Tết là sum vầy đoàn viên nhưng còn nhiều thứ chẳng cần Tết cũng có thể. Tại sao phải vắt chân lên cổ vì vài ba ngày trong cả năm dài dằng dặc?
>>CẢM XÚC XUÂN: Phiên chợ Tết cuối năm
Chiều cuối năm, ngồi bên ly cà phê đen vỉa hè nhìn xuống phố. Dòng người, phương tiện cứ cuồn cuộn trôi bất tận, thi thoảng lại bổ nhào vì dừng vội đèn đỏ, ai cũng cố chen cho mình một không gian tốt nhất để có thể vượt lên trước vài giây. Họ có vẻ rất gấp gáp, đang tìm kiếm điều gì đó. Vì Tết chăng?
Hẳn là thế. Chẳng biết từ bao giờ Tết mang vác tới bận bịu lo toan. Người nghèo cố sức để có bánh trái thịt thà, cho lũ trẻ chiếc áo mới. Người giàu cũng ong óc cái đầu vì tiền bạc, nào là thanh khoản cuối năm, chia nợ chia lãi cho đối tác.
Đường về nhà là mấy cây số lượn lờ qua vùng ven thành phố, một khung cảnh lễ hội ẩm thực, ca nhạc rợp trời mà có lẽ hiếm nơi nào trên thế giới có được. Cỗ bàn đề huề xen lẫn “chát” “bùm” “bụp”…. Họ uống, họ say và họ nói.
Thi thoảng một đám choai choai mặt đò ngầu phi vút qua chỉ vội nhìn thấy chỏm tóc hoe vàng như mới thổi xong nồi bánh tét. Chắc chúng hẹn nhau ăn tất niên, cái hấp dẫn của ăn uống thả ga, xì xóa lỗi lầm đã lên men khiến tinh thần thêm hưng phấn!
Một người bạn ở Nhật nhắn hỏi “Tết chuẩn bị xong rồi chứ?” Tôi bảo, nhiều năm nay nhà mình Tết tối giản nên không cần chuẩn bị! Chúng tôi “lý luận” nhau một hồi lâu.
Đại thể, ý tôi thế này: cho dù 356 hay 365 ngày, bây giờ ngày nào thấy hứng thú thì ngày ấy có thể “tổ chức Tết”. Được quá chứ lị! Nấu vài món kha khá, rủ vài người bạn thân cùng ăn, cùng nâng cốc, đệm ghi ta hát nhạc mộc. Anh thích Phú Quang, tôi khoái Ngô Thụy Miên, cả hai cùng “cãi” với tay ngồi đối diện đam mê Trịnh. Thế là sau cuộc vui ấy ai cũng có thể biết thêm chút chút về ai.
Mười hai tháng trong năm nhà thiếu gì sắm đó, không có tiền thì mua trả góp, vay tín dụng nho nhỏ để trang trải. Hà cớ gì chờ Tết để chen chúc sắm sửa, rồi vã mồ hôi với đống đồ mua về, khuân khuân vác vác chỉ làm đẹp vài ba hôm.
Người nông thôn bây giờ có gì thiếu đâu, rau ngoài vườn, gà trong chuồng, cá dưới ao; chợ không nghỉ dài ngày như Tết xưa. Hà cớ gì chất cả đống cá thịt, rau dưa đến héo hon trong tủ lạnh rồi cạy ra ăn dần để gọi là có của ăn của để. Quái lạ!
Tôi đồ rằng, có một cuộc tàn sát đẫm máu cả tuần nay chưa chấm dứt, những cuộc vui bất tận và thừa mứa sau khi giết mổ be bét hàng triệu sinh linh mà Phật giáo gọi rất công bằng là “chúng sanh”.
Tết là phải “làm ly”, ai đô kém cũng phải vài ly mới gọi là đúng đạo. Thế rồi 3 ly và có thể 30 ly quên đường về. Ngày nào vui cũng uống, cũng ăn, hà cớ gì đến Tết mới hành hạ cái dạ dày, lá gan đến khổ sở?
Tôi từng sống trong rất nhiều cái tết nghèo, nghèo vật chất. Thế là vét sạch sành sanh trong nhà để gọi là Tết, đến nỗi ăn cả thóc giống, lạc cất ra vụ mới, gà vịt thì “đi chầu ông vải” nguyên đàn. Ra giêng, hai, họa hoằn lắm mới có khúc bánh tét cóng queo đem chiên mỡ chống đói.
Tết xong gia đình như khủng hoảng kinh tế, chẳng còn gì ngoài vách đất, mành tre, rồi lại lận đận kiếm cái ăn vì “giêng hai cắn móng tay không ra máu”. Sao dại thế không biết, vật nuôi ấy nhân lên, đẻ ra, giêng hai đem bán phải được tiền hơn không?
Ở giác độ kinh tế, Tết rất nguy hiểm cho người nghèo, vì Tết ngày nay vận hành bằng “Tiền - Hàng - Tiền”. Người kinh doanh biết dùng tiền mua hàng và tạo ra tiền thặng dư (T’), còn người nghèo đem tất cả nguồn lực ném vào “Hàng” rồi mắc lầy ở đó. Khổ nỗi ai ai cũng tặc lưỡi: Tết mà!
Giàu có sung túc như người Mỹ cũng chỉ nghỉ 1 ngày Tết vào ngày đầu 1/1 hàng năm, họ tụ tập xem pháo hoa và nhâm nhi Champagne, tiệc truyền thống chỉ 3 món bắp cải xanh, cá mòi và mật ong.
Nhật Bản chuyển sang hòa cùng Tết tây để tiết kiệm thời gian và chi phí, không lỡ nhịp với guồng quay quốc tế. Bây giờ là cường quốc nhưng người Nhật vẫn rất tiết kiệm từng giọt nước.
Tết Việt tuy đặc sắc hiếm có, nhưng hiển hiện ra là cuộc ăn chơi thao thao bất tận, sum họp vui vầy rồi sinh ra xuề xòa dễ dãi với chính mình, với thiên nhiên, với đồng loại.
So về độ ăn chơi, ta nhằm nhò gì Tây, nhưng họ tiêu xài có mục đích. Hãy xem họ tổ chức một giải bóng đá, vô cùng xa hoa lộng lẫy, cũng là chơi vui mà mất vài tỷ USD, nhưng họ có cách thu lại và quảng bá mọi thứ.
Thâm kiệt sức lực cá nhân, gia đình là suy tổn nội lực đất nước. Quốc gia hùng cường thịnh vượng nên hãy “cần, kiệm, liêm, chính”. Quốc gia kêu gọi tiết kiệm rồi rút cuộc người dân tự cho đó là nhiệm vụ của ai kia chứ không phải mình!
Chỉ có Tết, có ăn, được chơi mới hối thúc người Việt ta hớt ha hớt hải! Thế mà ngày thường, trong giờ làm việc vẫn thấy hàng tá thanh niên sức dài vai rộng chém gió hàng giờ đồng hồ trên bàn nhậu, quán cà phê! Không như ở Nhật, nơi thanh niên vội vã mỗi buổi sáng, vai mang ba lô, tay cầm lon mỳ ăn liền vừa đi vừa chạy cho kịp giờ làm, giờ học.
Kết thúc câu chuyện, bạn tôi nói ngắn gọn “số đông không phải khi nào cũng tiến bộ và hợp lý”. Với tôi thì còn phân vân, liệu như thế này có dị biệt?
Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phát động diễn đàn “CẢM XÚC XUÂN” khởi tạo không gian để bạn đọc viết lên những cảm xúc chất chứa tâm tư tiễn đưa năm cũ, đón năm mới; nguyện vọng, sáng kiến, hiến kế để thích ứng tốt hơn với dịch bệnh; phản ánh cô đọng các vấn đề của cuộc sống địa phương cũng như đất nước.
Bài viết có thể dưới dạng thơ hoặc văn xuôi, bút ký, tùy bút, tản văn,… gửi về địa chỉ email camxucxuan@dddn.com.vn.
Tác giả để lại địa chỉ và số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ.
Trân trọng cảm ơn.
Có thể bạn quan tâm
08:00, 30/01/2022
05:15, 30/01/2022
05:00, 30/01/2022
05:00, 29/01/2022
03:00, 29/01/2022
05:00, 28/01/2022
09:40, 28/01/2022
05:00, 27/01/2022
00:00, 27/01/2022