Bộ Tài chính đề xuất 2 phương án thu phí cao tốc đường bộ

NGUYỄN MINH 05/10/2020 14:29

Mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng ký Tờ trình số 171 trình Chính phủ Dự thảo Nghị quyết của UBTV Quốc hội quy định về thu phí trên đường cao tốc do nhà nước đầu tư.

danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá sẽ được bổ sung dịch vụ sử dụng đường cao tốc theo hướng giao Bộ trưởng Bộ GT - VT quy định giá tối đa dịch vụ sử dụng đường cao tốc đối với đường do Trung ương quản lý

Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá sẽ được bổ sung dịch vụ sử dụng đường cao tốc theo hướng giao Bộ trưởng Bộ GT - VT quy định giá tối đa dịch vụ sử dụng đường cao tốc đối với đường do Trung ương quản lý.

Trong vòng hơn một tháng qua, với vai trò là cơ quan chủ trì thì đây là lần thứ hai Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ phương án thu phí thông qua trạm thu phí trên đường cao tốc do Nhà nước đầu tư.

Kịch bản chờ duyệt

Trước đó, tại Thông báo số 343/TB-VPCP ngày 24/9/2020, Phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ GT - VT và các bộ, cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện 2 phương án thu đối với dịch vụ sử dụng đường cao tốc do Nhà nước đầu tư đã được Bộ Tài chính báo cáo tại Công văn số 9929/BTC - CST ngày 17/8/2020.

Trong đó, tập trung làm rõ hơn sự cần thiết, cơ sở pháp lý (về đề xuất thu, thẩm quyền quyết định) và tác động đến người dân, doanh nghiệp đối với cả 2 phương án.

“Bộ Tài chính hoàn thiện hồ sơ theo trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật, trình Chính phủ thông qua tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2020 trước khi báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định”, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh.

Tại Tờ trình số 171/TT-BTC ngày 29/9, Bộ Tài chính đã đề xuất 2 phương án thu phí sử dụng đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư. Về phương án 1, Chính phủ sẽ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định thu phí dịch vụ sử dụng đường cao tốc thông qua trạm thu phí trên đường cao tốc do Nhà nước đầu tư theo quy định pháp luật về giá.

Cụ thể, danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá sẽ được bổ sung dịch vụ sử dụng đường cao tốc theo hướng giao Bộ trưởng Bộ GT - VT quy định giá tối đa dịch vụ sử dụng đường cao tốc đối với đường do Trung ương quản lý; UBND cấp tỉnh quy định giá tối đa dịch vụ sử dụng đường cao tốc đối với đường do địa phương quản lý. Như vậy, dịch vụ sử dụng đường cao tốc (kể cả cao tốc do Nhà nước và doanh nghiệp đầu tư) đều áp dụng thống nhất phương thức thu phí dịch vụ (theo cơ chế giá).

Với phương án 2, Chính phủ sẽ kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định thu phí sử dụng đường cao tốc thu qua trạm thu phí trên đường cao tốc do Nhà nước đầu tư, theo quy định pháp luật về phí, lệ phí. Theo phương án này, Chính phủ sẽ kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung tiết 1.1 điểm 1, Mục V, Phần A Danh mục phí, lệ phí tại Phụ lục số 01 ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí, gồm phí sử dụng đường bộ sẽ do Bộ Tài chính quy định và phí sử dụng đường cao tốc thu qua trạm thu phí đối với đường cao tốc do Nhà nước đầu tư sẽ do Chính phủ quy định.

Đối với Công văn số 9929, Bộ Tài chính nghiêng hẳn về phương án 1. Theo Bộ Tài chính, việc thu phí dịch vụ (theo cơ chế giá) sẽ đồng bộ về mức thu phí dịch vụ các dự án BOT liền kề; tạo điều kiện thuận lợi cho việc khai thác đường cao tốc do Nhà nước đầu tư theo các hình thức chuyển nhượng, cho thuê, góp vốn liên doanh... qua đó giúp thu hút nguồn lực xã hội đầu tư hạ tầng đường bộ.

