Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé (Ban) được thành lập theo Quyết định số 1019/QĐ/UBND ngày 03/10/2005 của UBND tỉnh Điện Biên
với diện tích đất quy hoạch cho Khu bảo tồn là 47.228 ha, diện tích được giao quản lý 45.132 ha rừng đặc dụng nằm trên địa phận các xã: Sín Thầu, Chung Chải, Leng Su Sìn, Mường Nhé và Nậm Kè của huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên.
Ông Trần Xuân Tâm, Giám đốc Ban cho biết, độ che phủ của rừng những năm qua đã liên tục tăng lên, từ 69,15% năm 2013 lên 73,88% năm 2017, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, tăng cường vai trò phòng hộ đầu nguồn, bảo vệ đất, chống xói mòn, hạn chế thiên tai lũ lụt và bảo vệ nguồn nước.
Giữ bình yên cho những cánh rừng
Đặc biệt từ năm 2012 đến nay, công tác bảo vệ rừng và quản lý lâm sản của Ban đã có nhiều chuyển biến tích cực. Lực lượng Kiểm lâm địa bàn cơ bản đã tham mưu kịp thời cho Cấp ủy chính quyền địa phương các cấp về các biện pháp bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR). Các vụ khai thác rừng trái phép, đặc biệt là đối với gỗ quý hiếm phần lớn đã được phát hiện và ngăn chặn kịp thời. Đặc biệt Ban đã không để xảy ra các vụ khai thác rừng, cháy rừng lớn gây thiệt hại nghiêm trọng về tài nguyên rừng và gây bức xúc trong dư luận nhân dân.
Bên cạnh đó, đơn vị còn chú trọng đến công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho các cộng đồng với hình thức tuyên truyền như mở lớp tập huấn, phát tài liệu và báo cáo viên tuyên truyền miệng để trao đổi, giải thích cho bà con hiểu và làm theo quy định của pháp luật đã tác động tích cực đến công tác bảo vệ và phát triển rừng.
Ông Tâm cho biết thêm, hiện nay tại Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé đã ghi nhận được tổng số 210 loài chim, 28 loài bò sát ếch nhái... Trong đó có 38 loài động vật, 11 loài thực vật nguy cấp, quý, hiếm theo danh lục đỏ IUCN; 56 loài động vật và 23 lòa thực vật nguy cấp, quý hiếm theo Sách đỏ Việt Nam 2007.
Điểm đến cho các đoàn nghiên cứu
Thời gian qua, Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé cũng là địa điểm thu hút nhiều sinh viên về đây thực tập và các đoàn nghiên cứu trong nước, quốc tế đến tham quan nghiên cứu, tìm hiểu về đa dạng sinh học của hệ sinh thái rừng và quần thể các loài.
Đặc biệt, năm 2016: Đoàn nghiên cứu côn trùng của Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam thuộc Viện Hàn lâm khoa học và Công nghệ Việt Nam với Viện Khoa học tự nhiên Hoàng Gia Bỉ đã tiến hành nghiên cứu thực địa Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé. Ngoài ra, Ban tiếp nhận 01 cá thể khỉ mặt đỏ (tên khoa học Maccac arctoides); 01 cá thể khỉ mốc; 02 cá thể rùa đầu to.
Nói về mục tiêu trong thời gian tới, ông Tâm cho biết, Ban quyết tâm thực hiện tốt công tác quản lý bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học; đồng thời tiếp tục triển khai hoạt động nghiên cứu khoa học trong rừng đặc dụng; triển khai thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển kinh tế vùng đệm; thực hiện hoạt động hợp tác quốc tế về bảo tồn đa dạng sinh học. Tiếp tục kêu gọi sự đầu tư hợp tác đối với cá nhân, tổ chức trong nước và quốc tế thực hiện các chương trình dự án nghiên cứu khoa học trong khu bảo tồn; đặc biệt là các đề tài, dự án bảo tồn các loài động thực vật quý hiếm có giá trị bảo tồn cao.