[DIỄN ĐÀN CẢI CÁCH TTHC] Bỏ sổ hộ khẩu giấy: Bước chuyển mang tính lịch sử!

Sông Hàn 23/04/2020 11:00

Bỏ sổ hộ khẩu giấy là bước chuyển quan trọng, khi các vấn đề được xử lý bằng công nghệ sẽ ngăn ngừa tiêu cực, nâng cao hiệu quả quản lý.

Dự kiến Luật Cư trú (sửa đổi) có hiệu lực từ tháng 7/2021

Chiều 22/4, tại phiên họp của Thường vụ Quốc hội về dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, một trong những chính sách lớn của dự án Luật là thay đổi phương thức quản lý cư trú (thường trú, tạm trú) từ sổ hộ khẩu giấy sang số định danh cá nhân.

Theo đó, quy định này, thông tin sẽ được cập nhật, điều chỉnh trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu về cư trú; các quy định về sổ hộ khẩu, sổ tạm trú cấp cho hộ gia đình, cá nhân theo Luật Cư trú hiện hành được bãi bỏ. Cơ sở dữ liệu này chạy trên mạng được chia sẻ, kết nối với các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị có liên quan.

Bên cạnh đó, việc quản lý thông qua phương thức mới bằng mã số định danh cá nhân trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú sẽ dẫn đến việc bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ 13 nhóm thủ tục hành chính liên quan đến đăng ký, quản lý thường trú, tạm trú của công dân.

Cũng theo Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, các điều kiện để đảm bảo triển khai luật (dự kiến có hiệu lực từ tháng 7/2021) thì phải hoàn thành được việc cấp mã số định danh cho 96 triệu dân cả nước trong tháng 4/2021, đến tháng 6 thì hoàn thiện kho dữ liệu quốc gia về dân cư để sẵn sàng đưa vào sử dụng.

Cập nhật thông tin về tiến độ phần việc, Bộ trưởng cho biết, hiện ngành công an đã thu thập được 86 triệu bản khai dữ liệu công dân. Theo Bộ trưởng Công an, đó là cơ sở khẳng định khả năng hoàn thành các điều kiện để thi hành luật Cư trú sửa đổi là khả thi.

Có thể bạn quan tâm

  • Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đồng ý bỏ sổ hộ khẩu

    23:14, 22/04/2020

  • [DIỄN ĐÀN CẢI CÁCH TTHC] Đã đến lúc kết thúc "sứ mệnh lịch sử" của hộ khẩu

    16:11, 19/04/2020

  • Bỏ sổ hộ khẩu dưới góc nhìn kinh tế

    14:13, 22/10/2018

  • Bỏ sổ hộ khẩu giấy: Cách mạng 4.0 về quản lý dân cư

    04:00, 22/10/2018

  • Năm 2020 đủ điều kiện để bỏ quản lý bằng sổ hộ khẩu giấy

    01:46, 18/10/2018

  • Bỏ sổ hộ khẩu giấy: "Số hóa" quản lý dân cư

    05:42, 14/04/2018

  • Hộ khẩu hay cổ tích?

    13:07, 07/04/2018

  • Bộ Công an “bác” tin bỏ hộ khẩu và chứng minh nhân dân

    13:44, 07/11/2017

  • Bao giờ mới bắt đầu bỏ Sổ hộ khẩu?

    07:36, 06/11/2017

  • Vui buồn hộ khẩu

    05:29, 06/11/2017

  • Chính phủ ra nghị quyết đồng ý bỏ sổ hộ khẩu

    18:59, 04/11/2017

  • “Khai tử” sổ hộ khẩu: Lợi cho dân thì phải làm!

    05:15, 30/10/2017

Thật ra, việc bỏ sổ hộ khẩu thực ra là câu chuyện chúng ta đã bàn đến từ mấy chục năm về trước. Thực tế hiện nay sổ hộ khẩu đã không còn giá trị như thời bao cấp nữa. Thế nên, quyết định sửa đổi này của Bộ Công an giống như tháo gỡ gánh nặng cục đá đè lên chân của người dân bấy lâu nay.

Phương thức quản lý này không chỉ đơn giản hóa thủ tục, giấy tờ, tiết kiệm chi phí hành chính cho công dân, mà còn góp phần bảo đảm quản lý công dân chặt chẽ, thực chất, khắc phục nhiều bất cập trong quản lý dân cư ở nước ta hiện nay.

Hơn nữa, chính Bộ Công an trước đây khi đưa ra Dự thảo cũng từng thông kê là nếu thay thế hình thức quản lý dân cư bằng số định danh cá nhân sẽ tiết kiệm được 1.600 tỷ đồng/ năm, từ việc công dân không phải khai nhiều lần các thông tin cơ bản của mình; không phải thực hiện việc sao, chụp hoặc thực hiện thủ tục hành chính chứng thực bản sao từ bản chính giấy tờ công dân như trước đây.

Trong khi đó, nền kinh tế thị trường đã và đang phát triển ở nước ta trở thành động lực thúc đẩy sự dịch chuyển nơi cư trú của công dân trên thực tế, không phụ thuộc vào nơi cư trú trên giấy tờ – tức sổ hộ khẩu. Trong cơ chế kinh tế thị trường, doanh nghiệp, cá nhân khi ký hợp đồng, giao dịch với các cá nhân, tổ chức khác mà lại đòi hỏi sổ hộ khẩu chẳng khác nào tự “vác đá ghè chân mình”.

Mặt khác, đây cũng là phương thức quản lý cư trú hiện đại dựa trên việc ứng dụng công nghệ thông tin, phù hợp với xu thế phát triển được một số quốc gia trên thế giới áp dụng. Vì thế, bỏ sổ hộ khẩu giấy là bước chuyển quan trọng, khi các vấn đề được xử lý bằng công nghệ sẽ ngăn ngừa tiêu cực, nâng cao hiệu quả quản lý.

Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói: “Công dân các nước khi nhận lương hưu có thể dùng thẻ rút ở bất kỳ đâu không phải về đúng nơi cư trú, còn người dân mình khổ sở vì sổ hộ khẩu lắm; người nghèo tha phương lên thành phố làm thuê, làm mướn, con em họ gặp khó khăn trong việc đi học vì không có sổ hộ khẩu”.

Ông Phan Xuân Dũng - Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cũng nói đây là “cuộc cách mạng”. Ông cho rằng: “Với người dân hiện nay, sổ hộ khẩu quý như sổ gạo ngày xưa và quyết định bỏ sổ hộ khẩu giấy không khác gì bỏ sổ gạo thời bao cấp”.

Có thể nói, Nhà nước nào cũng cần quản lý công dân của mình trên một số phương diện, tiêu chí cơ bản, cần thiết nhằm bảo đảm việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của công dân theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.

Và bỏ sổ hộ khẩu giấy sang số định danh cá nhân như bước cải cách thủ tục thiết thực và quan trọng. Nó vừa tạo điều kiện cho người dân thực hiện các quyền công dân của mình, vừa giúp việc quản lý dân cư, thực hiện các thủ tục hành chính công đơn giản, gọn nhẹ hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
[DIỄN ĐÀN CẢI CÁCH TTHC] Bỏ sổ hộ khẩu giấy: Bước chuyển mang tính lịch sử!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO