Dịch vụ “đặt 1 ăn 70”: Trách nhiệm ngân hàng, ví điện tử như thế nào?

ĐỖ HUYỀN 15/10/2021 00:02

Bộ Tài chính vừa có văn bản gửi Bộ Công an điều tra việc một số công ty đang kinh doanh dịch vụ đặt mua xổ số trong và ngoài nước không đúng quy định pháp luật.

Gần đây, trên một số nền tảng mạng xã hội xuất hiện thông tin doanh nghiệp cung cấp dịch vụ “đặt 1 ăn 70”, kết quả tính theo hai số cuối giải đặc biệt xổ số miền Bắc và một số trang mạng, nhà cung cấp dịch vụ mua hộ vé xổ số điện toán của Công ty Xổ số điện toán Việt Nam.

Trước đó, không chỉ có MoMo mà nhiều ví điện tử và ngân hàng trực tuyến khác cũng đã triển khai dịch vụ “đặt 1 ăn 70”.

Trước đó, Ví điện tử MoMo từng xuất hiện dịch vụ Lô tô hai số với hình thức “đặt 1 ăn 70 lần” giá trị (ảnh: Lao động).

Trước đó, Ví điện tử MoMo từng xuất hiện dịch vụ Lô tô hai số với hình thức “đặt 1 ăn 70 lần” giá trị (ảnh: Lao động).

Tuy nhiên, ngay sau khi Bộ Tài chính thông báo dịch vụ mua hộ vé số vi phạm quy định pháp luật về hoạt động kinh doanh xổ số, các ứng dụng ví điện tử và ngân hàng trực tuyến đồng loạt ngừng chức năng thanh toán cho dịch vụ này, đồng thời khẳng định chỉ cung cấp dịch vụ thanh toán. Liệu rằng các trung gian (ngân hàng, ví điện tử) có thoát khỏi trách nhiệm?

Dưới góc nhìn pháp luật, Luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng VP Luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, hoạt động kinh doanh xổ số là hoạt động kinh doanh có điều kiện phải có sự quản lý của nhà nước và chỉ có các đơn vị kinh doanh xổ số đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép mới được phép hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam. 

Còn đối với hoạt động xổ số hoặc các hoạt động sát phạt ăn thua bằng tiền khác mà không có sự cho phép của nhà nước thì đây là hành vi "đánh bạc trái phép". Pháp luật Việt Nam có quy định nghiêm cấm hành vi đánh bạc trái phép dưới mọi hình thức. Mọi hành vi đánh bạc trái phép, sát phạt, ăn thua bằng tiền hoặc bằng tài sản khác đều phải chịu chế tài của pháp luật. 

Do đó, bất cứ tổ chức, cá nhân nào thực hiện hoạt động kinh doanh xổ số trái phép hoặc tiếp tay, giúp sức cho các hoạt động xổ số ở nước ngoài hoạt động ở Việt Nam mà không có sự cho phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì đây là hành vi vi phạm pháp luật, tùy vào tính chất mức độ của hành vi, tùy thuộc vào hậu quả xảy ra mà tổ chức, cá nhân có liên quan sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. 

Theo Luật sư Cường, trong vụ việc này, việc cơ quan chức năng đề nghị cơ quan điều tra vào cuộc xác minh làm rõ hành vi vi phạm pháp luật để có căn cứ xử lý theo pháp luật là phù hợp. Cơ quan điều tra sẽ làm rõ có hành vi tổ chức đánh bạc và đánh bạc trái phép qua hình thức xổ số trực tuyến này hay không. 

Trong trường hợp có căn cứ cho thấy có hành vi tổ chức đánh bạc và đánh bạc trái phép trên lãnh thổ Việt Nam là hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam, với hành vi sát phạt từ 5.000.000 đồng trở lên thì người vi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đánh bạc và tội Tổ chức đánh bạc theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015. 

Các đối tượng giúp sức, xúi giục, tạo điều kiện cho hành vi tổ chức đánh bạc và đánh bạc trái phép xảy ra thì cũng đều phải chịu trách nhiệm pháp lý với vai trò đồng phạm. Với các đơn vị trung gian thanh toán nếu biết đây là hành vi đánh bạc trái phép nhưng vẫn giúp sức thì cũng sẽ được xác định là đồng phạm. 

Trường hợp không chứng minh được hành vi cùng ý chí thực hiện tội phạm của các đơn vị trung tâm thanh toán thì cơ quan chức năng cũng cần có biện pháp hành chính để xử lý đồng thời thực hiện các giải pháp phòng ngừa để tránh trường hợp các đơn vị trung gian thanh toán này tiếp tay cho hành vi vi phạm pháp luật.

Cũng theo Luật sư Đặng Văn Cường, hiện nay cùng với sự phát triển của công nghệ là việc kéo theo nhiều nguy cơ tiềm ẩn về các hành vi phạm tội của tội phạm công nghệ cao. Đặc biệt, tội phạm sử dụng công nghệ cao tổ chức đánh bạc và đánh bạc trên mạng diễn biến phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn mới ngày càng tinh vi như sử dụng tiền ảo, tài sản ảo, phương tiện trung gian thanh toán… để đánh bạc

Tuy nhiên, pháp luật Việt Nam vẫn còn nhiều khoảng trống pháp lý đối với tài sản ảo và các phương tiện trung gian thanh toán khiến cho cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn trong việc xử lý. Bởi vậy, để xử lý các hành vi liên quan đến các giao dịch tiền ảo, các phương tiện thông tin trung gian thanh toán thì cần phải làm rõ cơ sở pháp lý thì mới đủ căn cứ để xử lý chế tài hành chính hoặc hình sự. 

Có thể bạn quan tâm

  • Bộ Tài chính vào cuộc vụ xổ số “đặt 1 ăn 70” trên ví MoMo

    15:00, 01/10/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Dịch vụ “đặt 1 ăn 70”: Trách nhiệm ngân hàng, ví điện tử như thế nào?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO