ trong vòng gần 2 tiếng, các thủ tục đã được giải quyết và trả kết quả nhanh chóng. Anh Nam chia sẻ: Hồ sơ của tôi được giải quyết nhanh gọn, cán bộ giúp đỡ rất nhiệt tình. Việc thẩm định và phê duyệt tại chỗ như thế này đã giúp người dân chúng tôi bớt thời gian chờ đợi, không mất thêm thời gian và chi phí ở lại để làm thủ tục...
Được biết, trước đây, những thủ tục này ít nhất phải mất thời gian khoảng 2-3 ngày mới giải quyết xong. Hiện nay, tại Bình Phước, hầu hết thủ tục hành chính của các sở, ngành khi đưa vào Trung tâm hành chính công đều áp dụng giải quyết theo nguyên tắc “4 tại chỗ”. Theo báo cáo của Bình Phước cho thấy đã có gần 600 TTHC được cắt giảm hoặc quy định rõ thời gian giải quyết, trong đó, hầu hết cắt giảm ít nhất 1/3 thời gian giải quyết so với quy định của Trung ương.
Hiện 100 % hồ sơ thủ tục hành chính của các sở, ban, ngành được thực hiện tiếp nhận và trả kết quả tại trung tâm. Bà Phạm Thị Ánh Hoa - Giám đốc Trung tâm hành chính công cho biết: “Các thủ tục hành chính trước khi đưa vào Trung tâm đều được rà soát, đơn giản hoá về thành phần hồ sơ, trình tự thủ tục và cắt giảm thời gian giải quyết so với thời gian quy định của pháp luật. Tất cả các thủ tục được cập nhật vào phần mềm theo dõi, trả trực tiếp cho tổ chức, cá nhân hoặc gửi qua đường bưu điện. Đối với những trường hợp giải quyết vượt thời gian quy định mà không có lý do, Trung tâm cập nhật, thông báo công khai để các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân biết và có văn bản xin lỗi với người dân, đồng thời phối hợp với các cơ quan, đơn vị để đẩy nhanh tiến độ thực hiện”.
Năm 2019, UBND tỉnh Bình Phước đã công bố quyết định ban hành 19 bộ TTHC thuộc thẩm quyền các cấp, các ngành với nhiều thay đổi lớn. Đồng thời cũng bãi bỏ quy định phải thêm 10 ngày trả kết quả các TTHC đối với các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn.
Đột phá trong cải cách hành chính
Ông Võ Sá – Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Bình Phước coi Chính quyền điện tử là bước nhảy quan trọng quyết định sự thành công của việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính. Vì vậy, trong thời gian qua, việc ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông của Bình Phước đã có bước phát triển vượt bậc, góp phần nâng cao hiệu quả trong quản lý nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Hạ tầng công nghệ thông tin được chú trọng đầu tư xây dựng, 100% cơ quan nhà nước cấp sở, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố được nối mạng truyền số liệu chuyên dụng và kết nối internet.
Hiện có trên 1.400 dịch vụ công trực tuyến được cung cấp trên Cổng Thông tin điện tử, một số dịch vụ công đã đạt mức độ 3, mức độ 4.
Cùng với các sở, ban, ngành, huyện, thị xã, thành phố có thể từng bước triển khai và hoàn thiện hệ thống cung cấp dịch vụ công “một cửa điện tử”, mô hình “4 tại chỗ” có điều kiện thuận lợi để nâng cao năng suất, phát huy tính hiệu quả khi giải quyết các TTHC.
Năm 2020, tỉnh Bình Phước sẽ quyết liệt hơn nữa trong cải cách thủ tục hành chính, nhất là các thủ tục liên quan tới đất đai, đầu tư, xây dựng, doanh nghiệp, thuế, hải quan và cải thiện chỉ số PCI năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, ông Võ Sá cho biết thêm.
Bên cạnh đó, tỉnh sẽ tiếp tục triển khai kế hoạch xây dựng chính quyền điện tử, xây dựng đô thị thông minh, trường học thông minh, nâng cấp cổng thông tin điện tử, cổng giao tiếp dịch vụ công, các trang thông tin điện tử của các cơ quan, đơn vị để phục vụ cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4.
Để thực hiện quy trình “4 tại chỗ” các sở, ngành đã chủ động rà soát và cử cán bộ đến làm việc tại Trung tâm, đảm bảo về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Thời gian tới Trung tâm hành chính công tiếp tục phối hợp với các sở, ngành tích cực rà soát, tăng cường việc uỷ quyền thẩm định và phê duyệt tại chỗ với các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của mỗi đơn vị.