Việt Nam có một số cơ sở đóng mới toa xe ở Hà Nội, Bình Dương, TPHCM có thể làm, do đó, cần tạo điều kiện phát triển công nghiệp đường sắt. Quan điểm Bộ GTVT là không đồng thuận nhập 37 toa tàu cũ.
Trả lời báo chí, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) vừa có văn bản đề xuất xin cho nhập 37 toa tàu cũ của Nhật Bản.
Từ tháng 10/2021, VNR có các văn bản đề nghị các cơ quan liên quan như Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước, Bộ GTVT về việc nhập 37 toa xe do Tổng công ty Đường sắt Đông Nhật Bản tặng. Các toa xe này sản xuất từ năm 1979 đến năm 1982, loại tự hành diesel. “Bộ GTVT đang lấy ý kiến các bộ ngành và trong vài ngày nữa sẽ có văn bản báo cáo”, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết.
Theo đó, nghiêm túc xem xét các yếu tố như điều kiện doanh nghiệp gặp khó khăn, cần có thêm phương tiện hoạt động…
Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng cho biết, việc xem xét phải căn cứ quy định pháp luật. Cụ thể, Điều 32 Luật Đường sắt có quy định: “Phương tiện giao thông đường sắt trong quá trình khai thác sử dụng phải bảo đảm còn niên hạn sử dụng theo quy định của Chính phủ và được tổ chức đăng kiểm Việt Nam định kỳ kiểm tra, cấp Giấy chứng nhận kiểm tra định kỳ an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông đường sắt.”
Nghị định 65/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đường sắt, Điều 8 có quy định: “Đối với phương tiện giao thông đường sắt nhập khẩu đã qua sử dụng: Chỉ được nhập khẩu phương tiện đã qua sử dụng không quá 10 năm đối với toa xe chở khách, đầu máy, toa xe đường sắt đô thị và không quá 15 năm đối với toa xe chở hàng.”
“Trường hợp trên, toa sản xuất năm 1979-1982 tuổi thọ cỡ 39 đến 42 năm không đáp ứng yêu cầu quy định pháp luật”, Thứ trưởng Bộ GTVT chia sẻ.
Thứ trưởng cũng cho biết, toa tàu của Nhật Bản phù hợp với khổ đường sắt là 1,067m, trong khi khổ đường sắt của ta là 1m, nếu muốn dùng phải hoán cải lại, chi phí dự kiến nếu làm hết khoảng 140 tỷ.
“Việt Nam có một số cơ sở đóng mới toa xe ở Hà Nội, Bình Dương, TPHCM có thể làm, do đó, cần tạo điều kiện phát triển công nghiệp đường sắt. Quan điểm Bộ GTVT là không đồng thuận việc này”, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông nêu quan điểm.
Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam vừa có văn bản gửi Thủ tướng đề nghị cho phép nhập khẩu các toa tàu tự hành DMU đã qua sử dụng của Công ty Đường sắt Đông Nhật Bản (JR East). Đây là các toa tàu được sản xuất trong giai đoạn 1979-1982. Nếu được phép, VNR sẽ nhập về cải tạo và đưa vào khai thác chở khách trên hệ thống đường sắt Việt Nam.
Lãnh đạo VNR cho biết, 37 toa tàu nêu trên là phía Công ty Đường sắt Nhật Bản muốn tài trợ miễn phí cho đường sắt Việt Nam. VNR chỉ phải chịu chi phí vận chuyển, cải tạo để đưa vào sử dụng.
“Nhật Bản không quy định về niên hạn sử dụng với toa tàu. Các toa này vẫn được bạn khai thác bình thường, bảo dưỡng thường xuyên nên còn rất tốt. Phía bạn loại ra do dừng khai thác tuyến đường sắt sử dụng công nghệ đó để chuyển sang công nghệ mới nên toa tàu đó không còn tương thích. Không phải hết niên hạn họ mới loại. Lâu nay Nhật Bản vẫn trong quá trình thay đổi dần công nghệ các tuyến đường sắt, nên vẫn loại ra các toa tàu như vậy và tài trợ rất nhiều nước, đặc biệt là Myanmar. Mình không nhận, họ cũng cho nước khác”, lãnh đạo VNR nói.
Theo lãnh đạo VNR, khổ ray cũ của các toa xe Nhật Bản loại lần này là hơn 1m, trong khi khổ ray của mình là 1m, nên nếu được tiếp nhận, đường sắt sẽ phải cải tạo lại cho phù hợp.
Theo VNR, các toa tàu của Nhật Bản loại đợt này được sản xuất từ năm 1979-1982, có trang bị ghế mềm, điều hòa không khí, thiết kế 68-82 chỗ ngồi, 28-34 chỗ đứng, vận hành với tốc độ tối đa 95 km/h trên các tuyến đường sắt khổ 1.067 mm của Nhật Bản. Các toa xe có thể vận hành độc lập hoặc dễ dàng ghép nối thành đoàn tùy theo nhu cầu sử dụng. Sau khoảng 40 năm vận hành, cả 2 loại toa xe Kiha 40 và Kiha 48 không gặp bất kể vấn đề nghiêm trọng về an toàn và chất lượng.
Có thể bạn quan tâm
05:30, 27/10/2021
11:00, 21/10/2021