Bộ Công Thương vừa có Quyết định 940/QĐ-BCT về việc điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm ván gỗ công nghiệp có xuất xứ từ Thái Lan và Malaysia nhập khẩu vào Việt Nam.
Đây là sự kiện chưa từng có kể từ khi ngành gỗ trở thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nền kinh tế Việt Nam.
Quyết định được đưa ra dựa trên yêu cầu của 4 doanh nghiệp đại diện cho ngành sản xuất ván gỗ công nghiệp Việt Nam gồm: Công ty CP Gỗ MDF VRG Kiên Giang; Công ty CP Gỗ MDF VRG Dongwha; Công ty CP Gỗ MDF VRG Quảng Trị và Công ty CP Kim Tín MDF.
Các doanh nghiệp này cáo buộc các sản phẩm ván gỗ công nghiệp nhập khẩu từ Thái Lan và Malaysia đã và đang bán phá giá vào thị trường Việt Nam với biên độ phá giá từ 18,59% đến 50,6%. Hành vi bán phá giá được khẳng định đã gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất ván gỗ công nghiệp trong nước.
Có thể bạn quan tâm
17:04, 19/06/2019
00:01, 21/04/2019
17:30, 20/04/2019
Theo quy định pháp luật, sau khi khởi xướng điều tra, Bộ Công Thương sẽ gửi bản câu hỏi điều tra cho các bên liên quan để thu thập thông tin nhằm phân tích, đánh giá các nội dung cáo buộc, gồm hành vi bán phá giá của các doanh nghiệp xuất khẩu của Thái Lan và Malaysia, mức độ thiệt hại của ngành sản xuất ván gỗ công nghiệp Việt Nam và mối quan hệ nhân quả giữa hành vi bán phá giá và thiệt hại của ngành sản xuất ván gỗ công nghiệp.
Trong trường hợp cần thiết, căn cứ vào kết quả điều tra sơ bộ, Bộ Công Thương có thể áp dụng biện pháp chống bán phá giá tạm thời để ngăn chặn hành vi bán phá giá tiếp tục gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước. Thực tế, lâu nay, chủ yếu rộ lên thông tin một số sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam bị các nước nhập khẩu ra quyết định điều tra và áp dụng các lệnh trừng phạt để triển khai các biện pháp chống bán phá giá.
Theo số liệu của Bộ Công Thương, tính đến thời điểm hiện tại, đã có 146 vụ việc phòng vệ thương mại được khởi xướng điều tra bởi 19 quốc gia và vùng lãnh thổ đối với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam. Trong số đó, Hoa Kỳ là nước khởi xướng điều tra nhiều nhất lên tới 27 vụ, chiếm khoảng 18,5%.
Ở chiều ngược lại, Việt Nam đã có những cuộc điều tra chống bán phá giá một số mặt hàng nhập khẩu vào Việt Nam. Tuy nhiên, đối với mặt hàng gỗ đây là lần đầu tiên. Theo các chuyên gia, đây là sự kiện mang tính đột phá với nền kinh tế Việt Nam nói chung và ngành gỗ nói riêng, khi chúng ta sẵn sàng sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ lợi ích chính đáng cho các doanh nghiệp chế biến gỗ. Đồng thời, việc sử dụng các biện pháp phòng vệ là tích cực giúp Việt Nam tránh phải đương đầu với các vụ kiện của các đối tác, nâng cao giá trị hàng hóa sản phẩm sản xuất trong nước.
Ông Nguyễn Tôn Quyền - Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam nhận định, Bộ Công Thương Việt Nam quyết định điều tra hành vi bán phá giá đối với ván công nghiệp nhập khẩu của Thái Lan và Malaysia phù hợp với thông lệ quốc tế. Việc điều tra mới chỉ bắt đầu, còn phải chờ đợi kết quả điều tra như thế nào và phương cách xử lý ra sao, từ đó mới rút ra những ý nghĩa bổ ích.
Dù vậy, ông Nguyễn Tôn Quyền cho rằng, đây là hồi chuông cảnh báo các doanh nghiệp phải nghiêm túc thực hiện luật pháp quốc tế và Việt Nam, thể hiện tính chủ quyền, bình đẳng và công khai minh bạch trong lĩnh vực giao thương quốc tế của Chính phủ Việt Nam. Đây không phải chỉ là bài học mà còn là hình thức xử lý vi phạm nghiêm khắc đối với các doanh nghiệp làm ăn không chân chính và ngược lại khích lệ các doanh nghiệp làm ăn chân chính. “Điều cốt lõi để tránh bị điều tra chống bán phá giá chính là các doanh nghiệp phải tuân thủ nghiêm túc các luật lệ quốc tế cũng như của Việt Nam và luôn đề cao tính cộng đồng và tính trách nhiệm xã hội của mỗi doanh nghiệp”- ông Quyền nói.
Quyết định số 755/QĐ-BCT ban hành “Chương trình tổng thể về sử dụng và ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại nhằm hỗ trợ phát triển một số ngày công nghiệp Việt Nam giai đoạn 2018-2020, xét đến 2025”. Chương trình này sẽ là cơ sở quan trọng để tăng cường năng lực về phòng vệ thương mại, bảo vệ quyền lợi của các ngành sản xuất trong nước, nâng cao hiệu quả của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.