Việt Nam và Lào nhất trí tiếp tục hỗ trợ Vinachem trong xử lý dự án muối mỏ Kali tại Lào
Đây là một trong những nội dung được Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cùng Bộ trưởng Năng lượng và mỏ Lào Khammany Inthirath thoả thuận, đi đến nhất trí tại cuộc hội đàm chiều 4/4.
Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, hiện Bộ Công Thương đang tích cực rà soát và báo cáo Chính phủ về dự án muối mỏ kali tại Lào. Ông khẳng định, phía Việt Nam sẽ sớm có phương án cụ thể xử lý dự án thua lỗ này và sẽ thông báo tới nước bạn Lào sau khi hoàn tất.
Dự án khai thác muối mỏ Kali tại Lào do Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem) là chủ đầu tư với 522 triệu USD, trong đó, vốn tự có của Vinachem là 105 triệu USD. Các ngân hàng tham gia tài trợ thu xếp vốn gồm: VDB 113 triệu USD (đã ký hợp đồng tín dụng); BIDV 161 triệu USD; VietinBank 143 triệu USD.
Dự án này có phạm vi khai thác 10 km2, dự kiến xây dựng trong 5 năm và tiến hành khai thác vào năm 2020, với công suất khai thác 320.000 tấn một năm. Tuy nhiên sau hơn 2 năm khởi công, dự án tạm dừng từ năm 2017. Báo cáo của Vinachem về dự án cho biết lý do "tạm dừng để xin ý kiến chỉ đạo của cấp có thẩm quyền về việc triển khai".
Cũng tại hội đàm, hai Bộ trưởng đã thống nhất cơ bản các nội dung chính của Hiệp định sửa đổi Hiệp định hợp tác giữa hai Chính phủ trong lĩnh vực năng lượng và khoáng sản năm 2006 để có cơ sở báo cáo Chính phủ hai nước phê duyệt, ký trong thời gian sớm nhất. Các nội dung chính Hiệp định sửa đổi lần này gồm danh sách các dự án nguồn điện Chính phủ Lào xác nhận giới thiệu bán điện về Việt Nam, phương án đấu nối và đường dây liên kết để chuyển tải điện về Việt Nam, cơ chế đàm phán giá mua bán điện.
Trong lĩnh vực năng lượng, đặc biệt là sản xuất và truyền tải điện, Lào có nhiều tiềm năng, lợi thế. Năng lượng được kỳ vọng là đầu tàu phát triển kinh tế của Lào với tham vọng trở thành “quả pin cho châu Á”, cùng kế hoạch sản xuất 10.000 MW điện từ các nguồn khác nhau (thủy điện, điện gió, điện than và điện mặt trời…) vào năm 2020. Trong đó, Lào kỳ vọng sẽ xuất khẩu 75% sản lượng điện sang Thái Lan, Việt Nam, Singapore và Malaysia...
Về phần mình, Việt Nam từ một nước xuất khẩu đã trở thành nước nhập khẩu ròng về năng lượng. Dự kiến, các nguồn nhập khẩu sẽ cung cấp khoảng 37,5% nhu cầu năng lượng của Việt Nam vào năm 2025 và 58,5% vào năm 2035.