Đại diện Bộ Giao thông vận tải cho biết, thời điểm hiện tại chưa bàn đến chuyện áp giá sàn vé máy bay. Hiện, Bộ cũng chưa nhận được đề xuất về điều chỉnh khung giá từ Vietnam Airlines.
Đề xuất áp giá sàn vé máy bay sau khi được đưa ra đã ngay lập tức gặp phải nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận và các chuyên gia, sau đó, Bộ GTVT đã không chấp thuận đề xuất này.
Đại diện Bộ GTVT cho biết, hiện chưa nhận được đề xuất về điều chỉnh khung giá từ Vietnam Airlines. Tuy nhiên, với thị trường hàng không Việt Nam hiện nay đang có sự tham gia của nhiều hãng hàng không tư nhân, do đó, việc điều chỉnh giá cần phải theo cơ chế thị trường. Khung pháp luật đã có quy định vấn đề này thì cần vận dụng và thực hiện theo đúng quy định.
“Thời điểm hiện tại, Bộ GTVT cũng sẽ chưa bàn đến chuyện áp giá sàn vé máy bay. Quan trọng nhất là ổn định hoạt động vận tải hàng không khi dịch COVID-19 còn nhiều phức tạp. Mọi việc đều phải tuân thủ pháp luật để tạo ra sự cạnh tranh bình đẳng cho các doanh nghiệp”, vị đại diện Bộ GTVT cho biết.
Đại diện Bộ GTVT khẳng định, quan điểm của Bộ GTVT là nếu có xem xét điều chỉnh thì cũng phải theo hướng đa dạng sản phẩm cung cấp cho hành khách. Để người dân được hưởng nhiều loại dịch vụ. Ngược lại, mọi doanh nghiệp cạnh tranh cũng phải bình đẳng.
Trước đó, tại cuộc họp với Cục Hàng không Việt Nam mới đây, VNA kiến nghị tăng mức giá trần 50.000 - 250.000 đồng/khách. Giá sàn được kiến nghị theo 2 phương án: bằng 35% mức giá trần theo từng cự ly hoặc chi phí biến đổi trung bình một ghế theo từng nhóm cự ly của các hãng hàng không giá rẻ.
Bên cạnh đó, VNA tiếp tục đề nghị cần xây dựng quy chế để đảm bảo hãng được cấp hơn 50% lượng slot bay (khung giờ cất hạ cánh) và thương quyền được phân bổ. Hãng cũng muốn được ưu tiên là hãng hàng không đầu tiên khai thác trở lại các điểm đến quốc tế để thể hiện hình ảnh quốc gia, đồng thời xin được thực hiện nghiệp vụ sale & leaseback (bán và thuê lại) với 50% số lượng máy bay trong đội tàu bay.
Theo lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam, cơ quan này đang nghiên cứu đề xuất của Vietnam Airlines về giá sàn và nới giá trần vé máy bay. Đây không phải là lần đầu hãng hàng không này đề xuất giá sàn. Việc đề xuất là bình thường vì tùy theo hình thức, chiến lược kinh doanh của từng hãng.
Nhưng giá trần, giá sàn liên quan đến hành khách nhiều nên phải đánh giá tác động, xin ý kiến nhiều cơ quan liên quan. Muốn thay đổi giá trần, ban hành giá sàn thì Bộ GTVT phải ban hành thông tư mới thực hiện được.
PGS.TS Nguyễn Thiện Tống - chuyên gia hàng không cho rằng khi áp dụng giá sàn tức là sẽ không còn vé 0 đồng, 49.000 đồng... để người dân chọn lựa giá rẻ để di chuyển bằng đường hàng không. Hãng bay bán giá thấp không có nghĩa là họ đang phá giá. Trên một chuyến bay, hãng bay linh hoạt tính toán lượng ghế bán ra giá cao, vài ghế giá khuyến mãi để cân đối thu chi, bằng cách nào đó doanh nghiệp vẫn có lãi.
Theo PGS.TS Nguyễn Thiện Tống, nếu những đòi hỏi của Vietnam Airlines được chấp thuận, hành khách sẽ phải bay với giá rất đắt, thị trường hàng không mất đi tính cạnh tranh, việc này không có lợi cho người dân.
Một chuyên gia kinh tế cho biết các hãng bán vé thấp hơn nhưng không lỗ thì không phải bán phá giá. Giai đoạn hiện nay, khi các doanh nghiệp hàng không gặp khó khăn do COVID-19, việc áp giá sàn vừa không có lợi cho người tiêu dùng vừa không khuyến khích cạnh tranh, vì một doanh nghiệp kinh doanh giỏi có thể hạ giá mà vẫn có lãi thì không nên hạn chế vì điều đó mang lại lợi ích cho người tiêu dùng.
Vẫn biết các hãng hàng không đang gặp nhiều khó khăn, thậm chí khó trụ vững trong bối cảnh dịch COVID-19 kéo dài và việc hỗ trợ các hãng là cần thiết, nhưng rõ ràng các cơ quan quản lý nhà nước như Bộ GTVT, Bộ Tài chính... cần có những giải pháp phù hợp, không nên để người dân và ngành du lịch phải chịu thêm gánh nặng.
Có thể bạn quan tâm
06:28, 25/06/2020
06:28, 18/06/2020
13:27, 04/06/2020
06:28, 22/05/2020