“Nếu quy định thu phí sử dụng đường cao tốc (theo pháp luật về phí, lệ phí) tại phương án 2 thì mức thu phí sử dụng đường cao tốc sẽ thấp hơn mức phí dịch vụ, do theo quy định tại Điều 3, Luật Phí và Lệ phí, thì mức phí nhằm cơ bản bù đắp chi phí cung cấp dịch vụ. Điều này đi ngược với nguyên tắc khi kêu gọi vốn xã hội hóa là mức giá dịch vụ sẽ bù đắp chi phí và lợi nhuận của nhà đầu tư”, Bộ trưởng Dũng cho hay.

Cũng theo người đứng đầu Bộ Tài Chính thì, mức thu phí dịch vụ sẽ được tính toán trên cơ sở tổng mức đầu tư dự án và thời gian thu hoàn vốn dự án. Hết thời gian hoàn vốn, sẽ dừng thu như các dự án xây dựng đường cao tốc đầu tư theo hình thức đối tác tác công – tư (PPP). Điều này đảm bảo công khai, minh bạch và dễ nhận được sự đồng thuận của người dân và chủ phương tiện; tránh được sự phản ứng của người dân, doanh nghiệp và dư luận xã hội cho rằng “phí chồng phí”.

Lãng phí tài sản nhà nước

Thực tế, đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương và các đường cao tốc do Nhà nước đầu tư Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ GT-VT xây dựng Đề án quản lý, khai thác từ giữa năm 2018. Theo ông Nguyễn Nhật, Thứ trưởng Bộ GT-VT cho biết, Đề án này sẽ giúp Chính phủ huy động kịp thời, hợp lý nguồn lực từ người sử dụng đường cao tốc nhằm có thêm nguồn lực tài chính để đầu tư xây dựng mới và bảo trì các tuyến đường cao tốc do Nhà nước đầu tư.

Đại diện Bộ GT – VT cũng cho hay, đầu tư xây dựng đường cao tốc đòi hỏi lượng vốn rất lớn, trong khi nguồn lực Nhà nước còn hạn chế. Hiện nay, suất đầu tư đường cao tốc 4 làn khoảng 130 tỷ đồng/km, 6 làn khoảng 190 tỷ đồng/km; chi phí bảo trì đường cao tốc khoảng 830 triệu đồng/km/năm, trong khi nguồn vốn ngân sách nhà nước bố trí cho công tác quản lý, bảo trì hàng năm chỉ đáp ứng khoảng 35 - 40% nhu cầu tối thiểu, dẫn đến tình trạng chất lượng đường xuống cấp nhanh chóng.

Nhìn nhận vấn đề về vốn, đại diện Bộ Tài chính cho rằng, với vai trò, tầm quan trọng của đường cao tốc nêu trên, đầu tư đường cao tốc đòi hỏi lượng vốn rất lớn (theo Quyết định số 326/QĐ-TTg nhu cầu vốn đầu tư đường cao tốc đến năm 2020 cần 342.600 tỷ đồng, đến năm 2030 cần 599.100 tỷ đồng), trong khi nguồn lực Nhà nước còn hạn chế, cần thiết phải huy động mọi nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển đường cao tốc. Vì vậy, cần bổ sung quy định thu phí (hoặc giá) dịch vụ hoàn vốn đầu tư xây dựng đường cao tốc do Nhà nước đầu tư.

Thực tế, trong hệ thống đường cao tốc do Nhà nước đầu tư hiện nay, chỉ có tuyến đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương từng thực hiện thu phí sử dụng đường bộ thông qua trạm thu phí trên đường cao tốc giai đoạn từ năm 2011 đến ngày 31/12/2018, nhưng tạm dừng thu phí từ ngày 1/1/2019 đến nay.

Sau khi tạm dừng thu phí, lưu lượng phương tiện trên đường cao tốc tăng đột biến và tăng mạnh hơn vào các ngày cuối tuần, nên nhiều phương tiện vi phạm đi vào làn dừng khẩn cấp, gây ra tình trạng phương tiện chuyển làn liên tục, ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Vận tốc trung bình lưu thông trên tuyến giảm xuống còn 60 - 70 km/h, trong khi theo thiết kế, vận tốc tối đa là 120 km/h, vận tốc trung bình khi thu phí là 100 km/h.

Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình đường bộ Việt Nam (VARSI) bày tỏ, việc không tiếp tục tổ chức thu phí đã gây lãng phí trong quản lý sử dụng tài sản nhà nước, dẫn tới mất nguồn thu ngân sách phục vụ công tác quản lý vận hành, duy tu, bảo trì thường xuyên tuyến TP.HCM - Trung Lương, làm hư hỏng tài sản quốc gia, cũng như đóng góp nguồn ngân sách phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.

