Khu vực kinh tế ngoài nhà nước chiếm 42,07% GDP, khu vực này đóng vai trò rất quan trọng trong sự phát triển chung của toàn nền kinh tế.
Trích dẫn từ Sách trắng doanh nghiệp 2019 mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) vừa công bố cho thấy, năm 2017, tổng doanh thu thuần của toàn bộ doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh đạt 20,66 triệu tỷ đồng, tăng 18,5% so với năm 2016, tăng cao hơn tốc độ tăng nguồn vốn của doanh nghiệp (tăng 17,5%).
Trong đó, tổng doanh thu thuần của khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước năm 2017 đạt 11,7 triệu tỷ đồng, chiếm 56,8% doanh thu thuần của toàn bộ khu vực, tăng 20,2% so với năm 2016; khu vực doanh nghiệp FDI đạt 5,8 triệu tỷ đồng, chiếm 28,1%, tăng 20,6%; khu vực DN nhà nước đạt 3,1 triệu tỷ đồng, chiếm 15,1%, tăng 9,1%.
Tại cuộc họp báo công bố Sách trắng, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, khu vực kinh tế ngoài nhà nước chiếm 42,07% GDP, khu vực này đóng vai trò rất quan trọng trong sự phát triển chung của toàn nền kinh tế.
“So với tỷ trọng đóng góp 27,67% vào tổng GDP của khu vực kinh tế nhà nước và 29,24% của khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) thì khu vực kinh tế ngoài nhà nước vượt lên khá nhiều - ông Lâm nhấn mạnh.
Tuy nhiên, trước câu hỏi: Vì sao từ nhiều năm nay Tổng Cục thống kê vẫn chỉ tính khu vực này đóng góp khoảng 8 - 9% GDP của Việt Nam? - ông Lâm cho biết, hiện nay nền kinh tế Việt Nam được chia ra 3 khu vực, đó là nhà nước, ngoài nhà nước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Tuy nhiên, loại hình kinh tế tư nhân chưa có thống kê đầy đủ.
Mùa hè năm 2017, lần đầu tiên, Trung ương Đảng ban hành riêng một nghị quyết cho kinh tế tư nhân. Nghị quyết này mang tên Nghị quyết 10, ngày 3/6/2017 về "Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa".
Có lẽ không phải ngẫu nhiên nghị quyết này mang số 10, con số luôn được xem là hoàn hảo nhất. Trong quá khứ, Nghị quyết của Bộ Chính trị khóa VI về nông nghiệp ban hành ngày 5/4/1988 đi vào lịch sử khi tháo bỏ sự ràng buộc, kìm hãm của cơ chế quản lý lạc hậu, đưa Việt Nam bao năm thiếu thốn lương thực trở thành nước xuất khẩu gạo thứ hai trên thế giới, cũng mang số 10.
Theo Nghị quyết 10 về Phát triển kinh tế tư nhân, để đạt được mục tiêu “phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh, hiệu quả, bền vững, thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, trong thời gian tới, cần phải có nhiều giải pháp tổng thể hơn để hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ và bền vững.
Có thể thấy, chủ trương, mục tiêu, định hướng và chính sách hỗ trợ cho khu vực kinh tế tư nhân đã được cụ thể hóa rất rõ ràng tại Nghị quyết 10. Tuy nhiên, liệu Nghị quyết có đi vào cuộc sống không, khi ngay con số thống kê cụ thể về khu vực kinh tế tư nhân còn chưa đầy đủ, mà vẫn chỉ thống kê “nhập” vào “khu vực kinh tế ngoài nhà nước”!