Trong khi đó, hiện số tiền phí sử dụng đường bộ thu được hàng năm khoảng 9.000 tỷ đồng và ngân sách nhà nước cấp thêm khoảng 3.000 tỷ đồng là chưa đáp ứng nhu cầu bảo trì hệ thống đường bộ do Nhà nước quản lý; không có kinh phí cho đầu tư xây dựng mới đường bộ. Với định mức bảo trì rất cao, việc bảo trì 123 km cao tốc miễn phí (thời điểm tháng 9/2019) và khoảng 200 km (sau khi tuyến La Sơn - Túy Loan đưa vào khai thác cuối năm 2020) đang là một gánh nặng lớn đối với ngân sách nhà nước.

Tính toán của Bộ GT - VT, nếu tiếp tục tổ chức thu phí sử dụng đường bộ trên đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương thì số phí dự kiến thu được trong năm 2020 là 880 tỷ đồng, chi phí tổ chức thu dự kiến là 6% số phí thu được tương ứng khoảng 52,8 tỷ đồng (với giả định giữ nguyên mức phí 1.000 đồng/km/xe ô tô tiêu chuẩn, tăng trưởng doanh thu 10%/năm, dự báo trên cơ sở số thu phí đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương giai đoạn 2014-2018)

Tính toán của Bộ GT - VT, nếu tiếp tục tổ chức thu phí sử dụng đường bộ trên đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương thì số phí dự kiến thu được trong năm 2020 là 880 tỷ đồng, chi phí tổ chức thu dự kiến là 6% số phí thu được tương ứng khoảng 52,8 tỷ đồng (dự báo trên cơ sở số thu phí đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương giai đoạn 2014-2018)

Tính toán của Bộ GT - VT, nếu tiếp tục tổ chức thu phí sử dụng đường bộ trên đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương thì số phí dự kiến thu được trong năm 2020 là 880 tỷ đồng, chi phí tổ chức thu dự kiến là 6% số phí thu được tương ứng khoảng 52,8 tỷ đồng (với giả định giữ nguyên mức phí 1.000 đồng/km/xe ô tô tiêu chuẩn, tăng trưởng doanh thu 10%/năm, dự báo trên cơ sở số thu phí đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương giai đoạn 2014-2018). Như vậy, giá trị dự kiến còn lại nộp ngân sách nhà nước tại tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương dài 40 km là 827,2 tỷ đồng/năm, tương đương khoảng 20,6 tỷ đồng/km đường cao tốc/năm.

Thực tế, khi tuyến cao tốc Bắc - Nam do Nhà nước đầu tư hoàn thành, đưa vào sử dụng và được triển khai thu phí, thì số thu được sẽ rất lớn, có thể lên tới cả chục ngàn tỷ đồng. Đây là khoản tiền lớn để bảo trì các tuyến cao tốc hiện có tốt hơn, cũng như đầu tư xây dựng thêm các tuyến cao tốc mới.

“Tại tất cả các tuyến cao tốc do nhà nước đầu tư, người tham gia giao thông có quyền lựa chọn tham gia giao thông trên đường song hành, không phải trả phí sử dụng đường cao tốc hoặc trả thêm phí sử dụng đường cao tốc để tham gia giao thông trên đường cao tốc và được hưởng dịch vụ sử dụng đường bộ chất lượng cao hơn”, Đại diện Bộ GT - VT cho hay.

Có thể bạn quan tâm

  • Bộ GT-VT ra \"tối hậu thư\" cho các lãnh đạo chủ chốt dự án đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai

    00:00, 09/12/2011

  • Bộ Tài chính đề xuất tăng mức bồi thường bảo hiểm bắt buộc của xe cơ giới

    16:31, 04/10/2020

  • Bộ Tài chính tiếp tục khuyến nghị đầu tư trái phiếu doanh nghiệp

    10:24, 05/07/2020

  • Bộ Tài chính: Số lượng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đạt gần 60%

    00:00, 22/06/2020

  • Bộ Tài chính đề nghị giảm 50% lệ phí trước bạ ô tô sản xuất trong nước

    04:00, 21/06/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Bộ Tài chính đề xuất 2 phương án thu phí cao tốc đường bộ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO